Tìm kiếm tin tức
Sáu chiến lược phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045
Ngày cập nhật 25/11/2021
Đại học Huế đặt mục tiêu phát triển thành Đại học Quốc gia

Hội đồng Đại học Huế vừa ban hành Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Đây là văn bản quản lý rất quan trọng, là kim chỉ nam cho các hoạt động của Đại học Huế và các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc, trực thuộc, đảm bảo thực hiện nhất quán mục tiêu, tầm nhìn và sứ mệnh của Đại học Huế.

Theo đó phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 sẽ có 6 chiến lược cụ thể đó là:

Thứ nhất về quản trị đại học trước xu thế tự chủ

Đại học Huế đặt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2026 là hoàn thiện hệ thống quản lý các cấp theo tiêu chuẩn quốc gia, từng bước xây dựng các trường đại học thành viên theo mô hình đại học thông minh, nâng cao hiệu quả quản trị trong toàn hệ thống.

Còn mục tiêu đến 2030, tầm nhìn 2045 là xây dựng Đại học Huế theo mô hình đại học thông minh và đổi mới sáng tạo, quản lý hệ thống các cấp theo tiêu chuẩn quốc tế trong toàn hệ thống.

Thứ hai là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn quốc, xứng tầm là một trung tâm đào tạo quốc gia

Trong giai đoạn 2021 – 2026, Đại học Huế đặt mục tiêu ổn định quy mô với số lượng 4.100 viên chức và lao động, trong đó có 2.300 giảng viên và 600 nghiên cứu viên (71,95%), 1.450 viên chức có trình độ tiến sĩ (50%), 400 viên chức được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư (17,4%); 70% giảng viên, nghiên cứu viên có thể giảng dạy, nghiên cứu, trình bày tại hội thảo, trao đổi học thuật trực tiếp bằng tiếng nước ngoài.

Tỷ lệ học giả có quốc tịch nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Huế trên tổng quy mô giảng viên và nghiên cứu viên chiếm tối thiểu 5%.

Mục tiêu đến 2030, tầm nhìn 2045 là ổn định quy mô với số lượng 4.000 viên chức và lao động, trong đó có 2.400 giảng viên và 600 nghiên cứu viên (75%), 2.100 viên chức có trình độ tiến sĩ (70%), 600 viên chức được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư (25%); 90% giảng viên, nghiên cứu viên có thể giảng dạy, nghiên cứu, trình bày tại hội thảo, trao đổi học thuật trực tiếp bằng tiếng nước ngoài.

Tỷ lệ học giả có quốc tịch nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Huế trên tổng quy mô giảng viên và nghiên cứu viên chiếm tối thiểu 10%.

Thứ ba là xây dựng chương trình đào tạo đại học và sau đại học linh hoạt, thích ứng cao; đồng thời, bảo đảm chất lượng trong đào tạo và hội nhập quốc tế.

Theo đó, Đại học Huế đặt mục tiêu đến năm 2026, có từ 15 - 20 chương trình, dự án hợp tác quốc tế với kinh phí hoạt động từ 40 - 50 tỷ đồng; có 30 chương trình đào tạo, chương trình liên kết đào tạo quốc tế, thu hút từ 150 - 200 sinh viên nước ngoài đến học; có ít nhất 2% giảng viên, chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu, làm việc tại Đại học Huế hằng năm.

Đứng trong Top 300 đại học hàng đầu châu Á và thứ 3 - 4 Việt Nam trong bảng xếp hạng QS - Asia; đứng thứ 3 - 4 Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometrics.

Mục tiêu đến 2030, tầm nhìn 2045 thì Đại học Huế hướng đến một hệ thống đại học định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và xếp hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á vào năm 2030.

Thứ tư là phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn

Đại học Huế đặt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2026 số lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín tăng 20%/năm (Web of Science và Scopus), đạt mức 600 bài năm 2022 và 1.200 bài năm 2026. Công bố khoa học bình quân trên các danh mục này đạt 0,25 bài/giảng viên, nghiên cứu viên năm 2022 và 0,40 bài/giảng viên, nghiên cứu viên năm 2026.

Có 20 - 25 sản phẩm khoa học công nghệ được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, 20-25 công nghệ/sản phẩm được chuyển giao có nguồn thu từ 300 triệu đồng trở lên. Đến năm 2026, Đại học Huế có ít nhất 05 nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia và 50 nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Huế...

Mục tiêu đến 2030, tầm nhìn 2045 đạt số lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín (Web of Science và Scopus) mỗi năm từ 1.300 - 1.500 bài. Công bố khoa học bình quân trên các danh mục này đạt tối thiểu 0,5 bài/giảng viên, nghiên cứu viên vào năm 2030.

Có 35 - 40 sản phẩm khoa học công nghệ được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, 35 - 40 công nghệ/sản phẩm được chuyển giao có nguồn thu từ 300 triệu đồng trở lên. Đến năm 2030, Đại học Huế có ít nhất 08 nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia và ít nhất 05 doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động.

Thứ năm, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia trên tất cả các lĩnh vực

Giai đoạn 2021 – 2026, Đại học Huế đặt mục tiêu hoàn thiện mô hình - cấu trúc Đại học Huế định hướng mô hình Đại học Quốc gia; cơ chế vận hành hiệu quả; đội ngũ viên chức quản lý chuyên nghiệp; đảm bảo hiệu quả các mối quan hệ giữa các bộ phận, tin học hóa quản lý. Đến năm 2026, ít nhất 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ…

Đại học Huế đặt mục tiêu đến năm 2030, 70% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 600 viên chức được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư (25%), 2.400 giảng viên và 600 nghiên cứu viên (75%).

Đến năm 2030, có từ 15 - 20% sinh viên học cùng lúc hai chương trình và trao đổi tín chỉ tại các trường, khoa của Đại học Huế; 20% quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao, chuẩn quốc tế và đào tạo liên kết quốc tế có tỷ lệ cân đối với quy mô đào tạo các chương trình chuẩn.

Đến năm 2030 có 70% các chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng quốc gia và quốc tế.

Thứ sáu là tiến đến tự chủ tài chính, phát triển cơ sở vật chất khang trang, hiện đại

Mục tiêu giai đoạn 2021 – 2026, Đại học Huế thực hiện cơ chế tài chính theo quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia, triển khai tự chủ tài chính cho các đơn vị cụ thể:

Năm 2021: Trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt phân loại tự chủ tài chính cho tất cả các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Huế.

Tháng 6/2022: Thực hiện cơ chế tài chính mức đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên bao gồm: Trường Đại học Y - Dược, Trường Đại học Luật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ; Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin, Trung tâm Phục vụ sinh viên.

Các đơn vị thực hiện tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và hoạt động theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước bao gồm: Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Nghệ thuật, Viện Công nghệ sinh học, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nhà xuất bản Đại học Huế.

Giai đoạn 2027 - 2030: trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chuyển Trường Đại học Y - Dược, Trường Đại học Luật thành đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư; các đơn vị: Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Khoa học, Viện Công nghệ Sinh học là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên.

Đa dạng hóa nguồn thu đảm bảo bình quân hằng năm tăng 10% - 12%; đến năm 2026 tổng nguồn thu đạt 2.000 tỷ đồng với cơ cấu: từ ngân sách Nhà nước 20% - 25%, thu từ hoạt động khoa học công nghệ và khởi nghiệp 7% - 10%, thu hoạt động sự nghiệp và dịch vụ 65% - 73%.

Hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế…

Mục tiêu đến 2030, tầm nhìn 2045, Đại học Huế thực hiện tự chủ tài chính mức đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư đối với các trường đại học, đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc. Riêng các trường đại học: Sư phạm và Nghệ thuật hoạt động theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước mức đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên…

Hoàn thành hạ tầng và đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Khu đô thị đại học tại phường An Tây và phường An Cựu, thành phố Huế theo hướng hiện đại và thông minh; xây dựng cảnh quan môi trường khang trang, sạch, đẹp.

Hoàn thành xây dựng Trường Đại học Y - Dược theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia; xây dựng Trường Đại học Sư phạm trọng điểm quốc gia; xây dựng Viện Công nghệ sinh học thành Trung tâm Công nghệ sinh học cấp quốc gia.

Theo ông Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho biết, tổ chức thực hiện thành công chiến lược phát triển Đại học Huế là nhiệm vụ to lớn của tập thể và cá nhân trong toàn Đại học Huế, góp phần phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị: “Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong Top 300 các trường đại học hàng đầu châu Á”.

Thực hiện thành công chiến lược phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, Đại học Huế sẽ là mô hình đại học thông minh và đổi mới sáng tạo, là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập thế giới.

 
 
 

Tập tin đính kèm

STT Tên tập tin Tải về
1 Chiến lược phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (Nhấn vào "tải về" để xem chi tiết)

 

thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.937.895
Truy cập hiện tại 5.577