UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ Ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo thông báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thì áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão, trong những ngày tới do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh mạnh có khả năng gây ra các đợt mưa rất lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là khu vực đã liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn thời gian vừa qua, nhất là do ảnh hưởng của bão số 5, số 6 nên nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, ngập lụt diện rộng tại các vùng trũng thấp, ven sông, suối, lũ ống, lũ quét, sạt lở tại khu vực miền núi, nguy cơ mất an toàn hồ đập.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị, các địa phương chỉ đạo, tổ chức kêu gọi, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu; triển khai công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên biển và ven biển.
Rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để bảo đảm an toàn, đồng thời phòng chống dịch COVID-19; chuẩn bị lực lượng phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống gây chia cắt, cô lập các khu vực.
Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thuỷ điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.
Triển khai hoạt động lực lượng xung kích tại cơ sở; kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình và truyền thông cơ sở tăng cường thông tin về thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân, nhất là tại các thôn, bản.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020 để kịp thời triển khai công tác sơ tán dân cư, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ...
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp và đảm bảo an toàn, sẵn sàng, chuẩn bị đón lũ.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến với các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trong đợt này
Tổ chức thông báo, quản lý và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi từ 14h ngày 06/10 bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá. Các địa phương tổ chức triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven sông suối, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi, thuỷ điện, công trình hạ tầng có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên, người lao động, rút toàn bộ công nhân ra khỏi vùng nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất; Chủ động phương án khơi thông dòng chảy; Đảm bảo an toàn phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.
Chủ động phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng: 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 07 ngày khi có thiên tai xảy ra.