Tìm kiếm tin tức
Khoa học công nghệ là “xương sống” của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội
Ngày cập nhật 26/11/2019

Khoa học, công nghệ (KHCN) thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia. KHCN đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, xây dựng, thông tin, ngân hàng, du lịch,… Quan điểm coi KHCN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được khẳng định và quán triệt trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước thời kỳ đổi mới.

 
 

KHCN đóng góp đắc lực trong các ngành, lĩnh vực

Với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương về hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển KH&CN phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó đã ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch; năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 7,08% vượt chỉ tiêu 6,7%, cao nhất kể từ năm 2008.

Nhiều thành tựu KHCN được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, xây dựng, thông tin, ngân hàng, du lịch. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng TFP đạt 43,7% giai đoạn 2016-2018 và ước đạt 43,5% giai đoạn 2016-2020. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng dần trong những năm qua

Năm 2019, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc lên vị trí 42/126 quốc gia và nền kinh tế, dẫn đầu nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Góp phần vào thành quả chung đó, ngành KHCN trong năm 2019 đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận, khẳng định vị trí, vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực KHCN, cùng đất nước tiếp tục phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định: Với tư cách là quốc sách, luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên, từ chủ trương xuyên suốt về khoa học công nghệ, chúng ta đã có cơ hội biến thành giải pháp cụ thể, nhất quán hơn, làm cho khoa học công nghệ đồng hành sát hơn với các ngành, các cấp, sát hơn với yêu cầu thực tiễn kinh tế - xã hội. Cụ thể, các Nghị quyết Trung ương từ Đại hội XII của Đảng đều có nội dung làm rõ nội hàm khoa học công nghệ, từ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân, vai trò nhà nước và định hướng phát triển trong từng ngành, triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới…

Khơi thông các nguồn lực đầu tư cho KHCN

Hiện nay, trong tổng kinh phí chi hoạt động KH&CN thì ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm khoảng 52%, chi từ doanh nghiệp chiếm 48%. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ so với tỷ lệ 70/30 của giai đoạn trước (2011 - 2015).

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, việc bố trí chi NSNN cho phát triển KHCN tính cả chi KHCN trong an ninh, quốc phòng và từ nguồn thu nhập trước thuế để lại cho doanh nghiệp đầu tư KHCN theo quy định đã cơ bản bảo đảm mục tiêu Nghị quyết Trung ương, đạt mức 2% tổng chi NSNN.

Cũng tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Mai Sỹ Diến đề nghị: Phải kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà trong khâu thẩm định, phê duyệt. Chủ động chuẩn bị khâu đầu tư, phát triển khoa học công nghệ trình Quốc hội nhằm phân bố nguồn lực ngân sách nhà nước tương xứng với nhu cầu phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay. Đảm bảo tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ không dưới 2% chi ngân sách nhà nước hàng năm. Việc phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm phải căn cứ vào kết quả, hiệu quả việc sử dụng kinh phí khoa học công nghệ của bộ, ngành, địa phương và có thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải mang tính bình quân sẽ kém hiệu quả.

Ngoài ra, cần khơi thông, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Đồng thời, thu hút chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong tình hình mới thông qua các dự án, nhiệm vụ hợp tác KHCN.

Đặc biệt, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, lan tỏa, chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chú trọng triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng trình Chính phủ Nghị quyết về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa".

Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế, biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN, doanh nghiệp KHCN, dịch vụ KHCN. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KHCN.

 

Nguồn: cổng thông tin điện tử tỉnh ủy thừa thiên Huế

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.940.762
Truy cập hiện tại 6.482