Theo số liệu của phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện cho biết tới thời điểm này toàn huyện đã có 15/197 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Đây là một loại bệnh virus rất nguy hiểm, hiện nay chưa có thuốc phòng trừ. Dự báo trong thời gian tới bệnh có nguy cơ lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và chế biến sắn trên địa bàn toàn huyện. Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trên địa bàn huyện, UBND huyện đã triển khai họp các ngành chức năng và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh khảm lá trên cây sắn. Tại cuộc họp Phó chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Bảo đã nhấn mạnh: Hiện nay bệnh khảm lá sắn đang lây lan nhanh và gây hại nghiêm trọng, các đơn vị phải triển khai khẩn cấp phòng chống bệnh khảm lá sắn; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân về bệnh khảm lá sắn, tác hại của bệnh và các biện pháp phòng trừ bệnh kịp thời, hiệu quả. Đồng thời tiến hành nghiên cứu, chuyển đổi cây trồng ở các diện tích đã nhiễm bệnh cũng như tìm các giải pháp để hỗ trợ vật tư, phương tiện cho người dân trong thời gian tới. Đồng thời UBND huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án khôi phục sản xuất sắn trên địa bàn huyện. Phối hợp với UBND các xã tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác điều tra phát hiện bệnh khảm lá sắn trên địa bàn huyện; nếu phát hiện bệnh khoanh vùng, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng trừ bệnh khảm lá sắn theo đúng quy trình, nhằm ngăn chặn sự lây lan sang các vùng khác và các vụ sản xuất sau. Tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn người trồng sắn về cách nhận biết và quản lý biện pháp phòng trừ triệt để bệnh khảm lá sắn. Việc cấp bách trước mắt là thực hiện rà soát kỹ các diện tích trồng sắn để phát hiện và tổ chức phòng, chống bệnh khảm lá sắn kịp thời, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để tổ chức, cá nhân vận chuyển giống sắn từ các vùng dịch bệnh về địa phương. Tăng cường hướng dẫn các cơ sở sản xuất, người dân không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng. Xây dựng các mô hình phòng, chống bệnh khảm lá; các mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh để hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân thực hiện.
Theo thống kê đến thời điểm hiện nay toàn huyện có hơn 15 ha bị nhiễm bệnh khảm lá sắn, trong đó Quảng Thọ 10 ha, số còn lại nằm rãi rác ở các địa phương nhu Quảng Vinh, Quảng phú, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phân công cán bộ trực tiếp về cơ sở để hướng dẫn nông dân phun thuốc trừ bọ phấn trắng ; tuyên truyền để người trồng sắn nắm rõ tác hại của bệnh khảm lá và có biện pháp phòng chống; tuyên truyền cho nông dân biết, bởi đây là giống nhiễm bệnh khảm lá và là giống chưa được công nhận”
Trước sự lây lan nhanh của bệnh, các địa phương cần sớm có biện pháp phòng, trừ thích hợp và khuyến cáo nông dân không chủ quan, lơ là; đồng thời, chủ động làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch bệnh để giảm thiểu thiệt hại.