Tìm kiếm tin tức
Bệnh dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người
Ngày cập nhật 15/03/2019

Đó là khẳng định của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đồng thời Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Virus tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do một loại virus trong máu, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã). Đây là bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ lợn chết lên tới 100%, hiện chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị.

Virus tả lợn châu Phi có đặc điểm là sống được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày...Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém, chỉ tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. "Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người". Vì vậy, người dân không nên hoang mang, không quay lưng với thịt lợn an toàn.

Theo kết quả nghiên cứu dịch tễ, có 3 nguyên nhân chính làm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây lan. Trong đó, 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh phun tiêu độc khử trùng; 34% do sử dụng thức ăn thừa và 19% do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được Dịch tả lợn châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lí triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; Kiểm soát dịch bệnh nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học.

Chủ động phòng và ngăn chặn xâm nhiễm

Để chủ động phòng và ngăn chặn xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh, UBND  tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh.

Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Nguyễn Văn Hưng cho biết, mới đây, qua công tác kiểm tra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, ngành Thú y đã yêu cầu các hộ chăn nuôi, trước mắt phải hết sức bình tĩnh, chủ động bảo vệ đàn lợn của mình, phải thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng, phun thuốc sát trùng chuồng nuôi (2 ngày/lần), nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng.

Đặc biệt là người dân phải thực hiện tốt nguyên tắc “5 không” (không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Người dân nên sử dụng sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch, tuyệt đối không sử dụng thịt lợn không có dấu kiểm dịch thú y.

Phạm Công Phước
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.577.581
Truy cập hiện tại 12.684