Tìm kiếm tin tức
ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ
Ngày cập nhật 06/01/2022
Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế tham gia thảo luận trực tuyến

Chiều 04/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham gia thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình nhằm cụ thể hóa các kết luận, nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, mặc dù bội chi nằm trong ngưỡng cho phép của quốc gia nhưng có liên quan đến tiền tệ, miễn giảm thuế. Đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế; miễn giảm tiền thuê đất. Về chi cho đầu tư phát triển, đề nghị rà soát kỹ danh mục đề xuất, bảo đảm hiệu quả thiết thực, phù hợp với quy định, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải ngân vốn đầu tư công.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất, đại biểu đề nghị cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng; chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cơ bản tán thành với dự thảo nghị quyết quy định rõ 5 nhóm đối tượng hỗ trợ rất cụ thể. Đề nghị Chính phủ xác định rõ và bổ sung quan điểm về việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách Nhà nước để chi đầu tư phát triển. Nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 2 năm triển khai Chương trình (2022 - 2023).

Đại biểu Phạm Như Hiệp đề nghị khi xây dựng nghị quyết cần có sự đồng bộ và phối hợp chặt chẽ trong chính sách tài chính và tiền tệ. Cần có một gói hỗ trợ đủ lớn để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, an sinh xã hội. Đồng thời, cần có chính sách trọng tâm, trọng điểm đối với các ngành, lĩnh vực cụ thể. Đối với ngành y tế là ngành “đứng mũi chịu sào” - trực tiếp tham gia trong phòng chống dịch COVID-19, nếu có chiến lược tốt trong điều trị dịch bệnh sẽ góp phần đẩy lùi dịch bệnh, góp phần “thích ứng an toàn”, giúp ổn định để phát triển KT- XH.

Đại biểu Phạm Như Hiệp băn khoăn về chi trả điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện nay ngân sách nhà nước đang hỗ trợ chi trả tất cả. Cần phân rõ mảng nào của ngân sách, mảng nào của bảo hiểm chi trả. Cơ chế hỗ trợ tài chính cho chuyên ngành y tế (các CDC, trung tâm y tế cấp huyện, cấp xã) cũng cần được “phủ sóng” rộng khắp nhằm giúp các đơn vị trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng y tế.

 
 
 
 
 
 
thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.141.690
Truy cập hiện tại 1.468