Báo cáo Tình hình và kết quả giải quyết những kiến nghị, đề xuất của cử tri tại kỳ họp thứ 8, HĐND xã khóa VIII
Ngày cập nhật 23/12/2019

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, Nghị quyết của HĐND xã về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, ngay từ đầu năm, UBND xã đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch để cụ thể hóa việc thực hiện các chương trình trọng điểm đã được quyết nghị.

Trên cơ sở kết quả đã triển khai thực hiện, ngày 20 tháng 12 năm 2019, UBND xã Quảng Thái đã ban hành báo cso số 103/BC-UBND Báo cáo kết quả triển khai các chương trình trọng điểm trong năm 2019 đã được HĐND xã quyết nghị như sau:

A. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

I. Tình hình, kết quả triển khai thực hiện

1. Công tác tổ chức bộ máy thực hiện chương trình

- Đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo nông thôn mới và Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã; đồng thời phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể của từng thành viên Ban chỉ đạo; phân công phụ trách theo dõi, hướng dẫn từng tiêu chí cụ thể cho từng thành viên, bố trí cán bộ theo dõi chương trình xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đã tổ chức họp BCĐ định kỳ hàng quý, 06 tháng để qua đó đánh giá những kết quả đạt được, nêu lên những khó khăn, vướng mắc của các xã để đề ra những giải pháp hiệu quả, đồng thời đôn đốc, các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường triển khai thực hiện.

2. Công tác tuyên truyền, vận động

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia góp sức chung tay xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Đã chỉ đạo Đài truyền thanh, Trang TTĐT xã thường xuyên phát các tin về những chủ trương, chính sách của Nhà nước, những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhà ở khang trang, sạch đẹp, công tác triển khai, thực hiện các mô hình vườn mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn; Bộ tiêu chí xây dựng vườn mẫu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2020. Bên cạnh đó, Mặt trận và Đoàn thể cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia triển khai thực hiện với các mô hình, hoạt động thiết thực.

3. Công tác đào tạo, tập huấn

- Đã cử gần 30 lượt cán bộ gồm lãnh đạo, cán bộ phụ trách, theo dõi Chương trình xây dựng nông thôn mới cấp xã, đại diện Ban giám sát cộng đồng các thôn với các nội dung như: hướng dẫn triển khai kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu; công tác giám sát cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.

- Đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, phổ biến các chính sách mới về giảm nghèo cho cán bộ phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội và đặc biệt là các ban ngành, đoàn thể cấp thôn.

4. Kết quả thực hiện cụ thể

4.1. Về thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Năm 2019, địa phương tiếp tục thực hiện kết luận số 09-KL/HU ngày 8/11/2016 của Huyện ủy, Nghị quyết của Đảng ủy về xác định xã Quảng Thái đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020. UBND xã xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng điểm quan trọng để tập trung lãnh dạo, chỉ đạo và điều hành. Trong năm đã thực hiện cơ bản một số nhiệm vụ sau:

Đến nay, qua rà soát, đã có 17/19 tiêu chí đã đạt theo Bộ tiêu chí Quốc gia chương trình xây dựng Nông thôn mới theo Quyết định 1980/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.

1.1.Tiêu chí số 1. Quy hoạch

- Đã hoàn thành việc quy hoạch, điều chỉnh bổ sung quy hoạch và UBND huyện đã phê duyệt đồ án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 ; Tổ chức công bố, niêm yết quy hoạch và Quy chế quản lý quy hoạch công khai tại khu vực Trung tâm xã, Nhà văn hóa các thôn để nhân dân biết, thực hiện.

-Đã hoàn thành việc Quy hoạch phát triển kinh tế trang trại vùng cát nội đồng; Quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được UBND huyện phê duyệt.

- Hoàn thành việc Quy hoạch khu phố chợ trung tâm xã tỷ lệ 1/500 với diện tích 1,7ha, đã hoàn thành việc kê khai, áp giá bồi thường, hỗ trợ cho 32 hộ dân có đất sản xuất, hoa màu tại khu quy hoạch với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng. UBND xã đã lập tờ trình đề nghị UBND huyện tạm ứng kinh phí chi trả cho người dân. Đồng thời, đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng khu phố chợ giai đoạn 1 để đảm bảo tổ chức đấu giá các lô đất vào đầu năm 2020.

- Đã tiến hành lập hồ sơ Quy hoạch điểm dân cư kết hợp dịch vụ thương mại 02 bên Tỉnh lộ 11C, phục vụ phát triển cửa ngõ phía Tây Nam của xã. Hiện đang tiến hành các bước lấy ý kiến của các ngành chuyên môn cấp huyện và Sở xây dựng.

-Hiện đang phối hợp với các ngành chuyên môn cấp tỉnh thực hiện Quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên vùng ngập nước cửa sông Ô Lâu; Quy hoạch vùng của huyện giai đoạn 2025- 2050.

1.2. Tiêu chí số 3. Thủy lợi

Diện tích tưới, tiêu chủ động hơn 90%. Đã tranh thủ được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đê xung yếu, các tuyến đê bao, kênh mương kết hợp làm đường giao thông, cống nội đồng đã tạo thuận lợi cho nhân dân và xe cơ giới đi lại để sản xuất,... góp phần đưa diện tích đất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động. Đồng thời đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ.

1.3. Tiêu chí số 4. Điện

Hệ thống lưới điện trên địa bàn xã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn kỹ thuật của ngành điện nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt ở nông thôn. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn đạt 98%.

1.4.Tiêu chí số 6. Cơ sở vật chất văn hóa

-Hiện đã có Nhà văn hóa xã với diện tích 5.000m2, đủ chỗ cho 300 chỗ ngồi cùng với diện tích sân bãi tương đối rộng. Đã đầu tư mua sắm bàn ghế, trang thiết bị bên trong đảm bảo phục vụ hội họp; đồng thời kêu gọi xã hội hóa đầu tư các thiết bị tập luyện TDTT phục vụ nhu cầu sinh hoạt trên địa bàn.

-Tại các thôn, đã có 6/7 thôn có nhà văn hóa cùng với diện tích khuôn viên khu thể thao thôn đảm bảo diện tích 2.500m2. Riêng thôn Đông Hồ hiện chưa có nhà văn hóa(do sáp nhập thôn Đông Hồ, Đông Cao). UBND xã đã thống nhất bố trí quỹ đất khu vực HTX Thống Nhất, Phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình Nhà văn hóa thôn Đông Hồ với kinh phí hơn 550 triệu đồng, UBND huyện bố trí kinh phí 30 triệu đồng hỗ trợ; đồng thời bố trí từ nguồn kinh phí tiền đất năm 2020 để hoàn thành việc xây dựng Nhà văn hóa thôn theo quy định.

1.5.Tiêu chí 7. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn

Chợ Nịu Quảng Thái được xây dựng đảm bảo khang trang gồm đình chợ chính và khu bán hàng tự sản tự tiêu cùng với hệ thống xử lý chất thải được đầu tư xây dựng. Tổng số 180 tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ; đã lấp đầy 64 lô và 04 ki ốt trong đình chính. Ban quản lý chợ được thành lập do Phó Chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm Trưởng ban. UBND xã đã đăng ký và hiện đang triển khai thực hiện Phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ, hoàn thành trong cuối năm 2019.

1.6.Tiêu chí 8. Thông tin và Truyền thông

-Trên địa bàn hiện có 01 điểm Bưu điện văn hóa xã, lắp đặt hệ thống máy tính kết nối mạng intenet phục vụ miễn phí. Đài truyền thanh xã được kết nối đến tận các thôn với tổng số 26 cụm thu 38 loa, 01máy phát sóng 1600W, 01máy phát sóng 3000W đảm bảo phục vụ thông tin tuyên truyền.

-Xã có máy vi tính phục vụ công tác của cán bộ, công chức. Đã thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng các phần mềm ứng dụng: Trang thông tin điều hành tác nghiệp, quản lý văn bản và điều hành, theo dõi ý kiến chỉ đạo, xử lý dịch vụ công tập trung, giấy mời qua mạng. Trang TTĐT xã hoạt động hiệu quả. Kết quả chấm điểm chính quyền điện tử cấp huyện, xã Quảng Thái xếp thứ 2/11 xã, thị trấn(sau Quảng Thọ), tăng 01 bậc so với năm 2018(Thứ 3/11 xã)

1.7.Tiêu chí 9. Về nhà ở dân cư

-Xã hiện nay không còn nhà tạm, dột nát.

-Hầu hết nhà ở trên địa bàn xã đều được xây dựng bán kiên cố và kiên cố, đảm bảo 3 cứng (nền cứng, mái cứng, khung cứng); số nhà đạt tiêu chuẩn theo quy định, đạt 85%.

-Hiện đang triển khai xây dựng 10 nhà chống bão (GCF) theo quyết định 48/2014/QĐ-TTg cho hộ nghèo, đồng thời đề xuất hỗ trợ xây dựng 10 nhà theo Quyết định 22/2013/QĐ- TTg cho đối tượng chính sách, có công, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và nhà ở an toàn cho người dân.

1.8.Tiêu chí số 10. Thu nhập.

Thu nhập chủ yếu trên địa bàn của xã từ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, kinh doanh, dịch vụ, thu từ tiền công, tiền lương và thu khác; bình quân đầu người năm 2019 của xã dự ước đạt trên 32,5 triệu đồng/người/năm.

1.9.Tiêu chí số 12. Lao động có việc làm.

Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt tỷ lệ 63 %.

1.10.Tiêu chí số 13. Tổ chức sản xuất.

- Trên địa bàn xã có 02 Hợp tác xã SXKD DVNN hoạt động theo luật HTX năm 2012. Hiện đang chỉ đạo các Hợp tác xã đại hội tổng kết SXNN năm 2019 và chuẩn bị nội dung nhân sự cho Đại hội nhiệm kỳ 2020- 2025.

- Có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững(Liên kết tiêu thụ sản phẩm khoai lang mỡ)

1.11.Tiêu chí số 14. Giáo dục và đào tạo

- Xã được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3; phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

- Năm học 2018 – 2019 có 100% học sinh lớp 9 công nhận tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, đạt tỷ lệ 100%.

-Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt tỷ lệ 92%.

1.12. Tiêu chí số 15. Y tế.

- Tổng số dân trong toàn xã 5.689 người; trong đó, số người dân có tham gia bảo hiểm y tế bao gồm các loại là 5.689 người, tỷ lệ 100%

- Xã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2017- 2020.

-Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (Chiều cao theo tuổi) dưới 9,8 %

1.13.Tiêu chí số 16. Văn hoá.

- Cuối năm 2019, toàn xã có 7/7 thôn được công nhận đạt chuẩn văn hóa (tỷ lệ 100%).

-Đã triển khai thực hiện cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đồng thời triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã văn hóa Nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025. Triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng Thôn văn hóa gắn với nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc tang tại các thôn trên địa bàn.

1.14. Tiêu chí số 17. Môi trường và an toàn thực phẩm.

-Trên địa bàn xã có 1.439/1.468 hộ hộ dùng nước sạch, đạt tỷ lệ 98%.

-Đối với chất thải rắn, xã đã xây dựng 10 điểm tập kết xe thu gom rác; đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại chợ Nịu; xây dựng các bể chứa để thu gom các võ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

-Số hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh 1.248/1.468 hộ, đạt tỷ lệ 85%.

-Hầu hết số hộ chăn nuôi đều xây dựng chuồng trại xen ghép trong khu dân cư chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Địa phương đã khuyến khích các hộ lặp đặt các hầm khí sinh học biogas, vận động nuôi theo mô hình bằng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi.

-Các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm các hộ gia đình và các cơ sở đều tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm

1.15. Tiêu chí số 18. Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

- Cơ quan UBND xã có 22 cán bộ, công chức, trình độ chuyên môn Thạc sỹ 01, Đại học 17 người, 02 đang học Đại học, trung cấp 04 người. Trình độ chính trị: Cao cấp 02 ngươi, Trung cấp 16, sơ cấp 04. Đạt chuẩn theo quy định.

-Xã có đầy đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.

-Đảng bộ xã đạt tiêu chuẩn: trong sạch vững mạnh;

- Các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội của xã hàng năm được đánh giá xếp loại vững mạnh.

- Năm 2019 xã được công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

.-Xã không có tình trạng bạo lực gia đình; mọi quyền lợi về bình đẳng giới và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội đều được đảm bảo; không có trường hợp tảo hôn, cưỡng ép kết hôn.

1.16. Tiêu chí số 19. Quốc phòng và an ninh.

-Cơ cấu số lượng cán bộ Ban chỉ huy Quân sự xã đảm bảo theo quy định của pháp luật, Chỉ huy trưởng là thành viên UBND xã; trình độ chuyên môn của Chỉ huy trưởng được đào tạo Trung cấp(hiện đang đào tạo Đại học), 02 Chỉ huy phó được đào tạo Đại học Hành chính, Cao đẳng Quân sự địa phương; hàng năm Chỉ huy trưởng, chỉ huy phó được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, quân sự, pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn do các cấp tổ chức.

Hằng năm xã luôn hoàn thành các chỉ tiêu về quốc phòng; công tác tuyển quân đều hoàn thành 100% chỉ tiêu giao; làm tốt công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi; công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho lực lượng DQTV đảm bảo theo quy định.

Hằng năm Đảng ủy đều có Nghị quyết, UBND có kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn xã. Tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội đều đảm bảo; không có khiếu kiện đông người kéo dài, không để xảy ra trọng án; tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút); không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội và không có người mắc tệ nạn xã hội trên địa bàn. Năm 2019, toàn xã và 7/7 thôn được công nhận tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự. Hàng năm Công an xã đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến. Lực lượng Công an xã được xây dựng, củng cố ngày càng trong sạch, vững mạnh theo quy định của Pháp lệnh Công an xã và hướng dẫn của ngành.

-Thực hiện Quyết định số 1171/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 01/7/2019, UBND xã đã tiếp nhận 01 đồng chí Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã; Đến ngày 10/10/2019, tiếp tục tiếp nhận 02 đồng chí Công an chính quy đảm nhiệm Công an viên thường trực tại xã, góp phần xây dựng lực lượng Công an xã từng bước chính quy, hiện đại.

Đã triển khai vận động xã hội hóa nguồn lực trong nhân dân để lắp đặt Hệ thống Camera giám sát An ninh trong khu dân cư. Đã tiến hành lắp đặt và tổ chức ra mắt, vận hành hệ thống với tổng số 11 Camera tại khu vực trung tâm, tuyến đường trục chính xã và các điểm chính của các thôn trên địa bàn toàn xã(Kinh phí khoảng 60 triệu đồng)

1.17.Tiêu chí số 11. Hộ nghèo

a) Yêu cầu của tiêu chí:

- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 đạt ≤5%.

b) Kết quả thực hiện tiêu chí

Đến nay, tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã là 121 hộ(tỷ lệ 8,24%), giảm 40 hộ nghèo so với năm 2018; hộ cận nghèo 122 hộ(8,3%). Trong đó, hộ nghèo thuộc đối tượng BTXH là 88 hộ(6%). Số hộ nghèo còn lại sau khi trừ hộ nghèo thuộc BTXH là 33 hộ(2,24%). Đến nay, tiêu chí này ĐẠT

Còn 03 tiêu chí chưa đạt, đó là: Giao thông, Trường học và Hộ nghèo.

*Tiêu chí số 2. Giao thông:

+Đường trục xã, liên xã

Tổng chiều dài đường trục xã, liên xã là 9,4 km, trong đó đã cứng hoá được 9,0 km, đạt tỷ lệ 96%. Để đạt tiêu chí này cần bê tông hóa thêm 0,4km nữa(Đoạn còn lại của tuyến Trung Kiều- Trằm Ngang- Trang trại).

+Đường trục thôn 

Đã cứng hóa 15,92/20,74 km, đạt tỷ lệ 76,6% từ nguồn chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững 2020 đầu tư thêm 3,25 km, đầu năm 2020 đạt tiêu chí này.

+Đường ngõ xóm

Năm 2019 , UBND huyện và xã hỗ trợ 810 tấn xi măng cho các thôn trên địa bàn xây dựng được 4,552 km đường ngõ xóm. Hiện nay đã cứng hoá 24,286/ 27,1km đạt 89%.  Phấn đấu đầu năm 2020 đạt tiêu chí này. 

+ Đường trục chính nội đồng

Đã được cứng hoá 3,30/7,35 km, đạt tỷ lệ 44,89%. Chủ yếu các đường trục chính nội đồng chỉ phục vụ cho phát triển sản xuất và đã có nền đường rộng từ 5-6m, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện  * Tiêu chí số 5. Trường học:

+Trường mầm non Quảng Thái: Cần đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại như: phòng bảo vệ, phòng hiệu trưởng, phòng y tế, cổng, tường rào bao quanh, sân đường nội bộ, san lấp mặt bằng sân sau,... xã đã lập hồ sơ trình UBND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư và quy mô đầu tư (với tổng mức đầu tư: khoảng 2,6 tỷ đồng. Trong đó: Dự kiến ngân sách huyện hỗ trợ xã về đích NTM năm 2020: 600 triệu đồng; nguồn chống xuống cấp trường học: 400 triệu đồng; và nguồn đối ứng của xã và nguồn huy động hợp pháp khác: 1,0 tỷ đồng), đang tiến hành thẩm định, phê duyệt Báo cáo KTKT.

Bên cạnh đó, UBND xã đề xuất UBND huyện hỗ trợ trang thiết bị dạy và học: 500 triệu đồng trong gói thiết bị hàng năm của huyện (năm 2020).

+Trường THCS Lê Xuân: Cần đầu tư xây dựng thêm 04 phòng học chức năng; cải tạo nâng cấp khối nhà hiện có thành khu hành chính quản trị và các phòng chức năng khác, hiện nay,  UBND huyện đã đề nghị đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019 - 2020 (5,2 tỷ đồng). Còn lại các hạng mục như: Nhà vệ sinh, khu giáo dục thể chất, nhà để xe, sân đường nội bộ,... thì UBND huyện đã đưa vào kế hoạch đăng ký từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 (2,5 tỷ đồng) và đã có Quyết định phê duyệt BCKTKT. Phần chỉnh trang hàng rào xung quanh UBND xã đã có kế hoạch bố trí kinh phí đầu tư từ nguồn đấu QSDĐ năm 2019-2020.

Bên cạnh đó, UBND xã đề xuất UBND huyện hỗ trợ trang thiết bị dạy và học: 570 triệu đồng trong gói thiết bị hàng năm của huyện (năm 2020).

+Trường tiểu học Quảng Thái: Đạt chuẩn Quốc gia mức độ I năm 2015. Năm 2019, đã được đầu tư xây dựng 02 tầng, 06 phòng học từ Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai miền Trung; đầu tư xây dựng hệ thống nhà giáo dục thể chất, nhà vệ sinh, cải tạo khuôn viên sân trường, chuẩn bị các nội dung đề nghị công nhận mức độ 2 vào đầu năm 2020.

2. Chương trình giảm nghèo bền vững

Đã tập trung chỉ đạo các giải pháp lồng ghép chương trình giảm nghèo bền vững với các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

Thực hiện chương trình 30A-mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tập trung hỗ trợ hộ nghèo về mô hình hỗ trợ sinh kế. Trong năm đã hỗ trợ 50 con bò giống cho 25 hộ nghèo, hộ cận nghèo(trong đó hộ nghèo 11 hộ) với kinh phí 620 triệu đồng. Trong năm 2019, UBND xã tiếp tục khảo sát danh sách hỗ trợ mô hình nuôi bò, trồng cỏ với 21 hộ ( có 14 hộ nghèo) với kinh phí 500 triệu đồng, tập trung các nguồn lực hỗ trợ cho các hộ để thoát nghèo trong năm 2019.

Trong năm, tổ chức ADRA Việt Nam đã hỗ trợ Dự án phục hồi sinh kế cho người dân sau bão Damrey 2017 cho 125 hộ với tổng số 10.000 gà giống; Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 500 gà giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Tổ chức Courage- CHLB Đức đã hỗ trợ mô hình Vịt xiêm siêu trứng cho 21 chị Phụ nữ đơn thân trên địa bàn xã với số lượng khoảng 80 con/hộ cùng với hỗ trợ xây dựng chuồng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi vịt trên địa bàn xã.

Đã tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 03 nhà, đồng thời hiện đang triển khai xây dựng 10 hộ gia đình được thụ hưởng dự án GCF cho hộ nghèo; .

Công tác rà soát  hộ nghèo năm  2019 được quan tâm, đến nay, tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã là 121 hộ(tỷ lệ 8,24%), giảm 40 hộ nghèo so với năm 2018; hộ cận nghèo 122 hộ(8,3%). Trong đó, hộ nghèo thuộc đối tượng BTXH là 88 hộ(6%). Số hộ nghèo còn lại sau khi trừ hộ nghèo thuộc BTXH là 33 hộ(2,24%).

Đã triển khai đẩy mạnh công tác vận động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong 9 tháng đầu năm, có 13 lao động đã xuất cảnh sang các thị trường Nhật Bản, Malaysia; có 15 lao động đang học nguồn tại các công ty.

II. Tồn tại, hạn chế

1. Công tác tuyên truyền, vận động còn thiếu thường xuyên, chưa làm tốt công tác phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nên nhận thức của người dân về ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của chương trình tại một số nơi còn hạn chế.

2. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân chưa quan tâm đúng mức, chủ yếu quan tâm đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Thực hiện chỉ tiêu “Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững” còn lúng túng; mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất còn thiếu chặt chẽ. Tình trạng sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên các mô hình phát triển kinh tế theo hình thức liên kết giữa người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chưa hình thành được nhiều cánh đồng lớn, chưa tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn nên việc tiêu thụ nông sản (đầu ra sản phẩm) gặp nhiều khó khăn.

3. Công tác bảo vệ môi trường đang còn là vấn đề bức xúc ở một số địa phương, cảnh quan nông thôn chưa thực sự xanh-sạch-đẹp; ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường, rác thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân vẫn chưa tốt; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề lo ngại,...

4. Vai trò của một số thành viên Ban chỉ đạo xã, Ban phát triển thôn chưa phát huy mạnh, chưa bám sát địa bàn, nhiệm vụ được phân công phụ trách để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện chương trình.

5. Một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; không tự nổ lực, phấn đấu vươn lên để thoát nghèo; thậm chí có những trường hợp muốn vào hộ nghèo để được hưởng chính sách.

B. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế trang trại

I. Tình hình và kết quả thực hiện

1. Công tác lãnh chỉ đạo

-  UBND xã xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp 2019.

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, vận động các tổ chức và người sản xuất thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo các hợp tác xã tổ chức triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

2. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu

a) Lĩnh vực trồng trọt

Đã tập trung chỉ đạo về chuyển đổi các mô hình kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất, tạo thu nhập cao cho người dân. Chỉ đạo các hợp tác xã tập trung xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trên vùng ruộng Ô 773 với 34,2 ha; vùng ruộng ô Bắc Biên với 40 ha.

Tiếp tục duy trì mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai lang mỡ  Quảng Thái với diện tích 20 ha, cung cấp cho Công ty thực phẩm Huế.

Đã tích cực vận động người dân chuyển đổi mô hình sản xuất trên vùng cát trang trại; Cơ sở chế biến tinh bột nghệ Trần May đã đi vào hoạt động và đưa sản phẩm tinh bột nghệ từng bước ra thị trường. Mô hình trồng nghệ tiếp tục được triển khai. Hiện nay, Viện Quy hoạch Thủy lợi( Bộ NN&PTNT) đang khảo sát, nghiên cứu triển khai đề tài Nghiên cứu hệ thống tưới cho cây trồng cạn trên khu vực trang trại.

Đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình liên kết trồng cây mướp đắng theo hướng VietGAP tại thôn Tây Hoàng. Phối hợp Công ty cổ phần Globalcert thực hiện các quy trình chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; Sở KHCN đã hỗ trợ xác lập nhãn hiệu mướp đắng Quảng Thái gắn với tiếp cận và liên kết thị trường tiêu thụ. Hiện đã bàn giao cụm thiết bị tiên tiến cho sản xuất mướp đắng sấy khô. Tập trung vận động người dân thực hiện các khu vực trồng mướp đắng tập trung kiểu mẫu. Bên cạnh đó đã hỗ trợ và bàn giao cụm thiết bị chế biến tinh dầu lạc đưa vào hoạt động.

- Trong năm, đã khảo sát và chỉ đạo các Hợp tác xã, vận động các hộ dân chuyển đổi 18 ha diện tích lúa sản xuất khó khăn sang trồng trồng sen.

b) Chăn nuôi

- Ngành chăn nuôi lợn bị thiệt hại lớn do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đến ngày 19/11/2019, tổng lợn tiêu hủy là 160,913 tấn, ước thiệt hại gần 5 tỉ đồng. Đến nay, đã phối hợp với các ngành chuyên môn cấp huyện chi trả tiền hỗ trợ 03 đợt cho những hộ bị dịch tả lợn Châu Phi với số tiền là hơn 2 tỉ đồng.

- Hiện đang triển khai vận động người dân tiếp cận và thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm đầu tư mô hình nuôi lợn hữu cơ bằng công nghệ vi sinh nhằm đảm bảo an toàn sinh học gắn với vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.

Chăn nuôi gà tiếp tục phát triển, nhất là nuôi gà kiến thả vườn, phát huy được lợi thế của địa phương. Nuôi vịt chạy đồng tiếp tục đem lại hiệu quả cao

- Công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi tiếp tục được quan tâm. Trong năm, từ nguồn tài trợ của Hiệp hội Bretagne – Việt Nam (Cộng Hòa Pháp) đã hỗ trợ xây lắp 10 công trình khí sinh học (Biogas) cho các hộ chăn nuôi;

Thực hiện chương trình 30A-mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tập trung hỗ trợ hộ nghèo về mô hình hỗ trợ sinh kế. Trong năm đã hỗ trợ 50 con bò giống cho 25 hộ nghèo, hộ cận nghèo(trong đó hộ nghèo 11 hộ) với kinh phí 620 triệu đồng. Trong năm 2019, UBND xã tiếp tục khảo sát danh sách hỗ trợ mô hình nuôi bò, trồng cỏ với 21 hộ ( có 14 hộ nghèo) với kinh phí 500 triệu đồng, tập trung các nguồn lực hỗ trợ cho các hộ để thoát nghèo trong năm 2019.

Trong năm, tổ chức ADRA Việt Nam đã hỗ trợ Dự án phục hồi sinh kế cho người dân sau bão Damrey 2017 cho 125 hộ với tổng số 10.000 gà giống; Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 500 gà giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Tổ chức Courage- CHLB Đức đã hỗ trợ mô hình Vịt xiêm siêu trứng cho 21 chị Phụ nữ đơn thân với 1680 con vịt xiêm cùng với hỗ trợ xây dựng chuồng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi vịt trên địa bàn xã.

c) Lĩnh vực thủy sản

* Lĩnh vực đánh bắt thủy sản.

Hiện nay, nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi, nhiều loại thủy sản xuất hiện trở lại, người dân tích cực chuyển đổi nghề khai thác từ tầng đáy sang tầng nổi phát huy hiệu quả. Tổng sản lượng đánh bắt ước đạt 162,3 tấn. Theo thống kê hiện nay có 175 hộ, đánh bắt cá bằng lừ với 15.850 lừ, 13 trộ nò sáo và các dụng cụ đánh bắt truyền thống.

Tổng giá trị đánh bắt ước khoản 10,54 tỷ đồng

* Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì phát triển, toàn xã đã thả nuôi tổng số lồng hiện có 25 lồng,  tổng sản lượng 10 tấn, giá trị gần 0,5 tỷ đồng. Tiếp tục tập trung chỉ đạo vận động người dân khôi phục lại vùng nuôi cá lồng từ mô hình giảm nghèo bền vững để góp phần cải thiện sinh kế cho người dân. Cá ao hồ nước ngọt 13 ha, Nuôi cá xen lúa 4,5 ha. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quan tâm, gắn với từng bước phát huy vai trò của 02 chi hội nghề cá.

Tổng giá trị thu được từ lĩnh vực thủy sản trên địa bàn 14,6 tỷ đồng.

d) Kinh tế trang trại và lâm nghiệp

Kinh tế trang trại phát triển ổn định, hiện có 29 hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế trang trạị; có 23 hộ được giao đất, cho thuê đất, diện tích 158,1 ha, có 17 hộ làm nhà cố định, diện tích đất sản xuất 52,5 ha;  Các hộ chủ yếu phát triển mô hình tổng hợp nông-lâm-ngư kết hợp. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, hiệu quả sản xuất ngày càng tăng. Chăn nuôi ở khu vực trang trại phát triển khá. Các hộ chủ yếu tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, làm nấm và trồng rừng sản xuất. Nhiều hộ đã triển khai mô hình trồng nghệ, trồng cỏ nuôi bò, nhân rộng diện tích trồng ném và các loại cây trồng khác(có 07 hộ làm nấm; có 01 hộ nuôi lợn rừng; 10 hộ nuôi lợn với 80 con; 02 hộ nuôi bò 11 con; dê có 01 hộ nuôi 30 con); hiện nay đã tiếp nhận hệ thống điện 3 pha, hỗ trợ máy chế biến tinh bột nghệ... để tạo điều kiện cho các hộ tăng thêm năng lực sản xuất tạo thu nhập ở vùng kinh tế trang trại.

Đã triển khai công tác chăm sóc và trồng rừng mới, trồng cây phân tán với khoảng 60 ha và 18,5 ha rừng ngập ngọt. Tổ chức tổng kết công tác PCCCR và xây dựng phương án PCCCR năm 2019. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã kiểm tra và hướng dẫn công tác PCCCR của xã; phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm làm thủ tục cho nhân dân ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

II. Những tồn tại, khó khăn

1. Công tác chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang các đổi tượng khác có giá trị kinh tế cao hơn chưa mạnh.

2. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa mạnh và chưa đều; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất còn chậm; công tác nhân rộng các mô hình sản xuất đã khẳng định có hiệu quả chưa mạnh.

3. Việc tiêu thụ nhiều sản phẩm nông nghiệp vẫn gặp khó khăn do thiếu thị trường, giá cả không ổn định, việc liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị thiếu chủ động, còn phụ thuộc lớn doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp.

4. Tư duy sản xuất nhỏ, manh mún theo kinh nghiệm, thiếu hợp tác sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, công tác chỉ đạo điều hành của bộ máy HTX NN còn chưa quyết liệt là những trở ngại lớn trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.

Trên đây là tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm năm 2019, UBND xã báo cáo để HĐND xã xem xét./.

 

Tập tin đính kèm:
Đỗ Thị Trang
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày