Quảng Điền chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao
Ngày cập nhật 29/04/2021
Mô hình trồng sen ở xã Quảng Lợi, Quảng Điền

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Những năm qua Đảng bộ huyện Quảng Điền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục khó khăn, tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm đầu tư của cấp trên, phát huy tiềm năng và lợi thế của các loại cây trồng chủ lực, tích cực ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Để hướng đến một nền sản xuất nông sản sạch, an toàn, huyện Quảng Điền đã chỉ đạo các ngành địa phương tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016 -2020. Theo đó UBND huyện đã ban hành và triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đưa ra những căn cứ, định hướng lớn nhằm điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế huyện và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước.

Trên lĩnh vực nông nghiệp huyện đã chú trọng triển khai sản xuất nông sản sạch, hữu cơ, theo hướng VietGAP, đến nay, Quảng Điền có diện tích cánh đồng mẫu lúa chất lượng trên 230 ha (trong tổng diện tích hai vụ toàn huyện gần 8.400 ha); trong đó diện tích hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm) có 155,5 ha. Quá trình sản xuất cánh đồng lớn, ngành nông nghiệp huyện đã chuyển đổi nhiều giống lúa giá trị kinh tế thấp sang gieo cấy các giống có triển vọng như KH1, NA6, Hà Phát 3… Kết quả cho thấy năng suất và chất lượng, giá trị sản phẩm vượt trội; bình quân mỗi ha tăng 10-12 triệu đồng so với các giống Khang dân, TH5. Định hướng những năm tới, ngành nông nghiệp huyện liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, Công ty CP Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh, Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh… tiếp tục nhân rộng các giống lúa hiệu quả; mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lúa, rau màu chất lượng cao, gắn với ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Trong chăn nuôi huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện và các địa phương giám sát và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, không để xảy ra trên địa bàn; xử lý nghiêm các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn gây ô nhiễm môi trường. Tại các địa phương như Quảng Thành, Quảng Công… sẽ được hỗ trợ xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đến cuối năm 2020, huyện Quảng Điền có khoảng 105 mô hình trang trại, duy trì ổn định mô hình gia trại, chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 45% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; 60% giá trị sản xuất đàn vật nuôi của các trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp, an toàn; tỷ lệ đàn nái ngoại, nái lai trên 80%, trên 90% đàn lợn nạc hóa và 80% đàn bò lai.

Đối với nuôi trồng thủy sản, không mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và hướng đến mô hình nuôi an toàn VietGAP. Các đồng ruộng mơn sâu, nhiễm mặn tại hai xã Quảng Phước, Quảng Công sẽ chuyển đổi sang NTTS. Khoảng 150 ha chân ruộng trũng, sản xuất lúa kém hiệu quả tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Phước sẽ chuyển sang nuôi cá. Đối với nuôi cá lồng trên sông, phá Tam Giang được nâng lên 1.500 lồng. Quảng Điền sẽ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ương giống cá chẽm, tôm sú, cá dìa, cua phục vụ sản xuất tại chỗ…Huyện Quảng Điền đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện đẩy mạnh sản xuất theo quy trình sử dụng phân bón hữu cơ. Đây  là một trong những giải pháp quan trọng hướng đến nền sản xuất nông nghiệp "xanh, sạch, an toàn, bền vững". Giải pháp này không những cho chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn nông sản sạch, an toàn mà còn điều hòa dinh dưỡng trong đất, giảm ô nhiễm môi trường…Theo đó huyện đã đầu tư kinh phí trên 3,5 tỷ đồng triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ với diện tich 20 ha tại HTX Đông vinh xã Quảng Vinh, mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP tại 2 xã Quảng Thành và Quảng Thọ, mô hình trồng khoai lang tím tại xã Quảng Công.

Trong  nhiệm kỳ 2020 -  2025, Đảng bộ huyện Quảng Điền sẽ tập trung lãnh đạo phát triển những ngành hàng có lợi thế và có sức cạnh tranh cao, có tiềm năng phát triển rõ rệt đáp ứng những thị trường có nhu cầu lớn trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt triển khai đồng bộ khâu đột phá trong nông nghiệp, đó là bố trí vùng lúa chất lượng cao để đến năm 2025 toàn huyện có trên 400 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các chính quyền địa phương, tổ chức, Doanh nghiệp, HTX và nhân dân để khuyến khích thực hiện liên kết sản xuât theo chuỗi giá trị. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX tham gia vào các chương trình, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng các dự án nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích giới thiệu sản phẩm cho các đơn vị tổ chức có tiềm năng, nhằm phát huy thế mạnh, để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp được đưa vào danh sách sản phẩm OCOP của huyện nhà.

Đối với “Chương trình nâng cao chất lượng xây dựng NTM gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất”, huyện Quảng Điền sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu cuối năm 2021 có 3 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, đến năm 2025, có 100% số xã nâng cao các tiêu chí; trong đó, có ít nhất 50% xã đạt xã nông thôn mới nâng cao và 20% xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện cũng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.Mở rộng diện tích trồng lúa và rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sử dụng công nghệ sạch chiếm 25-30% diện tích sản xuất (trong đó hữu cơ trên 5%). Phát triển các vùng rau sạch, an toàn thực phẩm tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tiếp tục cải tạo vườn theo hướng gắn với xây dựng vườn mẫu, thôn kiểu mẫu. Phấn đấu xây dựng 300 vườn/30 ha và cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Để thực hiện được mục tiêu, chương trình trọng điểm trên, huyện Quảng Điền sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó tập trung các nhóm giải pháp trọng tâm. Chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch, triển khai xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, Quảng Điền đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

 
 
 
 
 
thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày