Quyết liệt triển khai hàng loạt dự án trong năm 2021
DA cầu chui đường sắt Bắc Nam tại đường Bùi Thị Xuân – thành phố Huế với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng cũng vừa khởi công và đang gấp rút triển khai để kịp hoàn thành vào cuối tháng 6/2021. Khi hoàn thành, đảm bảo lưu thông thông suốt cho các xe du lịch từ 17 chỗ trở xuống khi qua vị trí cầu chui; góp phần chỉnh trang, tạo mỹ quan cho khu vực, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Một trong những DA trọng điểm được thành phố Huế chú trọng, đó là các DA thuộc Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh). DA do Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II làm chủ đầu tư, UBND thành phố Huế thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và tiếp nhận các hạng mục sau khi xây dựng hoàn thành.
Đặc biệt, dự án giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế (cuộc di dân lịch sử) đã được thành phố Huế nỗ lực triển khai, tạo sự đồng thuận cao và đảm bảo cuộc sống cho nhân dân. Đến nay, tổng số tiền phê duyệt tại khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và Tuyến Phòng Lộ là 1.051,7 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền hỗ trợ các hộ bàn giao mặt bằng đúng quy định và phê duyệt bổ sung). Tổng số tiền đã chi trả 752,1/1.051,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ: 71,5%. Hiện nay, thành phố Huế đã hoàn thành công tác kiểm kê và thu thập hồ sơ liên quan ở Khu di tích Trấn Bình Đài (Mang Cá con) với diện tích 9,85 ha; tổng số 160 hộ. Hoàn thành công tác kiểm kê ở khu vực Hồ Tịnh Tâm với diện tích 18.059m2 và 266 hộ.
Về các dự án Hạ tầng kỹ thuật phục vụ bố trí tái định cư di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành, tổng các dự án UBND tỉnh giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế làm chủ đầu tư gồm 8 dự án với tổng mức đầu tư là 835 tỷ đồng, quy mô khoảng 2.783 lô đất. Khu vực 1, 2 đã hoàn thành bàn giao sớm đưa vào sử dụng, làm ổn định cuộc sống người dân; khu vực 3, 4 đạt 83% khối lượng hợp đồng, dự kiến đến 30/3/2021 hoàn thành công trình; khu vực 5, 6, 7, 8 đạt từ 25%-45% khối lượng hợp đồng, dự kiến 30/5 hoàn thành công trình. Tổng số lô đất tái định cư đã hoàn thành là 1.357 lô; đã bố trí 1.052 lô, còn lại 305 lô... Có thể khẳng định rằng, dự án giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế (cuộc di dân lịch sử), di dời tái định cư với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quyết liệt của thành phố Huế, của tỉnh trong thực hiện dự án làm người dân rất cảm kích, cuộc sống của người dân nay đã tốt hơn hẳn, sau hàng chục năm “sống khổ” nương nhờ di tích.
Đáng chú ý, giữa tháng 2/2021, UBND thành phố Huế khởi công DA nâng cấp mở rộng đường Hà Nội – trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những DA trọng điểm nằm trong kế hoạch mở rộng các tuyến đường trung tâm thành phố với tổng mức đầu tư gần 135 tỷ đồng; trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 91 tỷ đồng. Dự kiến, DA sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7/2021. Dự án hoàn thành sẽ tạo diện mạo hoàn toàn mới, hiện đại, thúc đẩy các lĩnh vực như du lịch, giao thông, đô thị của thành phố.
DA mở rộng đường Nguyễn Gia Thiều và đường Dương Văn An nối dài đang được UBND thành phố Huế lên kế hoạch triển khai nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông các khu vực trọng điểm của thành phố. Trong đó, tuyến đường Nguyễn Gia Thiều có điểm đầu tiếp giáp cầu Chợ Dinh và điểm cuối tiếp giáp cầu Bãi Dâu, có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.166,3m. Theo thiết kế, đoạn từ cầu Bãi Dâu đến ngã tư đường Ngô Kha dài khoảng 547,3m, mặt cắt ngang tuyến rộng 36m, trong đó mặt đường rộng 2x10,5m, hè phố rộng 2x3,0m, dải phân cách rộng 0,5m và dải cây xanh kết hợp bãi đỗ xe 2x4,25m. Đoạn từ ngã tư đường Ngô Kha đến cầu Chợ Dinh dài khoảng 619m, mặt cắt ngang tuyến rộng 27,5m, trong đó mặt đường rộng 2x10,5m, hè phố rộng 2x3,0m và dải phân cách rộng 0,5m. Dự kiến, tổng mức đầu tư của DA hơn 165 tỷ đồng. DA góp phần “giải tỏa” điểm nghẽn giao thông ở khu vực Bãi Dâu, làm giao thông thông suốt, đảm bảo nhu cầu đi lại và nguyện vọng của người dân thời gian qua.
Năm 2021, thành phố Huế cũng triển khai thực hiện các hạng mục như nạo vét và kè sông Kẻ Vạn, xây dựng hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành, nạo vét và kè hộ kinh thành, cải tạo nâng cấp sông lấp, nạo vét và kè sông An Hòa. Ngoài ra, sẽ trồng mới cây xanh vỉa hè, xây dựng hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng các trục sinh thái trung tâm khu M An Vân Dương; công viên, cây xanh quảng trường khu hành chính tập trung; chỉnh trang xây dựng kè Đông Ba, chỉnh trang xây dựng kè dọc 2 bờ sông An Cựu, kè Sông Như Ý, đường 100m nối 2 Khu A-B An Vân Dương (qua sông Như Ý), nâng cấp đường Bùi Thị Xuân, Huyền Trân Công Chúa và nâng cấp mở rộng cầu Vỹ Dạ.
Bên cạnh đó, DA đường Dương Văn An nối dài có chiều dài tuyến khoảng 0,6km, điểm đầu tuyến tại nút giao đường Hà Huy Tập, điểm cuối tại nút giao đường Hoàng Lanh. Mặt cắt ngang đường 26m và sẽ xây dựng mới cầu qua sông Vân Dương. Tổng mức đầu tư của DA 184,5 đồng.
Phát huy vai trò là “đô thị hạt nhân”, đô thị di sản, văn hóa, du lịch đặc sắc; tập trung Đề án mở rộng thành phố Huế
Theo Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Hải Minh: 2021 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào trước 2025. Thành phố Huế cần tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, tận dụng các tiềm năng, lợi thế; tích cực triển khai và kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Phải làm sao sát với tình hình thực tế của thành phố, để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII.
Thành phố Huế tiếp tục phát huy hiệu quả các mặt công tác, đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị và mới đây nhất là Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030. Từ đó, nâng tầm vị thế của Huế, xứ sở yên bình – hạnh phúc.
Việc mở rộng thành phố Huế gắn với quy hoạch xác định tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản như sau: Trước hết, phát triển thành phố Huế thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia trong hệ thống đô thị Việt Nam, là một trong 3 thành phố di sản của Đông Dương với tư cách “Thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”. Xây dựng một đô thị lịch sử sống động với mục tiêu phát triển Huế trở thành đô thị sáng tạo văn hóa. “Nuôi dưỡng”, phát triển ngành công nghiệp tri thức chất lượng cao để phát triển Huế trở thành đô thị công nghiệp tri thức. Xây dựng đô thị thân thiện môi trường, hài hòa với thiên nhiên để phát triển Huế trở thành đô thị môi trường kiểu mẫu. Đề án nâng tầm vị thế, hình ảnh và quy mô của thành phố - đó là một Huế sôi động, hấp dẫn, sang trọng, luôn luôn mới bên cạnh việc gìn giữ và phát huy các giá trị xưa có.