Tại buổi làm việc, Đoàn công tác tỉnh Bình Phước và Quảng Nam đã trao đổi với các cơ quan có liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm hiểu cụ thể về việc triển khai xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tìm hiểu các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh, giải pháp thực hiện ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân...
Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong thời gian qua, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả nhất định trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và đang đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số.
Tỉnh cũng đã xây dựng các quy định, quy chế. Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh và tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo. Đã ban hành “Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế phiên bản 2.0” làm nền tảng để triển khai Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số trong tương lai. Ban hành các đề án, chương trình lớn để định hướng triển khai như: Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế; Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh...
Đặc biệt tại Thừa Thiên Huế có Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh thuộc Sở Thông tin và Truyền thông được thành lập chưa lâu, nhưng đã sớm ổn định tổ chức và hoạt động rất hiệu quả. Nhất là ứng dụng Huế S của Trung tâm đã phát huy tác dụng rất rõ rệt trong các đợt thiên tai cuối năm 2020 và dịch bệnh Covid 19.
Thừa Thiên Huế xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước góp phần quan trọng trong thực hiện CCHC, hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết TTHC. Chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước cần phải đi đầu, là điều kiện quan trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả sự đồng bộ chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế, phục vụ tiến trình “làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục không gặp, thanh toán không dùng tiền mặt” và tạo lập gắn với khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Tỉnh Bình Phước và Quảng Nam tìm hiểu tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh
Trước buổi làm việc, Đoàn công tác tỉnh Bình Phước và Quảng Nam đã đến tham quan học tập kinh nghiệm tại Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh và tham quan tìm hiểu tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giới thiệu với Đoàn công tác tỉnh Bình Phước và Quảng Nam khi tìm hiểu về mô hình hoạt động, vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (HueIOC), lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển và chuyển đổi từ Chính quyền điện tử sang Chính quyền số, cụ thể là đã xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông đồng bộ. Tỉnh cũng đã dần dần xây dựng hoàn thiện hạ tầng Trung tâm dữ liệu đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông nhằm lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn và triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các dịch vụ đô thị thông minh.
Tỉnh đã xây dựng và triển khai các ứng dụng từ tỉnh đến xã như các hệ thống ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, Dịch vụ đô thị thông minh đã đưa vào vận hành 10 dịch vụ gồm: Dịch vụ phản ánh hiện trường; Dịch vụ thông tin cảnh báo; Dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera; Dịch vụ giám sát thông tin báo chí; Dịch vụ giám sát hành chính công; Dịch vụ giám sát quảng cáo điện tử; Dịch vụ giám sát hồ đập, môi trường; Dịch vụ giám sát tàu cá; Dịch vụ thẻ điện tử; Dịch vụ giám sát an toàn thông tin mạng. Thực tiễn vận hành các dịch vụ đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, cũng như gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.
Trao đổi với lãnh đạo và các ngành có liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi làm việc, Đoàn công tác tỉnh Bình Phước và Quảng Nam bày tỏ ấn tượng tốt đẹp với Huế về cảnh quan, môi trường, nếp sống người dân cùng nhiều đổi thay tích cực về diện mạo đô thị... khi đến Thừa Thiên Huế. Đồng thời đánh giá những kết quả mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong công tác cải cách hành chính, triển khai ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nhất là đã triển khai thành công mô hình Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Khẳng định, tỉnh Thừa Thiên Huế là điểm sáng trong những lĩnh vực trên, là cơ hội rất tốt để các tỉnh bạn nghiên cứu học tập, trao đổi kinh nghiệm qua đó có thể triển khai xây dựng và áp dụng tại địa phương nhằm hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Đoàn công tác tỉnh Bình Phước và Quảng Nam tham quan học tập kinh nghiệm tại tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế