Tìm kiếm tin tức
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Gắn với nhu cầu
Ngày cập nhật 27/10/2018
Thực hành chế biến món ăn ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền

TTH - Với nhiều chính sách hỗ trợ, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được nhiều người lựa chọn, giúp người lao động ổn định việc làm, hoặc ứng dụng thiết thực vào sản xuất.

Dạy theo nhu cầu

Tốt nghiệp THPT, Nguyễn Diệu Hương (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) cùng người em song sinh Nguyễn Diệu Hằng không đăng ký vào đại học. Hai chị em quyết định học may công nghiệp ở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để xin vào làm ở các công ty may. Hương kể: “Anh trai của em tốt nghiệp đại học nhưng không có việc làm, phải xin vào làm công nhân ở nhà máy sợi”.

Vốn làm nghề nông nhưng khi nghe xã thông báo mở lớp dạy nghề chế biến món ăn, chị Nguyễn Thị Diệp (thôn Lai Hà, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền) quyết định đăng ký theo học với dự định sau khi ra nghề sẽ mở quán bán đồ ăn sáng. Sau 3 tháng được học nghề miễn phí, chị Diệp không chỉ nấu ăn ngon, bài bản hơn mà còn biết cách trang trí món ăn đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Năm 2018, xã Quảng Thái mở 7 lớp đào tạo nghề dành cho lao động nông thôn: Kỹ thuật chế biến món ăn, chăn nuôi thú y, lái xe hạng B2 và sửa chữa máy nổ. Ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho hay, đây là những nghề thiết thực với người dân Quảng Thái để ứng dụng trong chăn nuôi, phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản, mở quán ăn, nhà hàng tiệc cưới… Thế nên, các lớp học lúc nào cũng đông học viên với nhiều độ tuổi khác nhau.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong năm 2017, có 2.562 lao động nông thôn được đào tạo nghề; trong đó, lao động học các nghề nông nghiệp là 662 người, phi nông nghiệp là 1.357 người, riêng các doanh nghiệp đã đào tạo 543 lao động. Ông Nguyễn Văn Thoản, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH, cho hay: “Chương trình thực sự hiệu quả khi đa số người lao động học xong đều tìm được việc làm. Các cơ sở đào tạo đã nắm bắt nhu cầu của người lao động khi mở lớp, đồng thời giới thiệu việc làm cho họ sau khi tốt nghiệp. Có đến 70-80% lao động đăng ký học nghề may, nguồn lao động cho ngành này vẫn thiếu nên học xong hầu hết lao động đều tìm được việc làm. Các ngành nghề, như: Kỹ thuật chế biến món ăn, cơ khí nông nghiệp, sửa chữa máy nổ… cũng được nhiều người lựa chọn, giúp người lao động có thêm kiến thức, kỹ năng phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”.

Lao động nông thôn học nghề may công nghiệp

Gắn với thị trường

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn đã đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất, tăng thu nhập, tạo việc làm, ổn định cuộc sống và giảm nghèo. Mạng lưới cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn từng bước được củng cố và phát triển. Cơ sở vật chất, thiết bị được đầu tư tương đối đồng bộ đảm bảo chất lượng cho các khóa học nghề. Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Phần lớn các lớp dạy nghề đều đào tạo có địa chỉ nên tỷ lệ lao động học nghề gắn với việc làm và có việc làm mới tăng lên hàng năm, từng bước gắn với nhu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề”.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai công tác này tại một số địa phương còn thiếu đồng bộ, thiếu định hướng dài hạn. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, kịp thời, tần suất chưa cao. Công tác tư vấn học nghề của các cơ sở dạy nghề địa phương chưa chuyên nghiệp và thường xuyên. Việc làm và thu nhập của một số doanh nghiệp trên địa bàn còn thấp và chưa ổn định nên nhiều lao động sau khi tốt nghiệp vẫn chưa muốn tìm việc tại các doanh nghiệp này. Ông Nguyễn Văn Thoản cho rằng, nhận thức về tầm quan trọng của việc học nghề của nông dân chưa cao nên chưa mạnh dạn động viên con em học nghề. Nhiều lao động nông thôn chưa coi việc được đào tạo nghề là yếu tố cần thiết để lập nghiệp nên tham gia các khóa học chưa nhiệt tình.

Ông Hà Văn Tuấn nhận định, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới; lựa chọn đào tạo những nghề đúng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, theo nhu cầu của thị trường để khi học xong, người lao động có việc làm. Trong quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhất là vai trò của chính quyền cấp xã, cấp huyện.

Bài, ảnh: Minh Hiền- Báo Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.176.879
Truy cập hiện tại 6.290