Tìm kiếm tin tức
NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT KHI ĐI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TẠI NHẬT BẢN
Ngày cập nhật 04/08/2019

Nhật Bản đang là một trong những thị trường tiếp nhận tốt nhất đối với lao động Việt Nam, tuy nhiên đây là một trong những thị trường xuất khẩu lao động khá kén lao động. Để người lao động nắm các yêu cầu của thị trường này từ đó chuẩn bị kỹ trước khi tham gia và có thể tư vấn cho những người xung quanh, chúng tôi cung cấp các thông tin sau:

I. NHỮNG KIẾN THỨC CHUNG
1. XKLĐ đi Nhật Bản và chương trình Thực tập sinh kỹ năng là một
- Loại visa thực tập sinh dành cho lao động phổ thông (bao gồm cả lao động có tay nghề, bằng nghề phổ thông từ cao đăng trở xuống như: may, hàn, xây dựng, mộc, …).
- Loại visa kỹ thuật viên dành cho kỹ sư tốt nghiệp tại các trường Đại học ở VN và thường yêu cầu năng lực ngoại ngữ giỏi.
Đối với chương trình thực tập sinh, người lao động được trợ cấp tháng đầu và nhận lương cơ bản các tháng về sau theo hợp đồng lao động giữa người lao động và xí nghiệp tiếp nhận ký tại Việt Nam.

2. Xuất khẩu lao động Nhật Bản là gì? 
Xuất khẩu lao động là hình thức đưa người lao động làm việc tại nước ngoài theo chương trình hợp tác giữa 2 quốc gia, với đơn vị chủ quản là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các công ty phái cử có chức năng đưa người lao động sang nước ngoài làm việc.
Để sang nước ngoài làm việc hợp pháp người lao động nhất định phải thông qua một trong hai đơn vị quản lý là Bộ LĐTB&XH hoặc công ty phái cử mới được coi là đi xuất khẩu lao động hợp pháp. Công ty phái cử là các công ty xuất khẩu lao động được Bộ LĐTB&XH cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động sang nước ngoài làm việc.

3. Lương tháng khi đi XKLĐ Nhật Bản là bao nhiêu?
Mức lương cơ bản mà người lao động Việt Nam thường ký với xí nghiệp Nhật nằm trong khoảng: 125.000-150.000 Yên (Tính theo tỷ giá hiện tại 180đồng/Yên, tương đương với 22.500.000 – 27.000.000 đồng/tháng). Đây là mức lương cơ bản, chưa trừ ăn uống, chưa tính việc làm thêm và thực tế có nhiều xí nghiệp trả lương cao hơn mức này.

3. Mẫu hợp đồng lao động cho chương trình XKLĐ này như thế nào?
Hợp đồng này thường được ký trực tiếp giữa người lao động và xí nghiệp tiếp nhận hoặc được xí nghiệp fax và gửi sang nhờ công ty Việt Nam hướng dẫn các ứng viên ký sau ngày phỏng vấn tiếp nhận và gửi lại cho xí nghiệp.

 

4. Làm thêm, tăng ca là nguồn thu tài chính rất lớn cho người lao động
Mỗi năm, số giờ làm việc của người lao động dao động từ 1.920 – 2.064 tiếng/năm. Tức là trung bình mỗi tháng người lao động phải làm bình quân là 20 đến 21,5 ngày/tháng, 8 tiếng/ngày.
Do Nhật có rất nhiều ngày nghỉ lễ nên đây là cơ hội tìm kiếm thêm thu nhập nếu người lao động được xí nghiệp tạo điều kiện tăng ca.

5. Xuất khẩu lao động Nhật Bản yêu cầu những điều kiện gì?
Các điều kiện như: độ tuổi phù hợp từ 18-32, nhiều đơn hàng tuyển chọn với biên độ tuổi rộng hơn. Trình độ yêu cầu thường từ cấp 2 trở lên, ngoại hình tối thiểu cho lao động phổ thông với nam cao 160cm, nặng 50 kg và với nữ cao từ 150 cm, nặng 45 kg trở lên. Ngoài ra, còn rất nhiều yêu cầu khác như:
- Đạt điều kiện sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm như: HIV, viêm gan B,.. 
- Không dị tật, chưa từng phẫu thuật (những trường hợp mất 1 đốt ngón tay cũng không tham gia được), không có hình xăm
- Tốt nghiệp cấp 2 trở lên
- Chưa từng tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản, chưa từng xin visa vào Nhật Bản.
- Người không có tiền án, tiền sự hay bị hạn chế nhập cảnh vào Nhật Bản, người bị cấm xuất ra nước ngoài.

6. Quy trình tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản


Các bước quy trình chung mà người lao động phải thực hiện để có thể nhập cảnh làm việc tại Nhật Bản ở các công ty môi giới trong nước thường đảm bảo theo các bước sau:
- Bước 1: Đăng ký 
- Bước 2: Đào tạo 
- Bước 3: Tham gia thi tuyển
- Bước 4: Đào tạo chuyên sâu sau trúng tuyển 
- Bước 5: Làm hồ sơ pháp lý
- Bước 6: Thanh lý hợp đồng 
- Bước 7: Chuẩn bị hành trang lên đường

7. Những ngành nghề xí nghiệp Nhật tiếp nhận lao động Việt Nam
Thị trường lao động Nhật Bản rất đa dạng ngành nghề, từ năm 2019 có 77 ngành nghề được phép tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, việc gia tăng ngành nghề mở ra cơ việc làm cho các lao động Việt.

8. Xí nghiệp Nhật Bản tuyển chọn thực tập sinh như thế nào?
Để có được cơ hội đi Nhật Bản làm việc người lao động phải trải qua rất nhiều khó khăn, trong đó có hai khó khăn lớn nhất là chi phí tài chính và khoảng thời gian dài học tiếng Nhật trước khi làm thủ tục nhập cảnh.

 

9. Ngoài thu nhập cao, đi lao động Nhật Bản còn rất nhiều điểm mạnh
Nhắc đến thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản ai cũng nghĩ đến thu nhập tốt, ổn định và đặc biệt là điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại, học nghề và tiếp cận khoa học công nghệ, … rất tốt.

10. Tiền đặt cọc giữ chân khi đi XKLĐ Nhật được lấy lại khi nào?
Theo quy định mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực tập sinh kỹ năng sang Nhật làm việc phải ký quỹ khoản tiền tương đương 3.000 USD tại ngân hàng. Số tiền này người lao động sẽ được nhận lại sau khi hết hợp đồng và về nước đúng hạn.

11. Chi phí đi XKLĐ Nhật Bản thế nào?
Chi phí đi xuất khẩu lao động làm việc tại Nhật Bản có sự khác nhau tùy thuộc vào từng đơn hàng

12. Lao động Nhật Bản về nước giữa chừng nguyên nhân vì đâu?
Một số lý do người lao động về nước giữa chừng:
- Sức khỏe không đảm bảo
- Công việc không phù hợp 
- Trộm cắp bị trục xuất 
- Gây mất trật tự cộng đồng 
- Đình công trong xí nghiệp 
Và một số nguyên nhân khác 
.
13. Hồ sơ cần chuẩn bị khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản
Các giấy tờ học viên cần chuẩn bị khi đăng ký tham gia làm việc tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh kỹ năng và các giấy tờ bắt buộc phải chính xác về thông tin, giữ gìn sạch đẹp, để phẳng, để trong túi hồ sơ. Hồ sơ gồm:
- Ảnh thẻ 
- Sơ yếu lý lịch
- Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân
- Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ
- Xác nhận nhân sự
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
- Giấy khám sức khỏe
- Bản cam kết của gia đình và thực tập sinh
- Hộ chiếu

14. Lưu ý khi lựa chọn công ty môi giới Xuất khẩu lao động Nhật
Người lao động cần thực hiện:
* Lựa chọn công ty:
- Công ty hợp pháp, tức là có đầy đủ hồ sơ pháp lý hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. Việc kiểm tra các công ty này không khó với người lao động, các bạn có thể tìm kiếm thông tin từ website của Cục quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động Thương binh và xã hội: http://dolab.gov.vn/.
- Công ty có số lượng lao động xuất cảnh hàng năm lớn. Bên cạnh đó, cần nắm thêm các thông tin về công ty này như quy mô tuyển dụng, quy mô trung tâm đào tạo, quy trình làm việc…
* Cách thức thực hiện: 
- Liên hệ trực tiếp với công ty xuất khẩu lao động mà bạn đã nghiên cứu kỹ, không qua người thứ ba.
- Có cái nhìn chính xác thị trường lao động muốn nhắm đến.
- Phỏng vấn trực tiếp với doanh nghiệp tiếp nhận.

15. Định hướng lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp đi XKLĐ Nhật
Theo quy định thì hiện tại có 77 ngành nghề để người lao động tham gia đi xuất khẩu lao động, tập trung vào các nhóm ngành nghề: Nông nghiệp, thực phẩm, may mặc, cơ khí, xây dựng, ngư nghiệp, lắp ráp điện tử

16. Có thể quay lại Nhật làm việc tiếp khi về nước đúng hạn hay không? 
Từ ngày 01-11-2017, thời hạn làm việc của tu nghiệp sinh Việt Nam sẽ được kéo dài lên 5 năm so với trước đây là 3 năm. Nhật Bản cũng mở thêm nhiều ngành nghề, lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong thời gian tới bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.

17. Thủ tục vay vốn cho người lao động đi xuất khẩu Nhật Bản
Người lao động chuẩn bị xuất khẩu lao động, gia đình gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn, có thể liên hệ với Ngân hàng chính sách xã hội và một số ngân hàng khác (có cho vay đi xklđ) tại địa phương để vay vốn. Người lao động xin hồ sơ và quy trình theo hướng dẫn của từng ngân hàng.

18. Xuất khẩu lao động Nhật Bản có rủi ro thấp nhất khi nhập cảnh làm việc
- Thu nhập người lao động tại Nhật Bản là cao nhất so với 4 thị trường truyền thống của lao động nước ta
- Công việc ổn định và chế độ phúc lợi tốt. Người lao động được đảm bảo về ăn ở, sinh hoạt và bảo hiểm
- Sau khi về nước người lao động vẫn được hoàn trả một số tiền bảo hiểm khá lớn (hơn 100tr sau 3 năm làm việc).
- Được nhiều tổ chức quản lý và bảo hộ, nghiệp đoàn là cơ quan quản lý chung cho thực tập sinh trong một khu vực – đảm bảo rất tốt về y tế, sinh hoạt.

19. Lao động nam rất dễ đi Nhật làm việc ngành xây dựng
Do nhu cầu tuyển cao, số lượng nhiều (trung bình nhu cầu tuyển lao động ngành xây dựng chiếm 50% số lượng nam giới) nên nếu ngoại hình, sức khẻo đảm bảo các tiêu chí lựa chọn, lao động nam rất dễ tham gia các ngành xây dựng.

20. Danh sách các công ty xuất khẩu lao động tại Thừa Thiên Huế 
Liên hệ: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế 
Địa chỉ: 18 Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế 
Điện thoại: 0234.3897028

II. NHỮNG THẮC MẮC HAY GẶP

1. Tiền chống trốn xuất khẩu lao động Nhật Bản là gì?
Tình trạng lao động xuất khẩu bỏ trốn đang là một trong những vấn đề nhức nhối khiến nhiều công ty xuất khẩu lao động phải đau đầu. Để hạn chế tình trạng này nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động yêu cầu thực tập sinh phải cam kết không bỏ trốn trong thời gian làm việc ở nước ngoài bằng việc đóng một khoản phí chống trốn hay còn gọi là tiền đặt cọc.

2. Mắt cận bao nhiêu thì không đi được XKLĐ Nhật Bản
Do chương trình XKLD Nhật khi tham gia người lao động phải trực tiếp phỏng vấn với xí nghiệp, phải cạnh tranh theo tỷ lệ thông thường là 1 chọi 2 hoặc 1 chọi 3 nên rõ ràng thị lực kém là bất lợi không hề nhỏ. Chưa kể đến nhiều công việc yêu cầu thị lực tốt như xây dựng, điện tử, dệt may,...

3. Độ tuổi phù hợp nhất để đi xuất khẩu lao động Nhật Bản
Xí nghiệp Nhật tiếp nhận lao động tính theo tuổi dương, thông thường độ tuổi phù hợp để tham gia là 19-30, những ngành đặc thù mà xí nghiệp hoàn toàn có thể lựa chọn như cơ khí (hàn, tiện) có thể lấy đến 32, dệt may dành cho nữ có thể lấy đến 35 và một số ngành nghề, đơn hàng lấy lao động có tuổi trên 35.

4. Về việc làm thêm, tăng ca tại Nhật Bản
Ai cũng hiểu rằng có tăng ca nhiều thì người lao động mới có thêm thu nhập ngoài mức lương cơ bản, tăng ca, làm thêm thực ra là việc bất đắc dĩ của các công ty và ở Nhật cũng không ngoại lệ. Bởi lẽ, số tiền công ty phải trả cho thời gian nhân viên làm tăng ca sẽ cao hơn nhiều so với tiền tính bình quân từ lương chính. Hơn nữa, tăng ca nhiều cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của nhân viên ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công việc.
Mặt khác, khi công ty bắt buộc phải tăng ca để đáp ứng được tiến độ thì họ cũng sẽ lựa chọn những lao động có tay nghề vững, làm việc năng suất cao để yêu cầu làm tăng ca.Ngoài ra, tăng ca cũng chỉ mang tính thời vụ, vào thời điểm bận rộn thì hầu hết các công ty đều ít nhiều có tăng ca.

Thu nhập khi làm thêm được tính ra sao?
Mức lương làm thêm của người lao động tại Nhật Bản được các doanh nghiệp tính theo giờ, có nghĩa là bạn làm thêm 1 giờ được tính lương 1 giờ. Theo quy định của luật lao động Nhật Bản thì mỗi giờ làm thêm mức lương bạn nhận được sẽ bằng 125% giờ làm bình thường, làm đêm và các ngày nghỉ, lễ tết có thể lên tới 200%. Thu nhập trong giờ làm thêm bạn sẽ không phải bị trừ bất kể một khoản chi phí nào như thuế, bảo hiểm. Nhiều bạn khi làm việc tại Nhật mức lương làm thêm nhận được ngang bằng với mức lương cơ bản họ nhận được.

5. Chuẩn bị gì trước khi lên đường xuất khẩu lao động Nhật Bản
Trước khi lên đường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, bạn hãy thực hiện:
- Giành nhiều thời gian để học tiếng Nhật, bởi ngoại ngữ tốt, bạn mới dễ dàng giao tiếp, hòa nhập với môi trường làm việc tốt.
- Tìm hiểu địa điểm sắp đến xuất khẩu lao động Nhật Bản. Ví dụ như xí nghiệp của bạn có trụ sở tại Tokyo thì bạn cũng nên tìm hiểu cách di chuyển bằng tầu điện ngầm, những con đường lớn. 
- Tìm hiểu về phong cách sống, phong tục tập quán của người dân bản địa. Người Nhật không thích nói đùa, nói chuyện lớn ở nơi công cộng, hãy khiêm tốn và cử chỉ giao tiếp đúng mực, biết cúi chào và nói lời cảm ơn.

6. Làm việc tại Nhật được nghỉ những ngày nào trong năm?
Theo quy định của pháp luật, tất cả người dân Nhật và những lao động đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản mỗi năm sẽ được nghỉ vào các ngày sau:
- Ngày mồng một Tết
- Ngày lễ thành niên, ngày thứ Hai của tuần thứ 2 tháng 1
- Ngày Quốc khánh 11/2
- Ngày Xuân phân 20/3
- Ngày Chiêu Hòa 29/4
- Ngày Hiến pháp 3/5
- Ngày lễ dân tộc 4/5
- Ngày thiếu nhi 5/5
- Ngày của biển, vào thứ Hai của tuần thứ Ba tháng 7
- Tuần lễ Obon, từ ngày 13-15/8
- Ngày kính lão, thứ Hai tuần thứ 3 của tháng 9
- Ngày thu phân 23/9
- Ngày thể dục thể thao, ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 10
- Ngày Văn hóa 3/11
- Ngày lễ cảm tạ người lao động 23/11
- Ngày sinh nhật của Nhật hoàng, 23/12

7. Đã từng tham gia du học sinh Nhật có đi được Xuất khẩu lao động Nhật không?
Nếu bạn đã từng xin tư cách lưu trú là Du học sinh thì sẽ không được xét duyệt tham gia tiếp chương trình Thực tập sinh Nhật Bản nữa, nếu muốn sang Nhật ở trường hợp này thì chỉ có cách xin tư cách lưu trú theo diện cao hơn như học Thạc sỹ, kỹ sư, du lịch, thăm thân nhân hoặc phái cử ngoại giao do Cơ quan Nhà nước Việt Nam bảo lãnh.

8. Mắc những bệnh nào thì không thể đi xuất khẩu lao động Nhật Bản?
Theo thông tư liên tịch giữa Bộ Y Tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài thì có 13 nhóm bệnh tật không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để đi, đó là:
- Tim mạch (10 loại) gồm: Bệnh tim bẩm sinh, suy tim, suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, người bị di chứng tai biến mạch máu não, loạn nhịp hoàn toàn, viêm cơ tim, người mang máy tạo nhịp tim, viêm tắc động mạch, viêm tắc tĩnh mạch.

- Hô hấp (10 loại) gồm: Người mắc bệnh lao phổi, tràn dịch màng phổi, xơ phổi, hen phế quản, ung thư phổi, tâm phế mãn, viêm dày dính màng phổi, khí phế thũng, áp xe phổi, tắc nghẽn đường hô hấp mãn tính.

- Tiêu hóa (9 loại) gồm: Ung thư đường tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng có hẹp môn vị, xơ gan và ung thư gan, viêm gan, cổ chướng, vàng da, áp xe gan, lách to, sỏi mật.

- Nội tiết (5 loại) gồm: U tuyến thượng thận, đái tháo đường, suy tuyến thượng thân, đái nhạt, cường hoặc suy tuyến giáp

- Thận và tiết niệu (6 loại) gồm: Suy thận, sỏi đường tiết niệu, thận hư nhiễm mỡ, thận đa u thận, viêm cầu thận cấp và mãn tín, viêm thận bể thận cấp hoặc mãn tính

- Thần kinh (11 loại) gồm: Liệt một hoặc nhiều chi, rối loạn vân động, di chứng bại liệt, động kinh, u não, bệnh tổn thương thần kinh trung ương hoặc ngoại biên, thoát vị đĩa đệm cột sống, sơ hóa cột bên teo cơ, parkinson, bệnh u tuyến ức.

- Tâm thần (4 loại) gồm: Rối loạn cảm xúc, histeria, tâm thần phân liệt, nghiện ma túy và nghiện rượu.

- Cơ quan sinh dục (6 loại) gồm: U nang buồng trứng, ung thư vú, u sơ tuyến tiền liệt, ung thư dương vật & bàng quang, ung thư cổ tử cung, sa sinh dục

- Cơ xương khớp (6 loại) gồm: Loãng xương nặng, cụt chi, thoái hóa cột sống giai đoạn 3, viêm xương, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp

- Da liễu và hoa liễu (19 loại) gồm: HIV, AIDS, Bệnh vảy nến, Vảy rồng, Loét lâu lành, Bệnh lậu cấp và mãn tính, Các bệnh da do vius, vi khuẩn, nấm đang điều trị hoặc chưa khỏi, Các loại xăm trổ trên da, Viêm tắc tĩnh mạch, Viêm tắc động mạch, Nấm sâu, nấm hệ thống, Bênh phong trong thời gian còn điều trị và di chứng tàn tật độ 2, Bệnh hệ thống tạo keo, Hồng ban nút do Lao, Hồng ban nút do Liên cầu đang điều trị, Bệnh Porphyrida, Viêm da mủ, Viêm da mủ hoại tử, Bệnh Duhring, Bệnh Pemphigus các thể và Các thể Lao da.

- Bệnh về Mắt (9 loại) gồm: Quáng gà, thiên đầu thống, đục nhân mắt, viêm màng bồ đào, viêm thần kinh thị giác, thoái hóa võng mạc, sụp mi từ độ III trở lên, các bệnh về mắt cấp tính.

- Tai mũi họng (3 loại) gồm: Viêm xoang, viêm tai giữa chưa ổn định; u hoặc ung thư vòm họng; trĩ mũi

- Răng hàm mặt (2 loại) gồm: Các bệnh, các loại u và nang vùng răng miệng, hàm mặt ảnh hưởng đến sức khoẻ và công tác; dị tật vùng hàm mặt

Ngoài ra, Bác sĩ trực tiếp khám và kết luận sức khỏe cho người lao động phải có thời gian hành nghề liên tục ít nhất 5 năm về chuyên khoa đó và bệnh viện khám sức khỏe cho người đi xuất khẩu lao động phải đạt tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa hạng II trở lên.

9. Từng có tiền án có đi xuất khẩu lao động Nhật Bản được không?
Theo Điều 21 Nghị Định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 quy định về điều kiện xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, theo đó công dân sẽ chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
- Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
- Đang chấp hành các bản án dân sự, kinh tế hoặc chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
Nếu đã hoàn thành xong bản án và không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh, bạn hoàn toàn có thể đăng ký tham gia xuất khẩu lao động bình thường.

10. Dệt may là ngành đi XKLĐ Nhật với mức phí thấp nhất và dễ đi nhất
Đặc thù của đơn tuyển ngành may là ứng viên sẽ tham gia phỏng vấn trước, nếu đủ điều kiện trúng tuyển sẽ được đào tạo tiếng Nhật và rèn luyện nâng cao tay nghề, một số đơn hàng sẽ yêu cầu kinh nghiệm may lâu năm, may hoàn thiện, may thời trang...

11. Từng bị gãy tay, gãy chân có đi xuất khẩu lao động Nhật Bản được không?
Có thể công ty tiếp nhận sẽ yêu cầu chụp lại tay và được các bác sỹ đánh giá mức độ trước khi tham gia, nếu vết gãy không được xử lý tốt, dị tật vẫn còn thì sẽ không thể tham gia.

12. Bị mù màu có đi Xuất khẩu lao động Nhật Bản được hay không? Kiểm tra mù màu thế nào?
Người bị bệnh mù màu hoàn toàn có thể tham gia được chương trình xuất khẩu lao động, tuy nhiên sẽ khó khăn hơn so với các bạn có sức khỏe mắt tốt. Chương trình tuyển chọn lao động Nhật cần cạnh tranh với nhiều người khác để có cơ hội ký hợp đồng với xí nghiệp Nhật, người bị mù màu sẽ gặp nhiều bất lợi, mất tính cạnh tranh khi tham gia
Người bị mù màu cũng cần lưu ý và phải được tư vấn kỹ khi chọn ngành nghề tham gia. Bởi nhiều công việc họ sẽ không thể làm được, chắc chắn sẽ không được tiếp nhận.
Việc bị mù màu nghiêm cấm che dấu xí nghiệp và công ty phái cử, bởi người lao động hoàn toàn có thể phải chịu mọi hậu quả khi xí nghiệp dừng hợp đồng, gây khó khăn sau khi nhập cảnh.

13. Khi phỏng vấn với chủ xí nghiệp có nên khai đang có người thân làm việc tại Nhật
Chương trình xuất khẩu lao động làm việc tại Nhật Bản không có quy định nào về việc người lao động sẽ bị ảnh hưởng khi có người nhà đang làm việc tại Nhật. Nếu người lao động đảm bảo đủ yêu cầu về sức khỏe và các quy định về nội quy thì hoàn toàn có thể đăng ký.
Khi người lao động có người nhà làm việc tại Nhật thì nên nói rõ với xí nghiệp, nếu để xí nghiệp biết sau khi nhập cảnh họ sẽ bất ngờ và đánh giá bạn là người không trung thực. Quan hệ không tốt với chủ xí nghiệp ảnh hưởng nhiều đến thu nhập và công việc của người lao động.

14. Làm thế nào để được xí nghiệp Nhật Bản tăng lương
Hầu hết xí nghiệp Nhật Bản đều tăng lương cho người lao động sau khi họ làm quen với công việc và làm tốt những việc được giao. Xí nghiệp Nhật rất xòng phẳng trong lương và thưởng, họ hoàn toàn có thể tăng lương đều đặn nếu mối quan hệ của người lao động và chủ xí nghiệp tốt.

15. Hình xăm ở vị trí kín có đi xuất khẩu lao động Nhật được không?
Đối với thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản không chấp nhận các ứng viên có hình xăm dù là nhỏ hoặc xăm chữ.

16. Thắc mắc khi đi Nhật xuất khẩu lao động hơp đồng 1 năm
Có rất nhiều các công ty môi giới tiếp nhận các hợp đồng đi xuất khẩu lao động Nhật Bản với thời hạn hợp đồng 1 năm. Lợi thế rất lớn từ những đơn hàng này là có chi phí đi khá thấp, do tính chất mùa vụ nên việc làm nhiều, thủ tục đi nhanh gọn, thời gian xuất cảnh nhanh

17. Tự ý phá bỏ hợp đồng lao động với xí nghiệp Nhật Bản bị phạt thế nào?
Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động có thể bị phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng nếu thực hiện một trong các hành vi sau đây:
a) Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú;
b) Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng;
c) Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng;
d) Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định.
Ngoài ra, người lao động còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc về nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c; Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b; Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 5 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c và điểm d.

18. Thi chuyển giai đoạn ở Nhật thế nào?
Thi chuyển giai đoạn là kỳ thi mà các thực tập sinh bắt buộc phải tham gia hàng năm tại Nhật Bản. Đây được coi là bước ngoặt xác định bạn có được tiếp tục làm việc taị Nhật không? Nếu bạn đỗ bạn tiếp tục được gia hạn visa, trượt bạn kết thúc hợp đồng và về nước

- Bài thi: Thi lý thuyết và thi thực hành

19. Thực tập sinh quay lại Nhật lần 2
Theo luật mới về xuất khẩu lao động Nhật Bản mới được áp dụng từ cuối năm 2017 thì thực tập sinh sau khi hoàn thành hợp đồng 3 năm về nước có cơ hội được quay lại Nhật Bản làm việc tối đa 2 năm. Điều kiện quay lại Nhật lần 2 gồm: 
- Thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn, có chứng nhận của Jitco.
- Về nước ít nhất 6 tháng.
- Không vi phạm luật pháp Nhật Bản, không nợ tiền điện thoại, mua đồ trả góp,...
- Chỉ được quay lại Nhật làm đúng công việc trong visa được cấp trước đó.
- Chỉ áp dụng đối với thực tập sinh đơn hàng 3 năm, đơn hàng 1 năm không được phép quay lại.
- Thời gian về Việt Nam không có tiền án tiền sự.

Theo Sở LĐ- TB&XH TT Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.534.685
Truy cập hiện tại 10.990