Tìm kiếm tin tức
NGÀY NÀY NĂM ẤY, ĐẤT NƯỚC TA BỪNG ÁNH SÁNG CHÓI LOÀ
Ngày cập nhật 02/09/2019

Cách đây 74 năm, khi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước của nhân dân ta đang tiến đến những thắng lợi cuối cùng thì cũng là lúc Bác Hồ viết ra những dòng chữ đầu tiên trong bản Tuyên ngôn độc lập nhằm khẩn trương tuyên bố với toàn thể đồng bào và thế giới về sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuy được Bác viết ra trong hoàn cảnh lịch sử vô cùng đặc biệt: thời gian ngắn, yêu cầu gấp rút, địa điểm chật hẹp, thân phận bí mật - "ông cụ dưới quê"... nhưng bản Tuyên ngôn độc lập này được coi là “áng thiên cổ hùng văn” vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính quốc tế, vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa thời đại.

Ngày 26/8/1945, sau khi nghe các đồng chí Thường vụ Trung ương báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bác đã đề xuất với Thường vụ một số việc cấp bách như: Mở rộng thành phần Chính phủ lâm thời, thực hiện đoàn kết rộng rãi, mời thêm những nhân sĩ, trí thức yêu nước vào thành viên Chính phủ; soạn thảo ngay bản Tuyên ngôn độc lập và tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo nhân dân để Chính phủ cách mạng ra mắt quốc dân và công bố bản Tuyên ngôn độc lập với đồng bào trong nước và nhân dân thế giới.

Ngày 27/7/1945, Thường vụ Trung ương, Uỷ ban dân tộc giải phóng họp về việc thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia họp, bàn nhiều công việc quan trọng, trong đó có việc tổ chức lễ tuyên bố độc lập, dự kiến là ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình, Bác Hồ được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đảm nhận việc soạn thảo Tuyên ngôn độc lập.

Kể từ ngày 28/8/1945, tức là ngày 21/7 năm Ất Dậu - khi mà nhân dân ở Hà Tiên và Đồng Nai giành được chính quyền về tay nhân dân, Bác Hồ bắt đầu viết Tuyên ngôn tại tầng 2, nhà ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ ở số 48 phố Hàng Ngang - một gia đình doanh nhân giàu lòng yêu nước. Suốt 3 ngày, với tâm lực, trí tuệ và bản lĩnh của một vị lãnh tụ cách mạng luôn canh cánh nỗi lòng vì độc lập cho dân tộc, vì hạnh phúc ấm no cho nhân dân; từng trải nghiệm hoạt động cách mạng từ Đông sang Tây với chiếc máy đánh chữ đã sử dụng hồi ở căn cứ địa Việt Bắc, Bác Hồ đã viết xong bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 30/8 - ngày mà vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị trước đông đảo nhân dân tại Ngọ Môn kinh đô Huế và nộp ấn kiếm cho Chính phủ cách mạng lâm thời.

Sáng 30/8/1945, cũng trên gác 2, số nhà 48 Hàng Ngang, Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ toạ của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, thông qua bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập mà Bác vừa hoàn thành đêm trước.

Lúc này, ngoài đường phố vẫn đông vui nhộn nhịp, còn ở đây là một không gian đầy nghiêm trang, lịch sử như đang chậm lại để chứng kiến giây phút thiêng liêng, giây phút giao thừa của toàn bộ dân tộc, chuyển từ kỷ nguyên nô lệ sang kỷ nguyên tự do.

Chiều ngày 30/8/1945, cũng chính trên căn gác, Bác Hồ đã tiếp ông Pat-ti, người đại diện đầu tiên của nước Mỹ trên đất Việt Nam Độc lập. Rất thân tình và cởi mở, Bác Hồ đọc cho các vị khách Mỹ nghe câu mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Thoạt đầu những người Mỹ tưởng mình nhầm: "Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền nhu cầu hạnh phúc". Đây là câu mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ! Các vị khách không giấu nổi ngạc nhiên, Bác Hồ vẫn bình thản diễn tả đúng tinh thần và lời văn của mình. "… Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…"

Từ ngạc nhiên đến xúc động, những người khách Mỹ như phát hiện một điều kỳ lạ ở đất nước xa xôi, chưa từng có tên trong bản đồ thế giới này. Điều kì lạ đó được một cụ già mảnh khảnh, mặc chiếc áo nâu, chiếc quần sooc lửng thể hiện bằng một phong thái lịch lãm và một thứ ngôn ngữ uyển chuyển đến mức không thể tưởng tượng nổi… Khi những tia nắng rực rỡ của buổi chiều thu Hà Nội, chiếu dài trên căn gác những người khách Mỹ cáo từ ra về, Bác Hồ tiễn họ ra cửa, vui vẻ báo tin: Chủ nhật 2/9, Chính phủ Việt Nam tổ chức ngày Lễ Độc lập và mời đại biểu của Mỹ tới dự.

Ngày Chủ nhật 2/9/1945, thực sự là một ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, sau gần 100 năm nô lệ. 12h trưa, từng đoàn người đã cuồn cuộn đổ về vườn hoa Ba Đình. Đúng 14h, Bác Hồ dẫn đầu phái đoàn Chính phủ bước lên lễ đài và buổi lễ bắt đầu. Lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ từ từ được kéo lên trên nền bài hát "Tiến quân ca" hùng tráng.

Trên lễ đài, Bác Hồ và các thành viên Chính phủ giơ nắm tay chào Quốc kỳ, phía dưới biển người một rừng cánh tay cùng giơ lên. Một giọng nói đậm đà âm sắc xứ Nghệ vang lên: "Hỡi đồng bào cả nước ! Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…". Cả biển người như kết thành một khối im phăng phắc, lắng nghe từng lời như tấm vào tận trái tim mình… "Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam được quyền hưởng Tự do, Độc lập, và sự thật đã trở thành một nước Tự do - Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng và của cải để giữ vững quyền Tự do độc lập ấy.

Có thể nói, những câu chữ chứa đựng hồn non sông nước Việt trong Tuyên ngôn độc lập là cả nỗi lòng hoạt động cách mạng suốt 35 năm của Bác. Bản Tuyên ngôn độc lập là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam. Đồng thời nó là kết quả của những bản yêu cầu gửi cho hội nghị Véc-xây mà Bác Hồ đã viết năm 1919 và chương trình Việt Minh Bác viết năm 1941. Là kết quả của những bản tuyên ngôn khác và tinh hoa của tiền bối như các cụ Thủ Khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác, của bao nhiêu sách báo truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn 80 năm trước.

Bản tuyên ngôn đó không chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà còn là sự cổ vũ, lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc nhỏ yếu. Nó vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính quốc tế, vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa thời đại. Tính thời đại thể hiện rất rõ ở chỗ “không có gì quý hơn độc lập tự do”, còn ý nghĩa lịch sử thể hiện ở chỗ “chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế, mở ra chế độ cộng hoà”.

Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là dịp để mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ đến thời khắc thiêng liêng của dân tộc, thời khắc mà không khí đất trời và lòng người như hòa quyện vào nhau để hướng về một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, vị lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập công bố toàn thế giới biết về một đất nước nhỏ bé đã đánh thắng đế quốc thực dân để giành độc lập cho dân tộc. Và chúng ta càng nhớ thêm về những vầng thơ của bất hủ của nhà thơ Tố Hữu về một ngày mùa Thu đáng nhớ:

Hôm nay sáng mùng hai tháng Chín
Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình
Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh…
Người đứng trên đài lặng phút giây
Trông đàn con đó vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ngời đối mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.521.603
Truy cập hiện tại 1.772