Nhận thấy trồng sen cho thu nhập cao, ít tốn công chăm sóc, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Phong Điền đã mạnh dạn đầu tư, phát triển diện tích trồng sen, góp phần không nhỏ cho công tác xóa đói giảm nghèo. Từ hiệu quả của mô hình này, việc trồng sen đã và đang tiếp tục được nhân rộng ra nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết: “Những năm trở lại đây, mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá ở huyện Phong Điền cũng phát triển mạnh không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp cải thiện môi trường. Với hiệu quả kinh tế cao từ các mô hình trồng sen góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng đa canh theo hướng kết nối với các doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm từ cây sen trên địa bàn”.
Nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, trên cơ sở phát huy lợi thế giá trị của cây sen, tạo sự dịch chuyển mang tính bền vững từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. UBND huyện Phong Điền đã đưa ra các giải pháp cơ bản như: Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các đơn vị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ sen; phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm; triển khai mạnh mẽ và thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thông qua các chương trình, lễ hội đối với các sản phẩm từ cây sen; hướng đến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các địa phương vùng trồng có diện tích đủ lớn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Hồ Đôn cho biết, cây sen hiện đang là một sản phẩm được tỉnh quan tâm để xây dựng thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. Việc phát triển và xây dựng thương hiệu sen Huế rất cần các địa phương và bà con nông dân hưởng ứng, chuyển đổi mô hình các diện tích sản xuất kém chất lượng sang trồng sen để góp phần nâng thu nhập cao. Huyện Phong Điền đã tập trung quy hoạch lại diện tích vùng trồng sen trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có diện tích trồng sen lấy hạt đạt 500ha. Chỉ đạo các phòng chuyên môn và địa phương rà soát diện tích lúa vùng thấp trũng hiệu quả thấp và một số diện tích khác để vận động người dân chuyển đổi trồng sen kết hợp với nuôi cá và nhân rộng mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá trên địa bàn toàn huyện, đây là mô hình kinh tế rất có hiệu quả trong thời gian qua trên địa bàn huyện Phong Điền. Phối hợp với các ngành liên quan cấp tỉnh triển khai xây dựng quy trình nhân giống sen quý hiếm đặc trưng của Huế, giống sen chất lượng cao; tiến tới thành lập Trung tâm sản xuất giống sen tại huyện Phong Điền phục vụ cho nhu cầu sản xuất trên địa bàn và cung ứng ở các thị trường khác. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sen nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm; hỗ trợ phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm. Kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có năng lực đến đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sen trên địa bàn.