Tìm kiếm tin tức
Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam: Áo dài với công sở
Ngày cập nhật 15/11/2021

Từ đầu thế kỷ XVIII, Áo dài ngũ thân đã phổ biến ở Đàng Trong rồi được định chế thành Thường phục (hay Tiện phục) của toàn dân. Sang thời Nguyễn, Hoàng đế Minh Mạng với tư tưởng thống nhất về văn hóa của một quốc gia “VĂN HIẾN THIÊN NIÊN QUỐC” đã quyết liệt đưa loại trang phục này trở thành trang phục chung của người dân Việt từ Bắc chí Nam, thực sự trở thành quốc phục của người Việt.

Áo ngũ thân chủ yếu có hai loại: Áo tay rộng (áo Tấc) thường được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng, và áo tay hẹp (hay áo tay chẽn) được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày, trong khi thực thi công vụ và nhiều loại hình hoạt động khác.

Trong thời quân chủ, chiếc áo ngũ thân tay hẹp cùng khăn vấn đầu (hình chữ Nhân hoặc chữ Nhất) và quần dài màu trắng là loại trang phục được sử dụng rất phổ biến từ hoàng cung đến các bộ, viện, phủ đường, ty, nha, quân doanh… thể hiện sự nghiêm túc, chỉnh chu của người thi hành công vụ. Sự phân biệt về đẳng cấp, thứ bậc chủ yếu thể hiện qua chất liệu, màu sắc của vải may và mức độ cầu kỳ của các hoa văn trang trí trên áo.

Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, một số thành viên Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Nguyễn Văn Tố (Trưởng Ban Thường trực Quốc hội), Ngô Tử Hạ (Chủ tịch Đại Hội đồng Quốc hội, kỳ họp năm 1946) không chỉ mặc áo dài trong những lần gặp gỡ quốc dân, đồng bào mà trong cả ngày những dịp lễ quan trọng, trong các kỳ họp quốc hội hay làm việc thường ngày tại cơ quan của Quốc hội, Chính phủ…

Tại Huế, trước năm 1975, Giáo sư Tiến sỹ Bùi Duy Tâm, Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế, trong khoảng thời gian 1967-1972 đã khởi xướng việc khôi phục trang phục áo ngũ thân- Quốc phục Việt trong các Lễ tốt nghiệp sinh viên ngành Y, tạo nên tiếng vang lớn cùng sự lan tỏa khá mạnh mẽ trong giới trí thức.

Sau một thời gian gần như vắng bóng do hoàn cảnh lịch sử, từ năm 1989 trở đi, cũng chính tại cố đô Huế, chiếc áo dài truyền thống đã quay trở lại, được quy định thành trang phục của nữ giới, bắt đầu từ ngành giáo dục, sau đó lan tỏa mạnh mẽ sang các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh, rồi từ đó trở thành phong trào chung của cả nước. Đến nay, chiếc áo dài đã trở thành một loại trang phục công sở phổ biến của nữ giới ở rất nhiều ngành, nhiều địa phương. Có thể nói, chiếc Áo dài xuất hiện và hồi sinh trở lại không chỉ tôn vinh vẻ đẹp thầm kín, ý nhị của người phụ nữ Việt Nam mà còn thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc văn hóa. Chính vì lẽ đó, rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước tạo điều kiện, quy định cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ mặc áo dài tham gia lao động, giảng dạy, học tập và làm việc tại cơ quan đơn vị. Nổi bật, là các nữ chính khách lãnh đạo của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các phái đoàn ngoại giao của Việt Nam luôn xuất hiện gắn liền với hình ảnh chiếc áo dài trong các sự kiện chính trị quan trọng; từ đó hình ảnh áo dài Việt Nam đã khẳng định vị thế trên toàn thế giới. Tiếp bước thành công của Áo dài nữ, những năm gần đây áo dài nam cũng từng bước hồi sinh. Năm 2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các nguyên thủ các quốc gia đã mặc áo dài trong Hội nghị APEC, tạo nên một hình ảnh rất đẹp và đầy bản sắc. Một số ngài Đại sứ như: Phạm Sanh Châu, Trần Ngọc An, Đinh Toàn Thắng… đã góp phần tích cực quảng bá hình ảnh Áo dài ngũ thân tại chốn công sở thông qua các hoạt động ngoại giao quốc tế như trình quốc thư, tiếp kiến ngoại giao…

Để triển khai và thực hiện thành công Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã tiên phong trong công cuộc phục hưng Áo dài truyền thống thông qua việc đưa Áo dài ngũ thân nam vào chốn công sở tại buổi chào cờ thứ Hai đầu tháng. Từ đó, thu hút sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí và tạo nên sự hưởng ứng, lan tỏa tích cực đến cộng đồng. Một số cơ quan, trường học đã triển khai và phổ biến việc mặc áo ngũ thân, áo dài truyền thống trong dịp lễ hội, lễ tốt nghiệp ra trường của sinh viên tại Thủ đô Hà Nội, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo UBND tỉnh, cùng một số Sở, ngành, đơn vị địa bàn tỉnh đã sử dụng chiếc Áo dài ngũ thân trong các buổi tiếp đại sứ nước ngoài, các sự kiện văn hóa, lễ hội, dịp Tết để góp phần phục hồi, tôn vinh Áo dài truyền thống Huế khẳng định giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc ngày càng được tiếp nối và phát triển.

Hình ảnh Áo dài truyền thống xuất hiện trong công sở ngày càng trở nên quen thuộc không chỉ với nữ giới mà cả ở nam giới, từ đó tạo cơ sở để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương nghiên cứu, bổ sung quy định Áo dài ngũ thân trở thành lễ phục đối với nam giới trong thời gian tới, để sánh cùng chiếc áo dài nữ truyền thống đã trở thành lễ phục của phụ nữ Việt Nam trong các quy định hiện hành./.

 
 
 
 
 
thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.999.138
Truy cập hiện tại 2.151