Tìm kiếm tin tức
Tạo khuôn khổ pháp lý cho thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Ngày cập nhật 18/12/2019
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.

Việc ban hành Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử là rất cần thiết để thúc đẩy, kịp thời tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong giám sát việc thực hiện TTHC.

Chiều ngày 13/12/2019, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chủ trì họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Tùy nghi cung cấp, thiếu cơ chế kiểm soát

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính là một giải pháp thúc đẩy chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ hành chính công. Nội dung này đã được đề cập đến trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, trong các văn bản từ Luật đến Nghị định của Chính phủ.

Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Chính phủ giao VPCP chủ trì nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Nghị định thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đồng thời, tại Nghị quyết cũng đã đề ra một số mục tiêu trong việc giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến như: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của từng bộ, ngành, địa phương đạt từ 20% trở lên, tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4, 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện TTHC, 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chưa có một quy định khung về việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Do vậy dẫn đến tình trạng tùy nghi trong cung cấp dịch vụ thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Bên cạnh đó, thiếu một cơ chế kiểm soát trong việc lựa chọn, xây dựng các dịch vụ công để thực hiện TTHC được cung cấp cũng như kiểm soát chất lượng dịch vụ công cũng chưa được các bộ, ngành quản lý nhà nước quan tâm thực hiện. Việc số hóa, lưu trữ hồ sơ tài liệu điện tử vẫn thiếu cơ sở pháp lý. Đến nay vẫn chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu điện tử, các chương trình triển khai số hóa hồ sơ, dữ liệu của các ngành, lĩnh vực mới chỉ để phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị mình, do vậy kết quả thực hiện TTHC vẫn rất hạn chế.

Do đó, ông Ngô Hải Phan cho rằng việc xây dựng, ban hành Nghị định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử là cần thiết.

Dự thảo Nghị định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử gồm 5 Chương với 25 Điều. Nghị định này quy định việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Nghị định này không điều chỉnh đối với việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Dự thảo Nghị định đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng trình tự, thủ tục, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Nghị định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử là rất quan trọng

Góp ý dự thảo Nghị định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều đánh giá việc ban hành Nghị định này là rất cần thiết để thúc đẩy, kịp thời tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong giám sát việc thực hiện TTHC, đáp ứng được chỉ đạo của Đảng và yêu cầu mới của Chính phủ.

Tuy nhiên, đại diện tỉnh Bắc Giang đề nghị dự thảo Nghị định cần bổ sung các nội dung về giải thích từ ngữ, định nghĩa các khái niệm như: “công dân điện tử”, “không gian điện tử”, “kho lưu trữ điện tử”… Còn theo đại diện tỉnh Phú Thọ, trong điều khoản về Kho lưu trữ dữ liệu điện tử tại dự thảo Nghị định, chưa có quy định cơ quan, đơn vị nào có trách nhiệm xây dựng kho này, cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin như nào?...

Đại diện Bộ Nội vụ cũng kiến nghị cần thống nhất cách sử dụng các thuật ngữ như “TTHC trên trên môi trường điện tử”, “TTHC trực tuyến”… hay trong điều khoản về quy trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, mới chỉ có quy định về quy trình tiếp nhận, chưa đề cập đến việc giải quyết và trả kết quả thực hiện…

Đánh giá cao dự thảo Nghị định, đáp ứng được mục đích ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị cần quy định rõ hơn điều khoản về đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ… để việc thực hiện được dễ dàng hơn.

Chuyên gia Pháp cũng đánh giá dự thảo Nghị định đạt chất lượng tốt, tuy nhiên để soạn thảo một nghị định vừa mang tính phổ quát vừa tính đến đặc thù của các bộ, ngành là rất khó; đồng thời cho biết luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với VPCP để Nghị định đạt độ “chín nhất”.

TTHC trên môi trường điện tử có giá trị pháp lý như văn bản giấy

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh trong thời gian qua, chúng ta đã và đang tích cực đổi mới lề lối, tác phong làm việc để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Trong năm qua, chúng ta đã thực hiện gửi - nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Chỉ riêng việc gửi, nhận văn bản điện tử giữ 2 cấp hành chính giúp cắt giảm trên 1.200 tỷ đồng/năm từ việc cắt giảm chi phí sao chụp, bưu chính. Đến nay có tới gần 1 triệu văn bản gửi và nhận trên Trục liên thông. VPCP đã triển khai Hệ thống E-cabinet, phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ và chuyên đề.

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ngày 9/12, Thủ tướng đã chính thức khai trương Cổng dịch vụ Công quốc gia, bước đầu đưa 8 dịch vụ công để thực hiện.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Nghị định thực hiện TTHC trên môi trường điện tử là rất quan trọng để thiết lập hành lang pháp lý thống nhất cho việc tổ chức, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi và cắt giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC. Huy động sự tham gia của các cơ quan trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua việc kiểm soát quy trình lựa chọn, rà soát, xây dựng dịch vụ thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

“Đây sẽ là căn cứ pháp lý cần thiết cho thực hiện TTHC trên môi trường điện tử theo tinh thần cải cách, lấy người dân làm trung tâm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và cho biết việc xây dựng thể chế trong Chính phủ điện tử là rất quan trọng. Trong thời gian vừa qua, VPCP đã tích cực tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành một loạt các văn bản quan trọng phục vụ Chính phủ điện tử.

Qua 17 ý kiến góp ý vào dự thảo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá các ý kiến đều rất xác đáng. Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định cần phải thể hiện rõ nét việc kết quả giải quyết TTHC dạng điện tử của cơ quan có thẩm quyền có giá trị pháp lý như kết quả giải quyết TTHC bằng văn bản giấy; đồng thời, tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, tham khảo chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thành dự thảo trình Thủ tướng ngay trong năm 2019.

“Chúng ta xây dựng Chính phủ điện tử khi còn thiếu nền tảng dữ liệu, vừa làm vừa củng cố cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý nhưng chúng ta vẫn mạnh dạn làm bởi “ra biển mới biết sóng to”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết Nghị định về TTHC trên môi trường điện tử sẽ là Nghị định tiên phong, hiện các bộ, ngành đang tích cực khẩn trương hoàn thành các Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân… qua đó, hoàn thiện hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử./.

nguồn:tcnn.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.048.439
Truy cập hiện tại 186