Báo cáo tại Hội nghị, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, theo phê duyệt của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỉ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương (NSTW) là 34.913 tỉ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỉ đồng.
Sau Hội nghị giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Bộ Tài chính tổ chức vào tháng 6/2021, tình hình giải ngân của các địa phương sau 9 tháng của năm 2021 đã có bước cải thiện rõ rệt so với 05 tháng đầu năm. Vốn NSTW bổ sung có mục tiêu 05 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 1,73% dự toán, thì nay đã đạt 11,51% dự toán (tăng thêm 9,78%); vốn cho địa phương vay lại, 5 tháng đầu năm 2021 chỉ là 1,68% dự toán, thì nay đã đạt 7,78% dự toán. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vẫn rất chậm.
Căn cứ vào tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Tài chính dự kiến giải ngân đầu tư công nguồn nước ngoài cả năm 2021 của các địa phương chỉ đạt xấp xỉ 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.
Cũng như các bộ, ngành, việc các địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi là do trong 9 tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài. Bên cạnh nguyên nhân do Covid-19, các vướng mắc và nguyên nhân khác dẫn đến chậm giải ngân còn do các nguyên nhân như: Chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định/thỏa thuận vay; Giao chậm, giao thiếu kế hoạch đầu tư công trung hạn; Giao vượt nhu cầu sử dụng đã đăng ký; Địa phương chậm, thậm chí chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn; Chậm đấu thầu hoặc chậm triển khai công việc và xác nhận khối lượng hoàn thành; Chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn; Hồ sơ rút vốn không đủ điều kiện giải ngân phải trả lại...
Đánh giá về kết quả giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, kết quả giải ngân của các địa phương thấp sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bởi vốn đầu tư công là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu chi đầu tư phát triển cũng ảnh hưởng việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ 2021-2025, nếu tiến độ giải ngân thực hiện của năm 2021 thấp sẽ ảnh hưởng đến năm 2022 và các năm tiếp theo.
Trước những ý kiến của các địa phương tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính và đại diện các bộ, ngành đã ghi nhận và giải đáp làm rõ các vấn đề. Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với địa phương để rà soát, đối chiếu để chuẩn hóa các số liệu liên quan tới công tác giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài. Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát khả năng giải ngân và thực hiện từ nay tới cuối năm, trên cơ sở đó có văn bản chính thức đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 tới Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính trước ngày 15/10 để hai Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính cho các dự án có khả năng triển khai. Về phía các chủ dự án, các Ban quản lý dự án, Thứ trưởng đề nghị cần tập trung triển khai các công việc đã có khối lượng hoàn thành đã thực hiện kiểm soát chi theo đúng quy định để có căn cứ ký đơn rút vốn, không để tồn đọng khối lượng đã kiểm soát chi nhưng chưa thực hiện giải ngân như hiện nay, đặc biệt là không để dồn hồ sơ hoàn chứng từ chi tiêu tài khoản tạm ứng trong một giai đoạn dài mới tập hợp đề nghị giải ngân...
Tại Thừa Thiên Huế, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai thực hiện và đăng ký giải ngân vốn theo từng quý, tháng. Tuy nhiên 9 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên các nhà thầu ngoài tỉnh không tập trung được lực lượng nhân công, thiết bị để thi công theo kế hoạch đề ra; các hoạt động hiện trường, thiếu hụt chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài, nhân công cũng như khó khăn trong việc di chuyển để thi công; một số gói thầu phải điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu của nhà tài trợ; công tác giải phóng mặt bằng dù đã có nỗ lực, tuy nhiên vẫn chậm so với kế hoạch tiến độ của nhà thầu nên kết quả giải ngân của các dự án ODA bị hạn chế.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA năm 2021, thời gian tới, Tỉnh thực hiện tổ chức giao ban về giải ngân đầu tư công thường xuyên để kiểm tra đôn đốc, xử lý các dự án chậm tiến độ. Yêu cầu các chủ đầu tư có kế hoạch giải ngân, cam kết đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch thi công cụ thể từng dự án, đăng ký với UBND tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các dự án. Tăng cường công tác quản lý, giám sát đầu tư; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tiến độ giải ngân các dự án, kịp thời xử lý các vướng mắc, phát sinh.