Tìm kiếm tin tức
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: cần có giải pháp đột phá để tháo gỡ “những điểm nghẽn” làm cản trở sự phát triển Vùng KTTĐ miền Trung
Ngày cập nhật 20/07/2020
Tại hội nghị

Ngày 18/7, tại TP. Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung và Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển KT-XH và giải quyết các kiến nghị của địa phương. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, lãnh đạo một số bộ, ngành, 12 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên và các hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp lớn. Đoàn Thừa Thiên Huế có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hội nghị nhằm lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống, bảo đảm tăng trưởng cần thiết, giải quyết việc làm. Với tinh thần cởi mở, đi thẳng vào vấn đề, Thủ tướng mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tháo gỡ có giá trị để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, không để tình trạng trì trệ, nhất là chính sách đột phá, táo bạo có thể thực thi ngay.

Tại Hội nghị, các tỉnh, thành phố đưa ra 102 kiến nghị, bao gồm nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách (35 kiến nghị); nhóm kiến nghị liên quan đến công tác quy hoạch (15 kiến nghị), nhóm kiến nghị liên quan đến các chương trình, dự án đầu tư (39 kiến nghị); nhóm kiến nghị về thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động nước ngoài (3 kiến nghị); các kiến nghị khác (10 kiến nghị).

Trước ảnh hưởng mạnh của COVID-19 đến kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch, một số tỉnh ở Tây Nguyên cho rằng, nhờ sản xuất nông nghiệp nên mới giữ được “thế trận”. Với cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng chiếm 33% trong tổng GRDP của vùng, duy trì mức tăng trưởng cao của ngành quý II cao hơn quý I đã bù lại sự suy giảm của các ngành khác và duy trì phát triển chung của vùng Tây Nguyên. Bên cạnh thúc đẩy giải ngân, với vùng Tây Nguyên, các ý kiến cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển du lịch nội địa.

Nêu rõ cam kết giải ngân 100% vốn ngân sách Nhà nước (khoảng 30.000 tỷ đồng) trong năm nay, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, một trong những bộ, ngành có số vốn cần giải ngân lớn nhất, đề nghị các địa phương giúp đỡ khâu giải phóng mặt bằng để hoàn thành mục tiêu này, ví dụ như đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, giúp gỡ vướng mặt bằng đoạn Cam Lộ - La Sơn, Đà Nẵng giúp đoạn Hòa Liên – Túy Loan, hay các địa phương giúp khâu mặt bằng quốc lộ 19 nối Gia Lai – Bình Định (dự kiến khởi công vào tháng 12 năm nay), quốc lộ 24B nối Kon Tum với Quảng Ngãi, quốc lộ 25 nối Gia Lai với Phú Yên…

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên- nơi còn nhiều tiềm năng cần được khơi dậy và phát triển để tổ chức nhiều hội nghị nhằm đề ra định hướng, chiến lược phát triển kinh tế miền Trung - Tây Nguyên. Đồng thời cho rằng, cần có giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy những ngành động lực phát triển một cách thấu đáo để tháo gỡ “những điểm nghẽn” làm cản trở sự phát triển Vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Đến nay tỷ lệ giải ngân mới đạt tỷ lệ 36,1% so với tỷ lệ trung bình quân chung cả nước  là 33,1%. Trong 6 tháng, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm.

Năm 2020, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng, ban hành và triển khai các đề án thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ xây dựng các Đề án trình Chính phủ, Ủy ban TVQH, Quốc hội đang còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ mà nghị quyết Chính phủ đề ra; đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo và các bộ, ngành tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh trong việc thẩm định, đẩy nhanh việc xây dựng các Đề án; quan tâm hỗ trợ bố trí ngân sách Trung ương để đẩy nhanh việc thực hiện Dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế. 

Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh Quy hoạch cục bộ đường ven biển đảm bảo đúng ý nghĩa của đường ven biển, phát huy hiệu quả khai thác đồng thời tạo quỹ đất thực hiện kêu gọi đầu tư các dự án khu vực này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Chính phủ chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các địa phương

www.thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.364.142
Truy cập hiện tại 8.363