Quảng Thái chuyển mình
Ngày cập nhật 28/05/2021

TTH - Nằm ở phía đông bắc của huyện Quảng Điền, xã Quảng Thái từng ám ảnh biết bao thế hệ người dân nơi đây bởi vùng quê chỉ biết "Sống trên cát, nước mắt chảy vào cát". Chuyện nghèo khó của Quảng Thái giờ chỉ là ký ức.

Đổi đời từ cát

Quảng Thái cách đây hơn chục năm chỉ có những đồng cát trắng hoang sơ và người dân nhọc nhằn với chuyện trồng khoai đậu và cây thuốc lá để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Thế mà hôm nay, Quảng Thái đã khoác một sắc diện rất mới, những con đường phẳng phiu, nhiều ngôi nhà mái bằng, mái ngói đẹp mắt hiện hữu và điều dễ dàng nhận thấy hơn là những ruộng cát ngày trước giờ là màu xanh của cây, ô màu và cánh đồng lúa vàng hươm đang vào mùa thu hoạch.

Anh Văn Hải, 43 tuổi, ở thôn Tây Hoàng (Quảng Thái) không bao giờ quên được con đường gian khó đã trải qua để tìm hướng đi phát triển kinh tế cho mình. Nhà nghèo, thất học sớm, Hải bươn chải nhiều nơi nhưng rồi cũng về quê làm bạn với ruộng vườn, tăng gia sản xuất nhưng cuộc sống gia đình bấp bênh.

Với suy nghĩ "không thể nghèo mãi" từ năm 2015 là bước ngoặt mà Hải vay mượn tiền bạc người thân và tìm hiểu kinh nghiệm cải tạo ruộng vườn, lấy cây màu làm chủ lực, kết hợp nuôi gia cầm và trồng lúa.

Cần cù chịu khó, lấy ngắn nuôi dài, cách làm của Hải mang lại hiệu quả. Chỉ riêng đậu, dưa, cà trồng xen canh 2-3 vụ; lúa 2ha, cùng vịt gà, lợn đàn, anh Hải thu nhập không dưới 100 triệu đồng/năm.

Ông Văn Đức Dũng, Trưởng ban CTMT thôn Tây Hoàng chia sẻ, câu chuyện thoát nghèo như Hải ở vùng cát này giờ không còn hiếm. Nhiều hộ gia đình đã tận dụng lợi thế của rú cát hoang hóa vươn lên làm giàu, xây được nhà cửa khang trang, con cái học hành đàng hoàng…

Theo hướng dẫn của ông Dũng, chúng tôi đến thăm các trang trại khu vực rú cát thôn Trằm Ngang-địa chỉ trước đây chỉ có xương rồng và cây bụi, nay đã xanh hóa với rừng tràm xanh tít tắp, hoa màu và những trang trại theo mô hình VAC.

Ông Lê Thai, một chủ trang trại ở đây cho biết, trước đây ở rú cát Trằm Ngang mùa nắng thì rát bỏng chân, mùa mưa thì gió thổi rát mặt, rồi nạn cát bay, cát chảy... Mấy năm nay, người dân Quảng Thái biết cải tạo vùng cát, chuyển đổi cây trồng phù hợp nên cho thu nhập ổn định. Có trang trại thu nhập mỗi năm gần 300 triệu đồng nhờ nuôi cá hồ, gà vịt và lợn đàn.

Khát vọng vùng cát

Anh Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái chia sẻ, Quảng Thái là vùng quê từng "Sống trên cát, nước mắt chảy vào cát" nhưng bây giờ cũng nhờ những triền cát mà có gần 30 hộ gia đình khai hoang phục hóa để đổi đời. Không chỉ đánh thức triền cát, nhất là những rú cát ở Trằm Ngang, Quảng Thái còn giải quyết "bài toán" kinh tế cho người dân bằng đa dạng mô hình; trong đó tiếp cận những tiến bộ khoa học phát triển cây trồng vật nuôi, phát triển nguồn lợi thủy sản và xây dựng đồng lúa chất lượng cao phù hợp tiềm năng lợi thế ở địa phương.

Thành quả đổi thay này cũng bắt đầu thời điểm Quảng Thái xây dựng chương trình nông thôn mới (NTM) từ cuối năm 2011. Hành trình này theo anh Phạm Công Phước đã gặp nhiều thử thách, bởi ban đầu Quảng Thái chỉ đạt 5/19 tiêu chí NTM, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh còn thiếu và yếu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao... Thế nhưng khi có nghị quyết cấp trên, đảng bộ, chính quyền, người dân chung sức đồng lòng, huy động sức mạnh mọi nguồn lực. Từ đó những khó khăn vướng mắc lần lượt khắc phục giải quyết, đến giữa năm 2020 chương trình NTM Quảng Thái về đích đúng hẹn.

Dạo quanh vùng cát này, tôi ấn tượng hệ thống đường sá ở đây khang trang; các tuyến liên thôn, liên xã đã bê tông hóa 100%, nhiều tuyến có điện thắp sáng, bắt camera theo dõi 24/24h từ trung tâm xã bảo đảm trật tự an ninh thôn xóm. Trường học các cấp được cải tạo đầu tư mới cao tầng; 100% hộ gia đình dùng lưới điện lưới quốc gia và nước sạch, môi trường sạch đẹp...

Anh Phạm Công Phước nói: "Mừng nhất từ khi chương trình xây dựng NTM triển khai đã nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân và tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm sâu, hiện chỉ còn hơn 3%. Đây là tiêu chí xã Quảng Thái lo ngại nhất khi bắt tay xây dựng xã NTM".

Tuy nhiên, khó khăn lớn mà Quảng Thái đang đối diện là hơn 70ha ruộng ở HTX Nông nghiệp Tam Giang và Thống Nhất, chiếm gần 1/4 diện tích đồng lúa ở địa phương vì thường bị nhiễm mặn do tuyến đê đất dài 1,7 km nối từ khu vực thôn Trung Làng đến xã Quảng Lợi xuống cấp, sạt lở. Vào vụ đông xuân, triều cường dâng, diện tích lúa này thường ngập úng, mất trắng, nhiều vụ người dân phải bỏ hoang. Nếu tuyến đê trên sớm được nâng cấp đầu tư, Quảng Thái yên tâm trong việc xây dựng mô hình lúa chất lượng; đồng thời kết hợp giao thông đi lại thuận lợi, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai liên vùng.

Bài, ảnh: Minh Văn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày