Tìm kiếm tin tức
Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công
Ngày cập nhật 20/07/2020
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

Sáng 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ và đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, địa phương có liên quan.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhân dân đang gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19, như công nhân mất việc làm, người lao động có tiền lương thấp. Và đất nước đạt tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân chính là các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước, đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch. Cho nên, đầu tư công là một trong các cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn.

Thủ tướng đề nghị cuộc họp hôm nay tập trung vào một số nội dung chính. Thứ nhất, tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm chạp, ì ạch, kém cỏi của giải ngân vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA. Thủ tướng nhấn mạnh, lần này sẽ đưa ra chế tài cần thiết, ngoài biện pháp mà Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ là điều chuyển vốn đầu tư công của Nhà nước từ địa phương này qua địa phương khác, từ ngành này qua ngành khác, từ công trình này qua công trình khác, thì có chế tài khác về thi đua khen thưởng, xử lý vấn đề đặt ra, đánh giá cán bộ…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao). Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%.

Về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân khoảng 690 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là hơn 1.827 tỷ đồng, đạt trên 10% kế hoạch được giao.

Về Dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, đã được Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 là 932 tỷ đồng. Hiện nay đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến đến ngày 20/8 tới sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế.

Lắng nghe các ý kiến, ghi nhận cam kết, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, giải ngân VĐTC không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người. Cho nên, giải ngân VĐTC là một cứu cánh đối với đại dịch COVID-19. “Chúng ta phải nhận thức được ý nghĩa này để quyết tâm chính trị, thúc đẩy giải ngân VĐTC tốt hơn nữa”.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị trong cả nước và từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân VĐTC, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI; học tập, trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để làm tốt hơn việc giải ngân VĐTC và đầu tư xã hội. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân VĐTC và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA từ đầu tháng 8 tới.

www.thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.139.669
Truy cập hiện tại 545