Thừa Thiên Huế là địa bàn cư trú của người Chăm. Vì vậy, ngày nay vùng đất này còn tồn tại nhiều công trình kiến trúc, cũng như phế tích Champa như: Tháp Đôi Liễu Cốc (Hương Xuân, Hương Trà); Phế tích Vân Trạch Hòa (Phong Thu, Phong Điền); tháp Mỹ Khánh (Phú Diên, Phú Vang), Thành Hóa Châu (Quảng Thành, Quảng Điền), Thành Lồi (Thủy Biều và Thủy Xuân, thành phố Huế)... và nhiều di vật, cổ vật là những tác phẩm điêu khắc Chăm Pa có giá trị tiêu biểu độc đáo, về mặt văn hóa nghệ thuật, trong đó có miếu Bà Giàng (miếu Bố Y Na) ở làng Lương Văn, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy, là một trong những phế tích mang đậm dấu ấn của một công trình kiến trúc Chăm Pa.
Miếu Bà Giàng là địa điểm di tích lưu dấu nhiều tầng văn hóa, qua các tầng văn hóa cho thấy quá trình tiếp biến, giao thoa và phát triển của các nền văn hóa trong dòng chảy văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật là dấu tích văn hóa Chăm Pa.
Tượng Bà Giàng, Phù điêu thần Shiva múa là những tác phẩm điêu khắc độc đáo, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, thể hiện một trình độ kỹ thuật cao về nghệ thuật điêu khắc đá của người Chăm. Những lễ hội, tín ngưỡng diễn ra tại miếu Bà Giàng, góp phần cho công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, làm phong phú và đa dạng nền văn hóa dân tộc. Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Miếu Bà Giàng có giá trị về mặt khảo cổ học. Việc khai quật khảo cổ học đối với di tích miếu Bà Giàng sẽ góp phần quan trọng cho công tác nghiên cứu, làm sáng tỏ những giá trị văn hóa Chăm Pa đang còm tiềm ẩn ở vùng đất này.
Ngoài giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, miếu Bà Giàng còn ghi dấu về những hoạt động chiến đấu của quân và dân Hương Thủy trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.