Tìm kiếm tin tức
TÌNH BẠN, TÌNH QUÊ TỐ HỮU – NGUYỄN CHÍ THANH.
Ngày cập nhật 18/07/2018

Trong thi phẩm “Bài ca quê hương” được sáng tác vào ngay sau khi nước nhà mới thống nhất, nhà thơ Tố Hữu đã gửi tình vào đất và người Thừa Thiên – Huế; trong đó đặc biệt có hai địa danh trong mấy câu thơ sau: 

“Cơ chi anh sớm được về bên nội

Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai
Như quê bạn Niêm Phò trơ trụi
Đạn bom cày cả nương sắn, đồng khoai!”
Phù Lai là quê hương của nhà thơ Tố Hữu, còn Niêm Phò là quê hương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều nằm bên sông Bồ thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Từ vùng quê ‘nước mặn đồng chua” này hai người con ưu tú đã dấn thân làm cách mạng từ những năm tuổi trẻ. Hai mươi bốn tuổi, Nguyễn Chí Thanh đã là Bí thư Tỉnh ủy; còn Tố Hữu là Thành ủy viên lúc mới mười tám. Trong bước đường cách mạng gian lao, tình đồng chí, tình anh em, tình bạn chiến đấu và có cả tình quê giữa hai người đã tụ thành son sắt và sáng đẹp như pha lê.
Không phải ngẫu nhiên mà Tố Hữu dành những lời thơ trải dài tha thiết đến nao lòng người đọc trong “Nhớ đồng” để tặng cho Nguyễn Chí Thanh, nếu ta biết trong những ngày cả hai người bị thực dân Pháp giam trong lao Thừa Phủ, Tố Hữu vẫn thường nghe vẳng dọng hò cất lên mỗi trưa từ buồng bên mà người ngâm không ai khác là Nguyễn Chí Thanh:
“Rồi mùa toóc rạ rơm khô
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm”
Chao ôi! Gian lao tù ngục là thế mà vẫn lạc quan và gửi tình yêu vào quê hương xứ sở da diết đến vậy thì chỉ có ở trái tim ngời sáng của những người tự nguyện dấn thân. Điều này làm Tố Hữu xúc động để viết nên trong “Nhớ đồng” những câu:
“Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò”
Và sau này, nhớ lại, Tố Hữu đã tâm sự “Ở đời tri âm là thế đó”.
Ta biết, cuộc đời của Nguyễn Chí Thanh trong mắt người đời đẹp như huyền thoại nhưng rất đỗi chân thật. Thì cuộc đời ấy cũng là cảm hứng để Tố Hữu dệt nên những vần thơ.
Lúc thì nhà thơ viết cụ thể gắn với bối cảnh công tác của Nguyễn Chí Thanh:
“Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường
Nặng tình đồng chí lại đồng hương
Đã hay đâu cũng say tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường”
Ấy là năm1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào miền Nam để trực tiếp chiến đấu và chỉ huy ở chiến trường phía trước.
Lúc thì nhà thơ lấy cảm hứng từ cuộc đời hoạt động Nguyễn Chí Thanh để viết về người cộng sản, người chiến sĩ giải phóng. Ta không khó để bắt gặp hình ảnh đó trong: “Từ ấy”, “Tam tư trong tù”, “Con cá chột nưa” hay sau này là “Tiếng hát sang xuân”:
“Hỡi người Anh, Giải phóng quân
Hai mươi năm chẳng dừng chân trên đường
Vẫn đôi dép lội chiến trường
Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy 
...
Hôm nay đâu đó tiền phương
Xuân vui chợt đến giữa đường hành quân
Hẹn gì, năm mới, cùng xuân?
Đường xa có lẽ đang gần... hỡi Anh?”
Đường xa có lẽ đang gần! Đó là một dự báo đúng về cách mạng miền Nam; nhưng tiếc thay Nguyễn Chí Thanh đã không có mặt ở bước đường phía trước. Sau khi từ miền Nam ra trực tiếp báo cáo tình hình, Nguyễn Chí Thanh lại nhận nhiệm vụ trở lại để tiếp tục chỉ đạo chiến trường thì Ông đột ngột ra đi. Đó là một mất mát lớn và làm xúc động đồng bào chiến sĩ ở vào thời điểm hết sức quan trọng. Và lần này Tố Hữu thực sự đã khóc:
“Tưởng lại đưa anh ra chiến trường
Đường về, vó ngựa thẳng dây cương
Ngày mai... ai biết chiều nay phải
Vĩnh biệt Anh nằm dưới bóng dương”
...
“Ôi sống như Anh, sống trọn đời
Sáng trong như ngọc một con Người
Thanh ơi, Anh mất rồi chăng đấy
Cứ thấy như Anh nở miệng cười”
...
Giờ thì cả Tố Hữu và Nguyễn Chí Thanh đều trở thành “thiên cổ”; nhưng tình đồng chí, tình bạn giữa hai người con sinh ra bên dòng sông Bồ vẫn còn lấp lánh như ngọc sáng ngời.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng và ngoài trời

 

Facebook Quảng Điền quê ta ơi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.593.946
Truy cập hiện tại 4.139