Tìm kiếm tin tức
Không đeo khẩu trang, vi phạm quy định tụ tập đông người trong bị xử lý thế nào?
Ngày cập nhật 02/04/2020

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện cấp bách các biện pháp phòng chống chống dịch COVID-19. Trong đó quy định thực hiện cách ly toàn xã hội từ 0h00 ngày 01/4/2020. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Nghiêm cấm việc tụ tập đông người(Từ 02 người trở lên) ngoài công sở thực hiện bắt buộc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng. Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định những chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.

Theo đó, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;

b) Không thông báo Ủy ban nhân dân và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;

b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch;

b) Thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh;

c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A;

b) Đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch;

b) Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;

c) Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;

d) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng theo khoản 7 điều này. Cụ thể:

a) Buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

b) Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước;

c) Buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 5 và Điểm d Khoản 6 Điều này.

Trường hợp vi phạm lệnh cấm tập trung đông người nơi công cộng mà còn dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệnh đến mức phải công bố tình trạng dịch bệnh, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 240 bộ luật hình sự năm 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người với mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng lên đến 12 năm tù, đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nhà nước, với tổ chức và cá nhân.

Do vậy, nhằm thực hiện khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch bênh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các văn bản cấm tụ tập đông người, đề nghị người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng,. UBND xã đã thành lập các Tổ tuần tra để kiểm tra, phát hiện, trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật Việt Nam hiện hành.

 

Phạm Công Phước
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.110.711
Truy cập hiện tại 3.291