Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, sự ra đời của Đề án 896 đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giảm giấy tờ công dân, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp những kết quả đã đạt được của các bộ, ngành, địa phương đã làm khá tốt trên nhiều phương diện. Đáng ghi nhận là việc triển khai mô hình đưa công an chính quy về xã, bảo đảm thu thập, bổ sung, cập nhật thông tin dân cư hằng ngày ngay từ địa bàn cơ sở; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ban, ngành sẵn sàng tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử; tổ chức quán triệt, nghiên cứu, đề xuất các nội dung thực hiện nghiêm Đề án; chủ động và làm tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương triển khai đầy đủ, chặt chẽ và hiệu quả các nội dung về phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành... Đến nay, các nhiệm vụ của Đề án 896 đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, quá trình triển khai thực hiện Đề án đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dân cư, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, thực hiện đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, thời gian qua tỉnh đã chủ động, tích cực bám sát kế hoạch, chỉ đạo Ban Chỉ đạo 896 Trung ương để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hạng mục công việc theo đúng lộ trình, thời hạn và đạt được một số kết quả bước đầu. Theo đó, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của UBND các cấp và các đơn vị trực thuộc; nổi bật là Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh với 10 dịch vụ được ứng dụng vào cuộc sống. Việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công các cấp phát huy hiệu quả với tỷ lệ 70% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và 40% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Thừa Thiên Huế đã hoàn thành đúng tiến độ, yêu cầu các hạng mục công việc phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chức năng của địa phương, như: thu thập, cập nhật, đối sánh dữ liệu thông tin của 100% nhân khẩu thường trú, tạm trú trên địa bàn; đảm bảo về cơ sở hạ tầng và tổ chức đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian tới; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị quyết tâm hoàn thành việc cấp căn cước công dân trên địa bàn trước ngày 31/5/2021. Để sớm vận hành, kết nối, chia sẻ Bộ dữ liệu thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiên phong đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông kết nối, chia sẻ dữ liệu; ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 20/2/2021 chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương nâng cấp các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng liên quan. Tỉnh cũng đặt ra các nhiệm vụ cụ thể gồm xác lập định danh công dân điện tử, triển khai cơ sở dữ liệu hồ sơ điện tử, sử dụng biểu mẫu (Eform) thông tin đăng ký dịch vụ công, liên thông dịch vụ công, cấp phép và quyết định giải quyết thủ tục hành chính điện tử.
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, năm 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm tiếp tục đưa Đề án 896 vào thực tiễn để hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Để hoàn thành việc xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tiếp theo, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số điểm trọng tâm sau đây:
Một là, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn dữ liệu, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.
Hai là, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục tích cực “đồng hành” cùng với Bộ Công an trong quá trình triển khai 2 dự án, bảo đảm sự đồng bộ, kết nối trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2 đang cung cấp để đề xuất phương án nâng cấp dịch vụ công lên mức độ 3,4 phù hợp với điều kiện và khả năng đáp ứng trong thực tiễn.
Bốn là, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công bảo đảm tốt công tác tra cứu, theo dõi, tổng hợp báo cáo về tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo thời gian thực; đáp ứng yêu cầu kết nối, tích hợp, chia sẻ, lưu trữ dữ liệu; giải pháp xác thực, an toàn thông tin; đồng bộ trạng thái tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Năm là, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, thông qua việc hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể được đề ra tại Kế hoạch hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.
Sáu là, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành để hoàn thiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư trong thời gian tới.
Bảy là, trên cơ sở ý kiến phát biểu tại Hội nghị hôm nay, Bộ Công an (Văn phòng Ban Chỉ đạo 896) nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện và ký phát hành báo cáo tổng kết Đề án 896 giai đoạn 2013-2020 theo quy định, đồng thời chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 896 ở bộ, ngành, địa phương.