Mướp đắng Quảng Thái nỗ lực ra thị trường
Ngày cập nhật 28/05/2021

TTH - Với tiềm năng và lợi thế, gần đây, mướp đắng trở thành một trong những cây trồng chủ lực của người dân xã Quảng Thái (Quảng Điền).

 

 Anh Văn Hải, thôn Tây Hoàng, Quảng Thái-một trong những người chuyên trồng mướp đắng trái vụ

Thu nhập gấp 4 lần trồng lúa

Trước đây, người dân Quảng Thái chủ yếu trồng các loại hoa màu, như đậu, khoai, sắn. Qua thời gian trồng thử nghiệm cho thấy, cây mướp đắng là cây trồng cho năng suất và sản lượng cao cũng như mang lại thu nhập ổn định.

Anh Văn Hải ở thôn Tây Hoàng trồng 2 sào mướp đắng từ năm 2015. Bình quân mỗi năm anh trồng 2 vụ, mỗi vụ kéo dài hơn 2 tháng; trong đó vụ chính từ giữa tháng 6 đến tháng 8, vụ trái bắt đầu từ giữa tháng giêng và kết thúc vào khoảng cuối tháng 3.

Anh Hải tính, mỗi vụ trồng hơn 400 cây, cho sản lượng gần 1,6 tạ quả. Nếu tính giá thương lái mua tại vườn vào vụ chính trong thời gian gần đây từ 10-15 nghìn đồng/kg, cho nguồn thu hơn 20 triệu đồng. Trong khi đó, các chi phí giống, phân bón, làm giàn...chiếm 15-20%, mỗi vụ lãi hơn 16 triệu đồng, gấp 4 lần trồng lúa.

Ông Văn Đức Dũng, cùng thôn với anh Hải là người đi đầu trong mô hình trồng mướp đắng ở Quảng Thái chia sẻ, với 3 sào đất trước đây trồng đậu, khoai lang, sắn, nếu được mùa chỉ thu về được 7-8 triệu đồng. Có vụ gặp nắng hạn hoặc lũ về sớm, không kịp thu hoạch xem như mất trắng. Từ khi chuyển sang trồng cây mướp đắng từ năm 2014, với diện tích trên bình quân mỗi vụ ông Dũng thu khoảng 30 triệu đồng.

Mướp đắng ở Quảng Thái, nhất là ở thôn Tây Hoàng khác với nơi khác là ít nhiễm bệnh, chóng lớn, sai quả. Giải thích vì sao mướp đắng ít bị sâu bệnh, quả to đẹp, ông Dũng cho rằng, do ở đây chủ yếu trồng trên đất cát pha. Khi trồng bà con tạo thêm độ màu mỡ cho đất đã đánh luống bỏ nhiều phân chuồng; khi mướp lên cao thì làm giàn cao ráo, làm cỏ thường xuyên... Hiện nay, nhiều hộ ở đây đã nỗ lực trồng 3-4 vụ mướp/năm, không chỉ dừng lại 2 vụ như trước đây. 

Tạo uy tín cho “thương hiệu”

Hiện toàn xã Quảng Thái, tập trung chủ yếu ở thôn Tây Hoàng có hơn 90 hộ gia đình trồng khoảng hơn 15 ha. Hộ trồng nhiều từ 4-5 sào, hộ ít cũng trên 1 sào. Nhiều hộ đã thoát nghèo cho nguồn thu nhập 70-80 triệu đồng/năm nhờ tham gia trồng mướp đắng, như ông Nguyễn Tuyền, Phạm Cường, Hoàng Tấn...

Ông Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái thông tin, trước năm 2018, nắm bắt tiềm năng lợi thế cây mướp đắng mang lại nguồn lợi đáng kể cho người dân, lãnh đạo địa phương đã xây dựng phương án tạo dựng thương hiệu cây mướp vươn ra thị trường xa. Năm 2019, tổ hợp tác sản xuất mướp đắng sạch theo hướng VietGAP ở địa phương ra đời; đồng thời tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể Mướp đắng an toàn Tây Hoàng.

Đến nay, tổ hợp tác này có 6 thành viên làm nòng cốt phối hợp giúp bà con trong thôn, xã được tập huấn, trao đổi kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Tranh thủ nguồn vốn, xã Quảng Thái đầu tư một số trang thiết bị, nhà xưởng để chế biến trà mướp đắng tại thôn Tây Hoàng... gần 500 triệu đồng.

Đại diện tổ hợp tác mướp đắng an toàn Tây Hoàng chia sẻ, câu chuyện cho “thương hiệu” Mướp đắng Quảng Thái đã thành công bước đầu, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là guồng máy hoạt động không đồng bộ, phương cách tổ chức nhỏ lẻ, manh mún, hội viên chưa tham gia sản xuất nhiều nên vẫn theo phương thức mạnh ai nấy làm; dẫn đến đầu ra cho sản phẩm, tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn tồn tại. Nhiều người chưa yên tâm sản xuất.

Nhiều vụ, mướp đắng được mùa nhưng thương lái chỉ mua với 5-6 nghìn đồng/kg khiến nhiều hộ dân không dám trồng lại. Do thiếu hệ thống nước tưới tiêu nên mướp đắng Tây Hoàng chỉ trồng được đúng mùa vụ, còn trái vụ vẫn phụ thuộc thời tiết. Trong khi đó, giá mướp vào vụ trái thương lái mua giá gấp 10 lần vụ chính. Phương thức trồng mướp đắng ở đây phần lớn còn theo kinh nghiệm truyền thống, chưa được tập huấn chuyển giao kỹ thuật bài bản nên năng suất, chất lượng có vụ vẫn chưa cao.

Bài, ảnh: Song Minh

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày