Tìm kiếm tin tức
Phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP
Ngày cập nhật 30/12/2019
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Sáng ngày 28/12, Sở Khoa học và Công nghệ - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo Khoa học cấp tỉnh: “Phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế”. Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tìm hướng đi phù hợp

Trong những năm qua, việc phát huy tiềm năng các loài dược liệu bản địa trên địa bàn tỉnh tuy đã được cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nhiều loại dược liệu quý hiếm được khảo sát đánh giá và thử nghiệm được triển khai bằng các chương trình dự án khoa học công nghệ, một số sản phẩm dược liệu đã phát huy hiệu quả tiêu biểu như tràm gió, một số loại tinh dầu từ dược liệu đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tham gia.Tuy nhiên, so với tiềm năng vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, vùng nguyên liệu dược liệu còn ít, chưa có những quy mô lớn.

Đặt vấn đề thảo luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai. Việc triển khai mạnh mẽ nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào xây dựng nguồn nguyên liệu và hiện đại hóa y học cổ truyền gắn với chương trình OCOP là yêu cầu tất yếu trong tình hình hiện nay.

Để ngành dược liệu của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới được phát triển tốt, tiến tới việc tự chủ sản xuất các sản phẩm đặc trưng trong khuôn khổ chương trình OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế và trở thành một trung tâm dược liệu khu vực Bắc Trung bộ và của cả nước nhằm tham gia thị trường dược liệu trong nước, vươn ra thị trường khu vực cũng như thế giới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hội thảo cần tập trung đánh giá nhu cầu thị trường của ngành dược liệu của Việt Nam; phân tích thực trạng, nhu cầu phát triển ngành dược liệu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ đó đề ra giải pháp phát triển chuỗi giá trị các sản phảm dược liệu trên địa bàn tỉnh. Bàn luận hướng đến các giải pháp nhằm phát triển vùng nguyên liệu dược liệu phù hợp với từng địa phương và kênh thị trường tiêu thụ; khai thác các loại cây dược liệu tự nhiên đi đôi với bảo vệ và bảo tồn nguồn gen, hướng đến hình thành vùng dược liệu đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hóa dược trên địa bàn tỉnh. Đồng thời trao đổi, thảo luận để đề xuất các chính sách, kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP.

Phát huy thế mạnh của địa phương

Tại Hội thảo, lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia với các sở, ban ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trao đổi, thao luận để đề xuất các chính sách, kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP.

PGS.TS Trần Văn Ơn, Chuyên gia Chương trình OCOP Quốc gia cho biết, với điều kiện tự nhiên phong phú, Thừa Thiên Huế là tỉnh đa dạng sinh học cây thuốc cao. Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1,126 loài cây thuốc, trong đó có nhiều cây dược liệu quý đã và đang được trồng, khai thác như Tràm, Hoắc hương, Hương nhu trắng, Hương nhu tía... Đây là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh tật. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế là tỉnh đa dạng sắc tộc. Ngoài người Kinh, còn có các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều, Pa Hy, Hoa, Mường, Thái và Tổ.... Mỗi dân tộc có tri thức sử dụng dược liệu, nền văn hóa riêng. Đây cũng là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật và các dịch vụ du lịch văn hóa.

PGS.TS Trần Văn Ơn, Chuyên gia Chương trình OCOP Quốc gia khẳng định, với những lợi thế như vậy, nếu gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo một ngành kinh tế “lai” dựa trên nền tảng văn hóa – cảnh quan – thảo dược, có dung lượng lớn, có thể xuất khẩu tại chỗ và đặc biệt là phù hợp với các tiêu chí của chương trình OCOP.

Để biến các tiềm năng thành sản phẩm và dịch vụ OCOP một cách có hệ thống các đơn vị cần tiến hành khảo sát tổng thể tài nguyên dược liệu – văn hóa – cảnh quan của tỉnh, từ đó xác định các tiềm năng, hiện trạng phát triển, các vấn đề tồn tại và nguyên nhân, xác định các giải pháp triển khai phù hợp. Vận động các cộng đồng, doanh nghiệp, HTX tại các địa phương tham gia chương trình OCOP. Đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp gắn với OCOP, như Thanh niên Khởi nghiệp OCOP, Phụ nữ khởi nghiệp OCOP, từ đó tăng tính chủ động, sáng tạo của cộng đồng, PGS.TS Trần Văn Ơn, Chuyên gia Chương trình OCOP Quốc gia cho biết thêm.

 

PGS.TS Trần Văn Ơn, Chuyên gia Chương trình OCOP Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Đề xuất cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc phát huy tiềm năng và lợi thế nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh,  PSG.TS Phạm Thanh Huyền, Viện Dược liệu cho rằng, các đơn vị cần xác định nhóm cây dược liệu có thế mạnh để ưu tiên đầu tư phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao. Chú trọng một số loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển tại địa phương như: Diệp hạ châu đắng, Bảy lá một hoa, Cà gai leo, Đinh lăng, Gừng, Hương nhu, Kim tiền thảo, Náng, Nghệ, Sa nhân tím, Trinh nữ hoàng cung, Sâm báo, Sâm cau, Hoàng Đằng,.. Ngoài ra, một trong những giải pháp quan trọng đó là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để giúp người dân và cộng đồng nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát triển bền vững, ưu tiên sử dụng dược liệu trong nước, dùng các cây thuốc nam để chăm sóc sức khỏe. Tuyên truyền về giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế nhằm thúc đẩy việc nuôi trồng dược liệu góp phần phát triển kinh tế xã hội và chủ động nguồn nguyên liệu.

Kết thúc Hội thảo, những ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, doanh nghiệp đã được Sở Khoa học và Công nghệ tiếp thu, ghi nhận nhằm sớm hoàn chỉnh Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế” trong thời gian tới.

 

 

Nguồn: https://thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.117.302
Truy cập hiện tại 6.220