Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, sau gần 10 năm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/3/2012 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 10-NQ/TU), giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Quy mô mạng lưới trường lớp, thiết chế cơ sở đào tạo từng bước hoàn thiện, hoàn chỉnh, hiện đại, đồng bộ; chất lượng giáo dục phổ thông, công tác phổ cập giáo dục - xoá mù chữ được duy trì vững chắc. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp được tổ chức sắp xếp lại và chuyển biến tích cực, chất lượng dần được cải thiện. Giáo dục đại học đạt nhiều thành tựu về đổi mới tăng cường tính tự chủ, giải trình và chịu trách nhiệm với xã hội; chất lượng nguồn nhân lực đào tạo trình độ đại học được nâng cao; các nghiên cứu được công bố trong nước và quốc tế tăng và phát triển cả về số lượng, chất lượng. Truyền thống giáo dục của vùng đất văn hiến và hiếu học tiếp tục được phát huy, tỉ lệ học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, học sinh Thủ khoa, Á khoa các cuộc thi Đường lên đỉnh Olimpia, học sinh sinh viên năng khiếu, phong trào nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh, sinh viên đạt nhiều thành tích nổi bậc. Đội ngũ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân hàng năm được bổ sung và không ngừng nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược - Đại học Huế phát biểu tại Hội nghị
Để hướng tới mục tiêu: "Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đổi mới toàn diện giáo dục Phổ thông và giáo dục Đại học. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh mới, nhất là yêu cầu về nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng di sản, cảnh quan, thân thiện với môi trường", Dự thảo Nghị quyết đề ra nhiều chỉ tiêu cụ thể như: quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hàng năm không thấp hơn 20%, quy mô tuyển sinh từ 11.000-12.000 sinh viên đại học, 16.000-18.000 học viên, sinh viên học nghề; đến năm 2025, có 1.400 tiến sĩ, trong đó có 400 giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; đến năm 2030, ít nhất 80% giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong đó 50% đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư trong tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất là 30%; Đại học Huế mở 50 ngành, chuyên ngành đào tạo mới; có ít nhất 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo hoặc tiếp tục học tập, nghiên cứu; tăng tỉ lệ trường đạt kiểm định chất lượng, trường đạt chuẩn quốc gia tất cả các cấp bậc học trên địa bàn lên 90,79%... Song song với đó là nhiều nhiệm vụ và giải pháp cũng đã được đề ra như: Tiếp tục rà soát, sắp xếp hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp và cơ sở đào tạo. Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế cũng như xã hội hoá giáo dục nhằm phát triển giáo dục - đào tạo chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Mễ - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy - nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao dự thảo của Nghị quyết và cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế rất quan tâm và xác định rõ về quan điểm và chủ trương quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước. Tuy nhiên cần làm rõ những từ ngữ trong dự thảo và làm rõ những chỉ tiêu đặt ra, sự liên kết giữa 3 hệ thống phổ thông, dạy nghề và đại học, xã hội hoá giáo dục hay việc liên thông, liên kết trong các chương trình đào tạo của Thừa Thiên Huế; quan tâm phát triển khối ngành công nghệ, ứng dụng trong Đại học Huế; quan tâm tái cấu trúc hệ thống các trường đại học trên địa bàn có tính đến các trường trong khu vực miền Trung; cơ cấu lại một số trường để hình thành các cơ sở giáo dục đại học về kiến trúc – quy hoạch; du lịch; công nghệ (công nghiệp)... Phải quan tâm để có đầu ra cho giáo dục, phải có doanh nghiệp kinh tế - xã hội để sinh viên ra trường có nơi làm việc; cần tạo môi trường giáo dục tốt, có sức hút với người học; phải làm sao để thu hút mọi người từ nhiều nơi về Huế học, đúng nghĩa sức hút của một trung tâm giáo dục...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến tham gia của các đại biểu, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo đến từ các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị giáo dục trên địa bàn; đồng thời nhấn mạnh tỉnh luôn quan tâm đến cơ chế, chính sách dành cho giáo dục - đào tạo, ưu tiên những lĩnh vực mà Thừa Thiên Huế đang có thế mạnh như Y Dược - Du Lịch – CNTT - nhân lực cho văn hóa xã hội nhân văn... Qua đây, đơn vị soạn thảo Nghị quyết sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung và hoàn chỉnh Đề án, trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết trong thời gian tới. Đây là Nghị quyết mang tính bản lề, nền tảng cùng với các nghị quyết về trung tâm văn hóa du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.