Tăng giá dịch vụ cảng biển: Cân nhắc thời điểm phù hợp
Ngày cập nhật 09/06/2021
(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nói chung, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ cảng biển phải thận trọng, bảo đảm chi phí logistics không gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về ổn định mức giá dịch vụ trong giai đoạn hiện nay.
Hệ thống cảng biển Việt Nam đã và đang dần hoàn thiện, tận dụng được tiềm năng lợi thế đất nước với hơn 3.200 km bờ biển. Ảnh minh họa

Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) vừa có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container (THC) tại khu vực các cảng biển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện) tăng 10% mỗi năm trong 3 năm liên tục từ ngày 1/7/2021; các cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải phí xếp dỡ container tăng ít nhất 20% so với mức tối thiểu đã được quy định tại Thông tư 54 từ ngày 1/7/2021 và lộ trình tăng 10% cho 3 năm sau đến 2023.

Doanh nghiệp Việt đang chịu thiệt

Giải thích về văn bản "ngược đời" đề xuất tăng giá trong bối cảnh COVID-19 nêu trên, ông Nhữ Đình Thiện, Phó Tổng Thư ký VISABA cho biết, đề xuất tăng phí xếp dỡ cảng biển lúc này không ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển. Bởi, giá bốc xếp tính luôn trong cước vận tải mà hãng tàu đang thu từ doanh nghiệp rất cao từ trước đến nay, nhưng trả cho dịch vụ cảng biển rất thấp do biểu giá phí hiện tại của Việt Nam thấp.

Chẳng hạn, các hãng tàu nước ngoài đang thu từ khách hàng xuất nhập khẩu Việt Nam nhiều khoản phí, trong đó, riêng phí THC là 114-173 USD/container (tùy 20 feet hay 40 feet), ngang bằng trong khu vực. Tuy nhiên, tại các cảng biển Việt Nam, các hãng tàu ngoại chỉ trả cho các cảng phí bốc dỡ tối thiểu theo quy định là 33 USD/TEU(20 feet) tại khu vực Đình Vũ, 52 USD/TEU tại khu vực Cái Mép và 41 USD/TEU tại khu vực TPHCM.

"Chỉ riêng chênh lệch giữa mức thực thu từ khách hàng và thực trả cho cảng của các hãng tàu nước ngoài đã rất lớn, từ 68-87 USD/TEU. Như vậy, mỗi năm chúng ta mất hàng tỷ USD vào túi các hãng tàu nước ngoài. Họ đang hưởng lợi rất lớn từ phần chênh lệch mà đáng lẽ phải trả cho cảng biển Việt Nam", ông Nhữ Đình Thiện cho hay.

Ngoài ra, phí THC chỉ là phần thu dịch vụ rất nhỏ trên bờ trong cả gói phí mà hãng tàu thu từ doanh nghiệp tại Việt Nam. Chưa kể các hãng tàu còn thu khách hàng các phí seal, chứng từ, điện giao hàng, phụ phí giảm thải lưu huỳnh, phụ phí xăng dầu, phí cân bằng container, phí cân bằng thiết bị…

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép cho biết, cảng biển là mắt xích chính trong chuỗi luân chuyển hàng hóa, do đó cần phải tăng giá bốc xếp để có nguồn vốn tiếp tục tái đầu tư.

"Hơn 10 năm qua, giá phụ phí xếp dỡ container và giá bốc xếp cảng biển tại Việt Nam có sự chênh lệch rõ rệt so với khoản thu của các hãng tàu nước ngoài, lên đến 68-87 USD/TEU. Với hàng chục triệu TEUs hàng hóa thông qua cảng biển mỗi năm, phần chênh lệch này đến cả tỷ USD. Các doanh nghiệp cảng biển và bản thân các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam đều đang chịu thiệt thòi lớn", ông Nguyễn Xuân Kỳ nhìn nhận.

Lợi thế cạnh tranh

Năm 2013, khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải chỉ có 8 tuyến tàu mẹ/tuần, sản lượng đạt xấp xỉ 1 triệu TEUs. Đến năm 2020, khu vực này đã có 37 tuyến tàu/tuần. Trong đó 28 tuyến quốc tế và đón được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới 220.000 DWT vào cảng. Sản lượng đạt 2,897 triệu TEUs, tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm 2013.

Khu vực cảng nước sâu cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) cũng đã đón được tàu mẹ đi thẳng sang thị trường châu Mỹ, không phải trung chuyển qua nước thứ 3. Hiện tại, cảng Lạch Huyện đón 9 chuyến tàu mẹ/tuần, trong đó 2 tuyến đi châu Mỹ, 7 tuyến đi châu Á.

Có thể thấy, hệ thống cảng biển Việt Nam đã và đang dần hoàn thiện, tận dụng được tiềm năng lợi thế đất nước với hơn 3.200 km bờ biển. 
Thời điểm tăng hợp lý

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã nhận được nhiều kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất sớm ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT. Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh tăng giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container tại 3 khu vực I, II, III và khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép-Thị Vải, với mức tăng theo lộ trình 10%/năm, trong thời gian 3 năm.

So với các nước, giá dịch vụ bốc dỡ container của Việt Nam hiện nay ở mức thấp nhất (bằng 80% Campuchia, 70% Malaysia, 61% của Indonesia, 46% của Singapore). Trong đó, thấp nhấp là khu vực I (khu vực cảng miền Bắc với giá 33 USD/cont 20’ và 50 USD/cont 40’), cao nhất là khu vực cảng Lạch Huyện và Cái Mép- Thị Vải (52 USD/cont 20’ và 77 USD/cont 40’).

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, theo quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT, các doanh nghiệp cảng được quyền quyết định mức giá nằm trong khung giá do Bộ GTVT quy định. Nhưng trên thực tế, các cảng biển Việt Nam hiện nay đều đang áp dụng mức giá tối thiểu quy định tại Thông tư.

"Sở dĩ các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng mức giá tối thiểu này do có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cảng biển để thu hút nguồn hàng và năng lực đàm phán với khách tàu còn yếu, nên các cảng biển rất khó điều chỉnh tăng mức giá trên mức giá tối thiểu", đại diện Cục Hàng hải Việt Nam nhìn nhận.

Mặt khác, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, nguồn vốn đầu tư xây dựng cảng biển rất lớn, tỉ suất lợi nhuận là điều doanh nghiệp cảng cần phải tính toán để có thể tái đầu tư cơ sở hạ tầng trong giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, việc cạnh tranh bằng cách giảm giá dịch vụ đang gây khó khăn trong huy động nguồn vốn để tái đầu tư, giảm chất lượng dịch vụ. Vì vậy, việc nâng giá dịch vụ bốc dỡ container là cần thiết để giúp doanh nghiệp cảng có đủ nguồn tài chính tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển Việt Nam để cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động nặng nề đến cả nền kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ban ngành tập trung ổn định mức giá dịch vụ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời trên cơ sở ý kiến của VCCI, Tổng cục Thống kê, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT cân nhắc thời điểm ban hành Thông tư sửa đổi TT 54/2018/TT-BGTVT phù hợp với bối cảnh hiện tại, bảo đảm bình ổn giá dịch vụ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

"Việc doanh nghiệp cảng có thể nâng được mức giá hiện tại trên mức tối thiểu nêu trong Thông tư còn phụ thuộc vào năng lực của cảng, khả năng đàm phán với hãng tàu và vai trò dẫn dắt của Hiệp hội Cảng biển", đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho hay.
Cân nhắc thời điểm điều chỉnh tăng giá phù hợp

Trong văn bản trả lời về việc đánh giá tác động chỉ số giá tiêu dùng đối với khung giá trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2018/TT-BGTV ngày 19/6/2020, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho rằng, mức khung giá điều chỉnh tăng theo dự thảo có tác động gián tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng nhưng không đáng kể.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng cục Thống kê cho rằng việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container trong năm 2021 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải. Do đó, cơ quan này đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam cân nhắc thời gian điều chỉnh giá phù hợp, nhằm thực hiện bình ổn giá trong thời gian dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

chinhphu.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày