Tìm kiếm tin tức
NỔ LỰC THOÁT NGHÈO CỦA QUẢNG THÁI TỪ CON ĐƯỜNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG NHẬT BẢN!
Ngày cập nhật 26/09/2019
Phạm Bá Ren và Hoàng Ngọc Bun

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn xã đã có 13 lao động đã xuất cảnh sang thị trường Nhật Bản, đồng thời hiện đang có 12 lao động đang học nguồn tại các công ty Tam Quy, Suleco, Nhật Huy Khang và một số đơn vị phái cử…Đó là kết quả của sự nỗ lực cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương đưa Quảng Thái thoát nghèo bằng con đường Xuất khẩu lao động.

        Quảng Thái là xã đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Điền, tỉnh TT Huế. Toàn xã với 1.466 hộ và 5.769 nhân khẩu, nghề nghiệp của người dân chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp do đó điều kiện cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ Hộ nghèo của xã hiện còn 10,98%(161 hộ, 382 khẩu); hộ cận nghèo còn 8,6%(128 hộ, 470 khẩu). Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của nhà nước cấp trên, chính quyền xã Quảng Thái cũng đã quyết tâm vượt qua những khó khăn, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, tạo bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy vậy, là một xã có xuất phát điểm khó khăn, hằng năm phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lụt, cơ sở hạ tầng xuống cấp; đất đai kém màu mỡ, sản xuất nông nghiệp manh mún và không ổn định, do vậy, cuộc sống của người dân Quảng Thái vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khó.

          Những năm 2000, khi chủ trương của cấp trên về đẩy mạnh vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài, xã Quảng Thái cũng đã mạnh dạn vận động rất nhiều người lao động đăng ký tham gia Xuất khẩu lao động tại các nước Malaysia, Đài Loan, Xiri, Libi…Tuy nhiên, do tình hình thế giới bất ổn, đặc biệt là cuộc khủng khoảng kinh tế nghiêm trọng, cùng với những chính sách quy định đối với XKLĐ chưa cụ thể, chặt chẽ. Một số Công ty tuyển dụng lao động đi XKLĐ không rõ ràng, tình trạng môi giới, qua nhiều tay trong tuyển lao động….khiến người lao động bị mất nhiều khoản tiền lớn không đúng mục đích. Do vậy, rất nhiều người lao động của Quảng Thái vướng phải những khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp, không có điều kiện trở về nước hoặc phải gánh chịu khoản nợ lớn cho bản thân và gia đình. Từ đó đến nay, người dân xã Quảng Thái luôn có tư tưởng nặng nề, thiếu sự tin tưởng đối với chủ trương vận động XKLĐ. Trước những thách thức đó, lãnh đạo xã luôn trăn trở: “Làm sao để lấy lại niềm tin của người dân trong khi chỉ có XKLĐ mới là con đường thoát nghèo, làm giàu chính đáng nhanh nhất và làm cho Quảng Thái phát triển lên???

          Những năm trở lại đây, sau khi Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội thông qua, cùng với những quy định, ràng buộc và những chính sách hỗ trợ đối với XKLĐ của lãnh đạo tỉnh, rất nhiều lao động tại các địa phương sau khi tham gia lao động ở nước ngoài đã mang lại những tín hiệu vui, thu nhập cao, hiệu quả, an toàn và mang lại cơ hội” Đổi đời, thoát nghèo” từ XKLĐ.

          Địa phương đã tích cực trong công tác đẩy mạnh tuyên truyền đến tận người dân về chủ trương và những chính sách hỗ trợ đối với XKLĐ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lao động thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển Fomosa; chính sách đối với lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách. Để lấy lại niềm tin của người dân, tránh những rủi ro và để đảm bảo an toàn đối với lao động, lãnh đạo xã đã rất thận trọng trong việc tiếp nhận các đơn vị, các doanh nghiệp phái cử về tuyển dụng tại địa phương; đã yêu cầu đơn vị phái cử phải có những cam kết cụ thể để đảm bảo an toàn cho lao động địa phương. Mặt khác, để tạo sự tin tưởng của lao động, lãnh đạo xã đã trực tiếp đến tận nhà, gặp mặt gia đình để trao đổi những tâm tư, thắc mắc, khó khăn của các lao động. Tháng 02/2018, lãnh đạo xã đã cùng đi với 12 gia đình cùng với lao động trực tiếp tìm hiểu tại Văn phòng chi nhánh Cty CPTM Tam Quy tại Quảng Trị. Sau chuyến trực tiếp tham quan, nghiên cứu, đã có 06 lao động đã trực tiếp đến học tập tại Văn phòng Cty Tam Quy.

Lãnh đạo xã cùng với gia đình và lao động trực tiếp khảo sát tại Cty Tam Quy

Địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyên truyền bằng các hình thức tư vấn XKLĐ tại các buổi gặp mặt Thanh niên đầu năm, cuối năm tại các thôn; tư vấn tại các buổi hội họp cán bộ chủ chốt từ xã đến thôn. Với sự quyết tâm của lãnh đạo xã và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đã dần dần lấy lại niềm tin của người lao động đối với chủ trương vận động XKLĐ.

Tổ chức tư vấn XKLĐ- Du học tại buổi gặp mặt TN cuối năm và trong dịp Hè

          Năm 2018, toàn xã có 09 lao động xuất cảnh sang Nhật Bản và một số nước. Đến tháng 9/2019, đã có 13 lao động đã xuất cảnh sang thị trường Nhật Bản, đồng thời hiện đang có 12 lao động đang học nguồn tại các công ty Tam Quy, Suleco, Nhật Huy Khang…

        Đa số lao động đi làm việc tại Nhật Bản đều có việc làm và mức thu nhập rất ổn định. Những lao động làm việc lâu năm như anh  Lê Đình Tám, Lê Đình Sương, Phan Thanh Toản, Hoàng Minh Hải(ở Trung Kiều), Lê Đình Minh, Trần Văn Tuyến, Hoàng Quốc Quy (Đông Hồ), Văn Thị Hiệp, Trần Thị Len(Trằm Ngang), Văn Thị Huệ(Nam Giảng) với mức lương cao từ 30- 36 triệu đồng/tháng(chưa kể làm thêm), gửi về gia đình hàng tháng từ 25- 30 triệu đồng để chi trả các các khoản nợ trước lúc xuất cảnh, giúp gia đình cải tạo, sửa chữa lại nhà cửa, cổng tường rào đảm bảo khang trang hơn, thậm chí đã có lao động gửi tiền về mua đất ở Tp Đà Nẵng, Tp Huế. Anh Lê Đình Tám, Phan Thanh Toản sau 3 năm làm việc có hiệu quả, về nước đã được gia hạn thêm 02 năm làm việc với mức lương cao hơn với nhiều hậu đãi đặc biệt. Chị Văn Thị Huệ(Nam Giảng) sau 3 năm làm việc ở Nhật Bản về nước, hiện chị đang là cán bộ tuyển dụng của Cty XKLĐ Nhật Huy Khang.

         Theo ông Lê Lụt- thôn Trung Kiều chi sẻ: Gia đình tôi có 04 người gồm Lê Đình Tám, Lê Đình Sương, Hoàng Minh Hải(con rể) và người cháu ngoại) đều tham gia XKLĐ Nhật Bản, hiện các cháu có công việc ổn định, mức lương cao, tôi nghĩ, chỉ có XKLĐ mới mong thoát nghèo và nhanh chóng làm giàu cho gia đình. Ông Phan Duy Ân- Thôn Trung Kiều cũng chia sẻ, con tôi là Phan Thanh Toản đi XKLĐ Nhật Bản 3 năm về có khoảng 800 triệu đồng, đã giúp gia đình trả các khoản nợ, sửa chữa nhà cửa khang trang.Vừa rồi cháu tiếp tục được gia hạn hợp đồng làm việc thêm 02 năm. Tôi cũng đã quyết định cho đứa con gái là Phan Bích Thuyền cũng đăng kí tham gia XKLĐ Nhật Bản.

Những ngày nghĩ cuối tuần của lao động Quảng Thái tại Nhật Bản

     Còn đối với các lao động mới sang làm việc 6 tháng như Nguyễn Văn Trung Hiền, Hoàng Ngọc Bun(Lai Hà), Lê Quang Hữu, Trần Đình Quốc, Văn Thị Hiểu( Đông Hồ); Nguyễn Phi, Phạm Bá Ren(Tây Hoàng), Hồ Xuân Nghiệp(Nam Giảng), Nguyễn Văn Phúc(Trung Kiều) cũng đã nhận được mức lương khá ổn định từ 28- 32 triệu đồng, gửi về cho gia đình mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng. Các điều kiện công việc, ăn ở, sinh hoạt, nghĩ ngơi đều khá thoải mái và thật nghiêm túc. Lãnh đạo xã thường xuyên giữ liên lạc với lao động, với gia đình, nắm bắt, tìm hiểu thông tin về công việc, thu nhập, ăn ở, sinh hoạt cũng như những khó khăn, thắc mắc của lao động để phối hợp tháo gỡ, giải quyết.

 

Bạn Lê Đình Minh(Đông Hồ)

Bạn Trần Đình Quốc(trái), Nguyễn Phi(giữa) tại Nhật Bản

Bạn Hồ Xuân Nghiệp, Văn Thị Hiểu tại Nhật Bản

Bạn Lê Thị Chi(Trung kiều)

Bạn Lê Đình Sương(Bìa phải)

Bạn Lê Đình Tám(Trung kiều)

Bạn Nguyễn Văn Trung Hiền(thứ 2 bên phải sang)

Bạn Lê Quang Hữu(ngoài cùng bên phải)

Bạn Phạm Bá Ren và Hoàng Ngọc Bun

Bạn Nguyễn Văn Phúc(áo đỏ)

Bạn Văn Thị Hiệp(Trằm Ngang)

Bạn Phan Thanh Toản(Trung Kiều)\

Bạn Hoàng Quốc Quy(Đông Hồ)

           Hiện nay, địa phương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động người dân tham gia XKLĐ, nghiên cứu, tìm hiểu các đơn vị phái cử có uy tín, chất lượng, an toàn để triển khai tư vấn và tuyển dụng lao động tại địa phương. Các đơn vị, doanh nghiệp phái cử phải có đầy đủ các hồ sơ pháp lý của cơ quan có thẩm quyền, phải được ngành Lao động- TB&XH cấp tỉnh, huyện giới thiệu, đồng thời phải có những cam kết chặt chẽ với địa phương khi về tư vấn và tuyển dụng lao động. Các đơn hàng phải được địa phương thẩm định, thông báo công khai, giới thiệu về Thôn trưởng và các đoàn thể cấp thôn để vận động, tư vấn, giới thiệu. Địa phương sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tư vấn, đối thoại với người dân và người lao động để trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đồng thời phổ biến những chính sách hỗ trợ đối với người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

            Những kết quả bước đầu, với tín hiệu vui về số lượng lao động đăng kí nhiều hơn; đời sống, công việc và mức thu nhập cao, ổn định của lao động trên đất nước Nhật Bản, những gia đình  có sự đổi thay từng ngày cùng với sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của lãnh đạo chính quyền địa phương nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân và người lao động. Hy vọng rằng, người lao động và các gia đình mạnh dạn tham gia tìm hiều, mạnh dạn đăng ký tham gia XKLĐ để có cơ hội thoát nghèo, làm giàu chính đáng như chia sẻ của ông Lê Lụt- “Chỉ có XKLĐ mới mong thoát nghèo và nhanh chóng làm giàu cho gia đình”. Góp phần cùng với lãnh đạo địa phương chung tay xây dựng quê hương Quảng Thái ngày càng phát triển và giàu lên một cách bền vững.

Phạm Công Phước- Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái
Ý kiến bạn đọc
Chúc mừng Quảng thái. Tôi tự hào vì đã có những đóng góp tích cực, thúc đẩy công tác XKLĐ ở đây !
Người gửi: Hoàng Văn Phước; Email: Hoangphuocvlat@gmail.com; Thời gian: 27/09/2019 05:46
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.347.094
Truy cập hiện tại 21.657