Tìm kiếm tin tức
CON GÁI PHONG LAI
Ngày cập nhật 08/03/2019

Ngày ấy...Bây giờ!
”Trân trọng tôn vinh những người phụ nữ nói chung và quê tôi nói riêng nhân ngày 8.3.”
Xuân Kỉ Hợi 2019

Thảm thương con gái Phong Lai 
Trên đầu chạc chuối, hai vai gánh rều!

Không biết tự bao giờ, hai câu thơ khuyết danh trên đã trở thành lời hát quen thuộc và đi vào lòng người bao thế hệ người dân quê tôi đến vậy. Chỉ biết rằng, mỗi lần có ai vô tình cất lên những lời tâm sự bằng ca dao ấy, là chạm đến một nỗi buồn man mác của bao người thiếu phụ ở quê tôi. 
Ngày ấy.....
Hơn ba mươi năm về trước, Phong Lai quê tôi còn nghèo lắm. Cả một dãi đất dài hơn hai cây số ôm lấy triền cát ven phá Tam Giang này chỉ biết sống chủ yếu dựa vào cây thuốc lá, một sản vật nổi tiếng của quê tôi thời bấy giờ- thuốc lá Phong Lai. Vì vậy, từ già đến trẻ; từ nữ tú đến nam thanh, tất cả người dân quê tôi đều thân quen và gắn bó với cây thuốc lá. Cả một thời gian dài như vậy, ngày nào cũng thế, từ sáng tinh mơ, khi tiếng gà mới gáy lần hai là những chiếc gàu đã vang lên những âm thanh quen thuộc trên đôi vai chai sần của bao chàng trai, cô gái. Họ âm thầm, lặng lẽ tỏa đi trên các con đường kiệt tối tăm, đầy gai tre nhọn hoắt để vào rú cát tưới thuốc cho kịp trước khi mặt trời lên phải về đi gặt, bắt đập, cào rều, nhổ năng...Nỗi vất vả in rõ nét trên từng khuôn mặt, nụ cười, dáng đi ... của bao thôn nữ; mà đáng ra, ở lứa tuổi đó, họ phải được thướt tha, duyên dáng trong tà áo tím với những trang sách và thả hồn trong các giảng đường.
Phải nói rằng, trời đã ưu ái ban cho con gái Phong Lai quê tôi những thân hình nõn nà với làn da trắng mịn và mái tóc dài, đen nhánh; khuôn mặt xinh đẹp, thanh tú với những nụ cười duyên dáng, đáng yêu; giọng nói dễ thương với đôi môi đỏ thắm và hàm răng trắng đều; đôi mắt long lanh luôn ẩn hiện cái nhìn e ấp làm say đắm bao chàng trai trong làng cũng như ngoài xóm. Nhưng thời buổi khó khăn, vất vả đã tàn nhẫn “bào mòn “và làm “ lệch”đi bao nét đẹp thiên phú của những người thôn nữ tội nghiệp. Ngày tháng gánh rều nặng trĩu hàng cây số, leo vũng tưới thuốc triền miên, gánh giống cấy ruộng bao mùa; bưng đất đắp đập không nghỉ, cào rều nhổ năng suốt tháng... đã đè nặng đôi vai mềm yếu của bao người con gái. Vì vậy, bàn tay búp măng, ngòi bút trời ban; đôi chân xinh xinh, nhỏ nhắn, dễ thương; dáng người thanh thanh, cao cao, dễ ngắm ...đã bị mưa nắng dãi dầu và thời tiết khắc nghiệt cùng công việc quá sức làm cho “biến dạng” trở nên sần sùi, nứt nẻ, thấp bé, thô kệch đến mất cân đối thảm thương. Đã thế, nhiều cô gái có thể vì hoàn cảnh khó khăn hay gấp gáp mà đã dùng “chạc chuối” để cột tóc đi làm, trông vừa ngộ nghĩnh, đáng yêu; nhưng cũng vừa đáng thương, tội nghiệp. Thành ra, mới có câu hát đượm buồn như vậy!
Giờ đây...
Phong Lai quê tôi đã đổi thay nhiều lắm! Kinh tế phát triển nhiều mặt đã biến vùng đất nghèo khó ngày nào trở thành một trung tâm giao thương tấp nập nơi thượng nguồn phá Tam Giang và đập Cửa Lác. Con gái Phong Lai ngày nay không còn gánh rều, chạc chuối như xưa nữa. Những thôn nữ giờ đây đã hạnh phúc đón nhận những ưu ái trời ban mà bà, mẹ, o, dì, chị của họ đã chịu thiệt thòi trong quá khứ. Từ những cô bé học sinh cấp hai, nữ sinh cấp ba, sinh viên đại học cho đến những phụ nữ đã qua tuổi xuân thì đều có một vẻ đẹp thanh khiết, dịu dàng , riêng biệt mà ít có nơi nào có được. Mỗi sáng sớm đến chiều tà, trên các con đường rợp bóng cây xanh, bao thiếu nữ duyên dáng trên những chiếc xe đạp, xe máy hút hồn du khách. Trong các rạp cưới hỏi hay hội trường nhà văn hoá xã, cộng đồng thôn những lúc tọa đàm kỉ niệm những ngày lễ, luôn nổi bật những phụ nữ xinh đẹp, kiều diễm trong những tà áo dài hay những chiếc váy đủ kiểu, đủ màu sặc sỡ; làm sững sờ bao người khác giới!
Câu hát xưa ở Phong Lai quê tôi giờ chỉ là hoài niệm!

Văn Minh Tý- Giáo viên trường THCS Lê Xuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.579.492
Truy cập hiện tại 13.784