Tìm kiếm tin tức
Áo dài Huế - Theo dòng lịch sử
Ngày cập nhật 26/09/2021

Áo dài ngũ thân- áo dài Huế xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII, từ nhu cầu về trang phục của người Đàng Trong: vừa gọn gàng, giản tiện vừa kín đáo và phù hợp với lễ nghi truyền thống của người Việt trên vùng đất mới. Đào Duy Từ đã từng khuyên chúa Nguyễn Phúc Nguyên sử dụng áo dài ngũ thân làm trang phục chính thức cho người dân Đàng Trong để tạo nên sự khác biệt với Đàng Ngoài, nhưng điều này chưa được thực hiện.

Năm 1744, sau khi xưng Vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách cải cách, tổ chức lại bộ máy chính quyền, định chế cả Y quan và Lễ nhạc, xây dựng hình ảnh một triều đại độc lập, tự chủ hoàn toàn.

 Không chỉ cải cách triều phục cho đội ngũ quan lại, quý tộc, Chúa còn định chế thường phục, quyết định sử dụng bộ “quần chân áo chít”- tức bộ áo ngũ thân tay chẽn và quần hai ống làm trang phục chung cho dân chúng Đàng Trong. Rất nhanh sau đó, loại trang phục này đã phổ biến trong toàn xứ.

Đến thời Nguyễn, với tư tưởng thống nhất về văn hóa, Hoàng đế Minh Mạng đã quyết định chọn áo ngũ thân làm thường phục của người Việt Nam, không phân biệt đẳng cấp hay vùng miền, và quyết liệt thực hiện công cuộc cải cách để thống nhất trang phục trong toàn quốc vốn đã được đặt nền móng từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Từ đó, chiếc Áo dài ngũ thân- áo dài Huế được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân, kể cả nam và nữ, được áp dụng rộng rãi, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, chiếc Áo dài Huế đã đi qua một chặng đường dài với nhiều thăng trầm lịch sử. Dù ở bất cứ thời kỳ nào, tà Áo dài truyền thống vẫn luôn tôn vinh tính cách đức độ, kín đáo, thùy mị, toát lên được thần thái của người phụ nữ Huế trong cách đi đứng, nói năng, ứng xử, hay làm nên phong thái đĩnh đạc - chính nhân quân tử với “Nhân - Lễ -Nghĩa - Trí - Tín” của giới đàn ông vào mỗi dịp lễ tết, ngày hội truyền thống, hay việc làng, việc họ. Cũng chính vì lẽ đó mà chiếc Áo dài đã trở thành hình ảnh gắn bó với cuộc sống đời thường của người Huế. Hình ảnh Áo dài cũng đã được tôn vinh trong các kỳ lễ hội truyền thống và hiện đại, đặc biệt là các kỳ Festival và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, riêng có của miền núi Ngự, sông Hương./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.001.288
Truy cập hiện tại 3.117