Tìm kiếm tin tức
HUYỆN QUẢNG ĐIỀN: KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA, PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS 2019
Ngày cập nhật 19/11/2019

Thực hiện Kế hoạch số 3.049/KH-SYT ngày 06/11/2019 của Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh về việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019. Ngày 15 tháng 11 năm 2019, UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 trên địa bàn huyện, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Huy động sự tham gia của các ấp, các ngành, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng người tham gia phòng, chống HIV/AIDS để đạt được các mục tiêu 90-90-90 và các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

2. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.

3. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động  phòng, chống HIV/AIDS.

4. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.

II. CHỦ ĐỀ VÀ KHẨU HIỆU

1. Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019: Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Năm 2019, UNAIDS cũng đã chọn chủ đề “Communities make the difference – Tạm dịch là “Cộng đồng tạo nên sự khác biệt”. Chủ đề này muốn kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Do vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!”.

2. Khẩu hiệu của chiến dịch:

- Cộng đồng chung tay - Kết thúc ngay dịch AIDS!

- Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!

- Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ chính mình và người thân!

- Tuân thủ điều trị ARV để đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện!

- Dự phòng và điều trị HIV/AIDS – Không để ai bỏ lại phía sau!

- Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần. 

- Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác!

- Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục suốt đời!

- Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!

- Hãy sử dụng bao cao su để bảo vệ cho bạn và người thân!

- Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!

- Khi tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện – không có lây truyền HIV cho bạn tình!

- Toàn dân dồn tổng lực để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam!

-  Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!

-  Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2019!

- Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019!

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU TRONG THÁNG HÀNH ĐỘNG

1. Ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo

Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm  huyện ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch hướng dẫn Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm (hoặc BCĐ CSSKBĐ) các xã, thị trấn và các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện xây dựng và triển khai các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2019 phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương.

2. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS

2.1. Lễ Mittinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

- Lễ Mittinh và diễu hành phòng, chống HIV/AIDS năm nay vẫn tập trung tiến hành tại 05 xã trọng điểm (Quảng Lợi, Quảng Ngạn, Quảng An, Quảng Thọ và Thị trấn Sịa). Các cuộc mít tinh và diễu hành quần chúng nên được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia như Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12/2019).

- Ngoài Lễ mít tinh, có thể tổ chức các sự kiện phối hợp như diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông lưu động hoặc tổ chức các sự kiện gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

- Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm  huyện phân công các thành viên của Ban chỉ đạo cũng như lãnh đạo các cơ quan, ban ngành tham gia chỉ đạo, giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong Tháng hành động; đồng thời hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức Lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2019 tại các xã trọng điểm, cụ thể:

TT

Họ và tên

Chức vụ

Địa bàn phụ trách

01

Ông Nguyễn Tuấn Anh

Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Ban chỉ đạo

Phụ trách chung

02

Ông Nguyễn Phương Tuấn

Giám đốc TTYT huyện-Phó trưởng Ban thường trực

Xã Quảng Lợi

03

Ông Võ Bang

Trưởng phòng Y tế huyện –

 Phó trưởng ban

Xã Quảng Ngạn

04

Bà Phan Thị Thanh Phượng

Phó Chủ tịch thường trực UBMTTQVN huyện –Thành viên

Thị trấn Sịa

05

Ông Trần Quang Tín

Phó Giám đốc phụ trách TTVHTT-TT -  Thành viên

Xã Quảng An

06

Ông Võ Việt Đức

Bí thư Huyện đoàn – Thành viên

Xã Quảng Thọ

2.2. Tổ chức các hoạt động truyền thông và vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS

- Về nội dung:  Truyền thông cần chú trọng vào các nội dung sau:

+ Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV: Lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV, sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); quảng bá các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương.

+ Lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao.

+ Điều trị bằng thuốc ARV: Lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV; Lan tỏa thông điệp K=K để người nhiễm HIV tiếp cận sớm dịch vụ điều trị ARV, tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ và hiểu ý nghĩa của tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện; Lợi ích tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; quảng bá các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương.

+ Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

+ Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS: Sự cần thiết, quyền lợi, mức đóng, mức hưởng và thủ tục tham gia cũng như cách sử dụng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

+ Đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

+ Luật Phòng, chống HIV/AIDS: Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV, những điều khoản liên quan đến quyền tiếp cận điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS và vận động cho sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

+ Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

- Về hình thức:  Cần linh hoạt và triển khai đa dạng, phong phú các hình thức truyền thông phù hợp với nguồn lực sẵn có của từng địa phương:

+ Truyền thông trực tiếp: Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như nói chuyện sức khoẻ với cá nhân, các cuộc thảo luận nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao; tư vấn tại các cơ sở y tế; tổ chức sinh hoạt các nhóm, nhóm giáo dục đồng đẳng và các hình thức truyền thông có hiệu quả khác như tuyên truyền lưu động, thi tìm hiểu phòng, chống HIV/AIDS...phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị;

+ Truyền thông đại chúng: Ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo điện tử trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; Phổ biến, đăng tải tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT). Mỗi xã, thị trấn phải đảm bảo phát trên đài truyền thanh ít nhất 5 - 10 lần truyền thông về nội dung liên quan phòng, chống HIV/AIDS trong Tháng hành động;

+ Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng như: hệ thống mạng xã hội và các trang thông tin điện tử về các phóng sự, các chương trình quảng cáo, các chương trình toạ đàm, truyền thông trên các trang thông tin điện tử của đơn vị;

+ Truyền thông lưu động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và phòng, chống HIV/AIDS; Tổ chức các sự kiện truyền thông có sự tham gia của người nhiễm HIV và gia đình; của các nhà lãnh đạo, người nổi tiếng và lãnh đạo cộng đồng; 

+ Phổ biến các phương tiện và tài liệu truyền thông: Treo khẩu hiệu, băng rôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên; cửa ngõ huyện, xã, cổng trường học, bệnh viện…

+ Phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng... tại các cơ sở y tế và lồng ghép trong các sự kiện khác.

3. Triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thiết thực

- Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV, nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng; dự phòng, dịch vụ PrEP; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ tiếp cận và sử dụng.

- Tổ chức mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điểm cấp phát thuốc Methadone; điểm cấp phát thuốc ARV cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

- Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về quản lý chương trình phòng chống HIV/AIDS và các hội nghị vận động chủ cơ sở dịch vụ giải trí tham gia chương trình can thiệp giảm hại.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

- Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương.

- Kiện toàn, củng cố hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu tại cộng đồng.

- Rà soát, chấn chỉnh, giám sát, hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cũng như việc cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại cơ sở y tế.

- Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội dân sự khác và mạng lưới người nhiễm HIV tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhân Tháng hành động.

- Tổ chức các chuyến giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung tâm Y tế huyện

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2019.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức có hiệu quả các hoạt động của Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện.

          - Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết các xã, thị trấn tổ chức lễ phát động theo hướng dẫn.

- Cung cấp phương tiện tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho các Trạm y tế, đài truyền thanh của các xã, thị trấn và hệ thống thanh huyện để tăng cường công tác tuyên truyền trong Tháng hành động.

- Tăng cường công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, thực hiện công tác chuyển tiếp, chuyển tuyến các dịch vụ đặc biệt là điều trị ARV và điều trị Methadone.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp báo cáo kết quả triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 tại huyện cho cấp trên theo quy định.

2. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện

- Tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác dự phòng lây truyền HIV trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019.

- Tổ chức lồng ghép tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở.

- Phối hợp với UBMTTQVN huyện, Trung tâm Y tế giám sát Chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn huyện.

3. Đề nghị Uỷ ban MTTQVN huyện

         - Tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình phối hợp Phong trào“Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” năm 2019 và chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào giai đoạn 2013 – 2020 tại các xã, thị trấn.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ Mặt trận các cấp; vận động người nghiện ma túy tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và người nhiễm HIV mua thẻ BHYT.

4. Công an huyện

Tổ chức lồng ghép tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ, chiến sỹ thuộc đơn vị và qua các buổi nói chuyện tại cộng đồng về phòng, chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019.

 

5. Phòng Giáo dục - đào tạo

- Chỉ đạo, tổ chức đánh giá công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS tại các trường trên địa bàn huyện.

- Tập huấn kiến thức cơ bản và kỹ năng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong trường học cho cán bộ y tế trường học khối THCS trên địa bàn huyện.

- Khuyến khích tổ chức các buổi ngoại khóa, thi tìm hiểu HIV/AIDS cho học sinh nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

6. Các đoàn thể cấp huyện: Hội Nông dân huyện, Huyện đoàn, Hội Phụ nữ huyện

Tổ chức truyền thông lồng ghép phòng, chống HIV/AIDS trong lực lượng đoàn viên, hội viên, các câu lạc bộ.

7. Các cơ quan, ban ngành cấp huyện

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của  từng cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong quá trình triển khai thực hiện Tháng hành động; đồng thời tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị mình cùng hưởng ứng tham gia thực hiện tích cực.

8. UBND các xã, thị trấn

- Trên cơ sở kế hoạch của UBND huyện, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm (hoặc Ban chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ ban đầu) các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cấp xã triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2019 tại địa phương.     

          - Tổ chức lễ phát động:

+ Với xã trọng điểm: Tất cả các xã trọng điểm (Quảng An, Quảng Lợi, Quảng Ngạn, Quảng Thọ và thị trấn Sịa) tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia như: Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12/2019).

+ Với các xã không trọng điểm: Xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động theo hướng dẫn và khuyến khích tổ chức lễ phát động vào cùng thời điểm theo kế hoạch.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông tại cơ sở, trong đó lưu ý đến các đối tượng có hành vi nguy cơ cao và các địa phương có mật độ giao lưu lớn, có nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS; tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ và tư vấn về HIV/AIDS. Tổ chức thăm hỏi người nhiễm tại địa phương nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

- Phân công và chỉ đạo các thành viên của Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị trong việc chuẩn bị và tổ chức thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

- Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các xã trọng điểm phân công các thành viên của Ban chỉ đạo cũng như lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể tham gia chỉ đạo, giám sát.

          - Theo dõi, giám sát, tổng hợp các hoạt động thực hiện trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của địa phương theo quy định.

          V. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí địa phương trong hoạt động thường xuyên của chương trình hoặc các nguồn khác huy động được.

VI. CÔNG TÁC BÁO CÁO

          Sau khi triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019, đề nghị các đơn vị báo cáo kết quả hoạt động trong Tháng hành động về Khoa Liên chuyên khoa KSBT-YTCC&ATTP thuộc Trung tâm Y tế huyện theo mẫu đính kèm trước ngày 12/12/2019 để tổng hợp báo cáo.

         

Trên đây là Kế hoạch tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019, UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc./.

Tập tin đính kèm:
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.014.731
Truy cập hiện tại 9.116