Ngày 28/4/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II) nhằm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường ý thức, trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp; lãnh đạo xã, cán bộ tư pháp, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội; cán bộ chuyên trách công tác dân số cấp xã và công tác viên dân số/y tế thôn, bản; già làng, trưởng thôn, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Ban công tác Mặt trận,người có uy tín; tổng phụ trách đội, Bí thư đoàn ở các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trong vùng dân tộc thiểu số được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và không có trường hợp hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao và còn trường hợp hôn cận huyết thống. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số.
Đề án được thực hiện trên địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện, thị xã: Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà.
Theo đó, Kế hoạch sẽ triển khai các nội dung sau: Tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Dân số và phát triển, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống..., trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, chuyên trang, chuyên mục trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, đài truyền hình, đài tiếng nói và qua hệ thống thông tin, truyền thanh tuyến xã; tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích, tranh cổ động...
Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, lễ hội; tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn, bản.
Biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông, tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan đến luật hôn nhân và gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, dân số, tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng nhóm đối tượng; tài liệu giới thiệu về những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc trong hôn nhân và những tập tục có hại cần vận động xóa bỏ; tài liệu Hỏi - đáp pháp luật về hôn nhân, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Xây dựng, triển khai nhân rộng mới mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong công tác ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số; cán bộ chuyên trách công tác dân số cấp xã và công tác viên dân số/y tế thôn, bản thông qua cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...