Xây dựng nếp sống văn hóa mới ở Phong Điền
Ngày cập nhật 01/04/2021

Trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, từ đó đi vào chiều sâu trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Phong Điền.

Xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh

Thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 9/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Phong Điền đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực, dần xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc tang.

Trước năm 2017, việc tổ chức tang lễ trên địa bàn huyện Phong Điền còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như: cử nhạc ầm ĩ nhiều giờ trong ngày, rải tiền vàng mã... ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa của cộng đồng. Từ khi thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg, các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn huyện đã tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc tang đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và các hộ dân. Đồng thời, các cấp ủy Đảng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề gắn với tập trung thảo luận, bàn giải pháp thực hiện các quy định về NSVM trong việc tang, cụ thể hóa thành tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hằng năm.

Ông Thái Văn Luyến, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã, chi bộ thôn Xuân Điền Lộc đã đưa các quy định thực hiện NSVM trong việc tang vào hương ước của thôn và tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên. Đối với đảng viên sinh hoạt nơi cư trú, chi bộ tiến hành đánh giá và thông báo với cấp ủy nơi công tác trong trường hợp đảng viên chưa chấp hành tốt. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, việc tang lễ trên địa bàn đã có những chuyển biến rõ rệt với 100% đám tang được tổ chức theo NSVM”.

Cùng với đó, 100% thôn, bản, tổ dân phố đã đưa những quy định cụ thể trong việc tang vào hương ước như: tiết kiệm, phù hợp với tập quán, hoàn cảnh gia đình; từng bước xóa bỏ các thủ tục rườm rà, lạc hậu; chỉ tổ chức ăn uống trong nội tộc, dòng họ, hội hiếu; sử dụng vòng hoa, mâm lễ quay vòng; hạn chế đốt, rải vàng mã...

Công tác tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đạt được kết quả đáng khích lệ. Đa số đều tổ chức lễ cưới theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Đối với việc tang cũng được tổ chức đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, nghĩa tình, hạn chế lãng phí, xóa dần những hủ tục còn tồn tại.

Ông Hoàng Văn Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Phò Ninh, xã Phong An cho biết: “Thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, thôn đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: lồng ghép trong các buổi họp thôn, họp chi bộ, sinh hoạt đoàn thể, in  tờ rơi dán ở nhà văn hóa thôn và những nơi tập trung đông người, cho 100% hộ dân ký cam kết thực hiện quy định về NSVM. Qua đó, nâng cao nhận thức của Nhân dân, từng bước xóa bỏ những hủ tục rườm rà, mê tín dị đoan”

Xây dựng con người mới toàn diện

Để nếp sống văn minh đi vào chiều sâu, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch giám sát cơ sở thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó, tập trung giám sát thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện đã thành lập nhiều tổ kiểm tra trực tiếp về tại các xã, thị trấn. Qua đó, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn UBND các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện tốt các quy định về NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

“Phong Điền là một trong những địa phương tạo được chuyển biến tích cực về thực hiện NSVM trong việc tang, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, lễ tang được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm theo quy định, thời gian tổ chức được rút ngắn xuống không quá 3 ngày, không sử dụng nhạc tang quá muộn, chỉ tổ chức ăn uống trong gia đình và hội hiếu tham gia phục vụ...”, ông Thắng cho biết thêm.

Nhờ đó, đời sống Nhân dân trên địa bàn huyện Phong Điền có những chuyển biến tích cực. Kết quả năm 2020, toàn huyện Phong Điền có 137/137 thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 135/137 cơ quan, đơn vị, trường học đạt và giữ vững đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 25.912/27.238 hộ đạt gia đình văn hóa (đạt 95,13%). Đến nay, toàn huyện Phong Điền có 9/15 xã được công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”.

Đặc biệt, trong năm 2020, huyện Phong Điền đã xây dựng và thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện với 2 mô hình cụ thể, đó là: “Mô hình một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp” và “Mô hình xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp”. Việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử này sẽ góp phần xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung, giữ gìn nét thanh lịch. Đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm cao, có đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương...

Việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh mới đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hoàn thiện các tiêu chí văn hóa - xã hội, đáp ứng một trong các điều kiện để đưa Phong Điền trở thành Thị xã trước năm 2025 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

 
 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày