Tìm kiếm tin tức
BÁO CÁO TỔNG KẾT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP NĂM 2022, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2023
Ngày cập nhật 29/12/2022

Phần thứ I

TỔNG KẾT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP NĂM 2022

 

I. Những thuận lợi và khó khăn trong sản xuất nông nghiệp năm 2022

1. Thuận lợi

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện, sự giúp đỡ hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số ngành chuyên môn cấp huyện; sự lãnh đạo sâu sát và kịp thời của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các HTX sản xuất nông nghiệp và sự cần cù, tích cực, sáng tạo của bà con nông dân.

Hệ thống kênh mương thủy lợi từng bước được đầu tư, góp phần chủ động tưới và tiêu cho phần lớn diện tích cây trồng trên địa bàn. Nông dân tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính sách về thủy lợi phí...

2. Khó khăn

Vụ Đông Xuân 2021-2022:  Trong giai đoạn lúa làm đòng, chuẩn bị trổ do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ chiều 31/3 - 03/4/2022 đã gây mưa lớn trên diện rộng. Diện tích lúa bị thiệt hại là 328,3001 ha (trong đó: 246,4598 ha thiệt hại trên 70%, 81,8403 ha thiệt hại từ 30-70%); diện tích rau màu bị thiệt hại 77,9731 ha. Ước tính thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng.Vụ Hè Thu một số diện tích do không thu hoạch được vụ Đông xuân nên phải bỏ hoang 32 ha ở vùng ruộng Hát ngang, Ô làng của HTX Tam giang, vùng Ô 27 của HTX Thống nhất, đầu vụ Hè thu lúa phát triển khá tốt nhưng đến cuối vụ bị ảnh hưởng nặng của bệnh khô vằn và lem lép hạt nên ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng.

- Ngành chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá đầu ra thiếu ổn định; dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên việc tái đàn, tăng đàn còn chậm, chủ yếu tăng đàn lợn ở các trại chăn nuôi quy mô lớn vùng trang trại; các hoạt động chế biến, mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế.

Thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh và chuột gây hại cây trồng vật nuôi. Điều kiện đất đai ít màu mỡ, dễ bị ngập úng vào mùa mưa, khô hạn vào mùa nắng. Diện tích đồng ruộng chia đều cho các hộ nông dân nên nhỏ lẻ, manh mún, khó hình thành cánh đồng mẫu, sản xuất hàng hóa chuỗi giá trị.

Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ hợp tác xã còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu. Nguồn vốn hoạt động của 02 hợp tác xã chưa mạnh; điều kiện về kinh tế của nông hộ đa phần còn khó khăn. Việc tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân còn hạn chế.

II. Những kết quả đạt được

1. Lĩnh vực trồng trọt

1.1. Kết quả

Tổng diện tích gieo trồng cả năm 711,9 ha, giảm 194,1 ha.

Trong đó:

- Lúa 642,4 ha; năng suất 34 tạ/ha, giảm 23 tạ/ha (do mưa lũ trái mùa).

- Lạc 32,5 ha; năng suất 20 tạ/ha.

- Khoai lang 8 ha; năng suất 20 tạ/ha.

- Sắn 25 ha; năng suất 150 tạ/ha.

- Rau các loại 40 ha.

- Đậu các loại 9 ha; năng suất 8 tạ/ha,

- Thuốc lá 25 ha.

- Ớt 15 ha.

- Ném 12 ha;

Sản lượng cây lương thực có hạt (lúa) 2.229,68.

Một số loại cây trồng có hiệu quả kinh tế được duy trì và phát triển như đậu, lạc, khoai lang, thuốc lá, ớt, ném. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất được nâng lên, đối với cây lúa cơ giới hóa sản xuất đạt 100%.

1.2. Về tình hình thực hiện nhiệm vụ và các biện pháp chủ yếu

a) Về thực hiện khung lịch thời vụ

Đã triển khai thực hiện gieo trồng đảm bảo theo hướng dẫn thời vụ của UBND huyện. Vụ Hè Thu  ngoài một số diện tích sữ dụng lúa tái sinh (Lúa chét)  còn lại cơ bản thu hoạch xong trước ngày 30/8.

b) Giống và cơ cấu giống

* Đối với giống lúa: Cơ cấu giống lúa năm 2022 chủ lực vẫn là các giống TH5, Khang dân, HT1, HN6, KH1(ĐT100), HG12…

- Chất lượng giống: Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt 100%.

c. Công tác chăm bón phòng trừ sâu bệnh

Hai HTX đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nông dân chăm bón cho lúa, màu và cây công nghiệp ngắn ngày đảm bảo kỹ thuật; đôn đốc, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột, nhất là các đợt cao điểm nên đã hạn chế được dịch bệnh gây hại và chuột phá hoại trên cây trồng.

- Trên Lúa

Vụ Đông Xuân năm nay nhờ có các đợt lũ lớn nên đã hạn chế được lúa chét, cỏ dại phát sinh trên đồng ruộng. Đã áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, làm tốt công tác dự tính, dự báo trên đồng ruộng nên tình hình sâu bệnh xảy ra ít phức tạp so với năm trước; đầu vụ bọ trĩ, sâu xanh, ốc bươu vàng xuất hiện gây hại với mật độ thấp; sâu cuốn lá xuất hiện giai đoạn lúa làm đòng ở một số diện tích nhưng các HTX đã tích cực thông báo cho người dân phòng trừ kịp thời nên không có diện tích bị trắng lá.

Vụ Hè Thu, dịch bệnh chủ yếu là sâu cuốn lá nhỏ phát sinh mạnh ở giai đoạn lúa đẻ nhánh và làm đòng; bệnh khô vằn, rầy các loại xuất hiện nhưng gây hại không đáng kể. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối vụ bệnh lem lép hạt gây hại trên giống TH5, Khang Dân với tỷ lệ bệnh từ 10-15%. Nguyên nhân được xác định do khi lúa trổ gặp các đợt mưa dông nên không thụ phấn được, kết hợp với nhện gié, vi khuẩn, thối bẹ lá đòng, giống mẫn cảm với bệnh làm thiệt hại lớn về năng suất.

d. Khâu làm đất, thủy lợi

- Về làm đất

Hiện nay, hầu hết các công đoạn làm đất đều được cơ giới hóa. Hai HTX đã chủ động trong việc thay đổi về khâu cày, đã quan tâm vận động bà con cày lật đất khi gieo sạ, nhờ vậy đã rút ngắn và đảm bảo đúng theo khung lịch thời vụ.

- Về thủy lợi

Hai HTX đã thực hiện tốt việc triển khai tu sửa đê đập, kênh mương bị hư hỏng, nạo vét kênh hói đảm bảo tưới, tiêu cho sản xuất; bên cạnh đó đã nâng cấp các tuyến đê bao kết hợp làm đường giao thông nội đồng, xây dựng các cầu cống, đã tạo thuận lợi cho nhân dân và xe cơ giới đi lại để sản xuất. Ngoài ra đã tiếp tục triển khai tốt chính sách miễn thủy lợi phí cho xã viên.

2. Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp

2.1. Về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng

- Đã tập trung triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng với diện tích 74 ha, chuyển đổi nhiều diện tích lúa giá trị thấp sang gieo cấy một số loại giống mới có triển vọng năng suất cao như HG12, HG22, ĐT100, HG244... với diện tích 273 ha.

- Hai HTX nông nghiệp đã có kế hoạch chỉ đạo khá cụ thể và tiếp tục tạo được chuyển biến tích cực như triển khai khảo nghiệm các giống lúa chất lượng: mô hình sản xuất thử các giống lúa mới: 20 ha giống lúa HG12, HG22 tại Thống Nhất; 20 ha giống lúa HG22, HG244 tại Tam Giang.

- Nhân dân các thôn còn chú trọng việc trồng rau trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao; xen canh, luân canh tăng hệ số sử dụng đất như ở thôn Trằm Ngang, Trung Kiều, Tây Hoàng, Đông Hồ...

2.2. Về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp và cải tạo vườn tạp

Trong năm đã phối hợp với các ngành chuyên môn triển khai sản xuất cánh đồng mẫu giống lúa KH1 với diện tích 10 ha tại HTX Thống Nhất; qua đánh giá bước đầu, đây là giống lúa ngắn ngày, không bị đạo ôn, lem lép hạt; năng suất đạt 70-75 tạ/ha; có thể thay thế dần giống lúa Khang Dân trong thời gian tới.

Đã triển khai sản xuất cánh đồng lớn giống lúa HG22 với diện tích 20 ha tại HTX Tam Giang; qua đánh giá, đây là giống lúa ngắn ngày, chất lượng gạo ngon, năng suất cao, phù hợp với chân đất cát pha, có thể nhân rộng trên địa bàn xã.

Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã triển khai mô hình áp dụng biện pháp tổng hợp xử lý rơm rạ sau thu hoạch 10 ha tại vùng ruộng Rấy đạt đội 1;  Hạ vịnh đội 5 HTX Tam Giang.

Trong năm đã phối hợp với các cơ quan cấp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật 03 lớp cho hơn 250 lượt người tham gia, với các nội dung: kỹ thuật thâm canh lúa, lạc; kỹ thuật trồng rau an toàn, rau hữu cơ; kỹ thuật trồng cây ăn quả; tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Tiếp tục vận động nông dân cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có hiệu quả cao trên cơ sở thích nghi với chất đất của từng vùng cụ thể để nâng cao tính bền vững. Diện tích trồng ném, mướp đắng trái vụ ở thôn Tây Hoàng được củng cố và phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao và khá ổn định.

Đã tiếp nhận từ nguồn vốn tái cơ cấu nông nghiệp hỗ trợ 02 vườn trồng Na thái, mỗi vườn trồng 01 sào ở thôn Tây Hoàng. 

3. Lĩnh vực chăn nuôi - Thú y

3.1. Lĩnh vực Chăn nuôi

- Do dịch bệnh từ nhiều năm trước nên tổng đàn lợn và gia cầm giảm mạnh về số hộ và quy mô đàn vật nuôi; tổng đàn trâu, bò giảm đáng kể so với trước khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

- Trong năm đã thực hiện cho 01 hộ nuôi lợn theo đề án phát triển đàn lợn nuôi hướng hữu cơ, an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị

- Đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Hiệp hội Breatagne - Việt Nam đã hỗ trợ xây lắp 04 công trình khí sinh học cho các hộ dân tại thôn Trằm Ngang và Trang trại

Tổng đàn gia súc gia cầm trên địa bàn duy trì với số lượng trong năm như sau:

- Đàn lợn 1.462 con, trong đó lợn nái 162 con.

- Đàn trâu có 241 con, trong đó trâu sinh sản 127 con.

- Đàn bò có 109 con, trong đó bò sinh sản 56 con.

- Đàn Dê có 20 con.

- Đàn gia cầm 44.993 con (Gà 20.503 con, vịt 24.490 con).

3.2. Lĩnh vực Thú y

Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y và theo dõi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Triển khai kế hoạch tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng cho đàn gia súc. Trong thời gian qua, tình hình chăn nuôi trên địa bàn cơ bản ổn định, không có dịch bệnh xảy ra, hiện nay giá cả lợn hơi đã bình ổn trở lại (50.000-55.000 đồng/kg).

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc và gia cầm được triển khai thực hiện khá tốt, kết quả tiêm phòng các loại vắc xin đúng với kế hoạch phân bổ lượng vắc xin của huyện: Trong năm đã tiêm 390 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 1.050 liều vắc xin tam liên lợn; 350 liều vắc xin LMLM trâu, bò; 300 liều vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò; 200 liều vắc xin dại chó; 36.000 liều vắc xin cúm gia cầm; 66.500 liều vắc xin Niucatsơn, THT gà.

Đã kịp thời tiếp nhận và thực hiện phun hóa chất phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho các địa bàn thôn và cơ sở chăn nuôi. Hiện nay, tiếp tục chỉ đạo tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn và tiêu độc khử trùng trên địa bàn đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh.

4. Lĩnh vực thủy sản

Trong năm đã khôi phục, mở rộng diện tích nuôi ao hồ, mô hình cá-lúa, cá-sen theo chương trình phục hồi sinh kế, sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng trên phá Tam Giang với quy mô 28 lồng cá Leo, tại hai thôn Trung Làng và Lai Hà. Bước đầu nhận thấy, cá nhanh lớn, phù hợp với điều kiện nuôi ở địa phương. Dự kiến năm 2023 sẽ tiếp tục thử nghiệm và nhân rộng từ nguồn hỗ trợ của dự án FMCR và nguồn vốn chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp của xã.

Khai thác thủy sản trên đầm phá được duy trì với sản lượng khai thác đạt 294 tấn, cá ao hồ nước ngọt 09 ha, nuôi cá xen lúa 2,5 ha. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quan tâm. Tuy nhiên tình trạng khai thác huy diệt vẫn thường xuyên xảy ra và chưa có biện pháp để ngăn chặn triệt để.

5. Kinh tế trang trại

Kinh tế trang trại duy trì ổn định, hiệu quả sản xuất ngày càng tăng, thu nhập không ngừng được nâng lên. Đến nay, toàn xã hiện có 29 hộ gia đình được giao đất phát triển trang trại, trong đó có 23 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 17 hộ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển sản xuất. Các hộ chủ yếu tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, thuốc lá, làm nấm và trồng rừng sản xuất, nhiều hộ đã triển khai mô hình trồng nghệ, trồng cỏ nuôi bò, nhân rộng diện tích trồng ném và các loại cây trồng khác. Kinh tế của các hộ đi lên nhờ phát triển mô hình sản xuất trang trại và gia trại. Có 01 hộ doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, 05 hộ thu nhập trên 800 triệu đồng và 04 hộ thu nhập trên 300 triệu đồng.

III. Đánh giá chung

Năm 2022 mặc dù thời tiết, khí hậu có những diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi luôn tiểm ẩn nguy cơ bùng phát. Tuy nhiên được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các ngành, các cấp, công tác điều hành của các hợp tác xã, sự nỗ lực cố gắng của bà con nông dân nên ngành nông nghiệp phát triển ổn định và có một số chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

1. Nguyên nhân đạt dược

Về khách quan: Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mặc dù lũ lụt xẩy ra sớm, nắng nóng kéo dài nhưmg không bị ngập úng và hạn hán nên cây trồng luôn đảm bảo đủ nước, lúa trổ gặp thời tiết thích hợp, bảo đảm cho thu hoạch theo đúng thời vụ.

Về chủ quan: Sự tập trung chỉ đạo của lãnh đạo Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã, sự điều hành sản xuất của 2 HTX và sự tích cực chăm bón của bà con nông dân. Công tác cơ giới hóa nông nghiệp trong khâu làm đất và khâu thu hoạch, vận chuyển đã phát huy tích cực nên rút ngắn được lịch thời vụ.

2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là:

- Tình hình thiên tai, dịch bệnh trên lĩnh vực nông nghiệp diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến sản xuất cũng như kinh tế của người dân. Giá vật tư (phân bón, thức ăn chăn nuôi) tăng cao, chưa tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm, các chuỗi liên kết sản xuất, trong khi giá sản phẩm đầu ra do tư thương tự thu mua và ép giá.

- Công tác chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn chưa được chú trọng, chưa có giải pháp xử lý hiệu quả rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch nên tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng còn xảy ra.

- Công tác chỉ đạo, điều hành của BQT HTX còn hạn chế, thiếu quyết liệt, đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.

- Công tác xử lý, ứng phó, khắc phục tình trạng ngập úng xảy ra trong vụ Đông Xuân cho thấy hai HTX và nhân dân vẫn còn thiếu chủ động, tích cực, vẫn còn tình trạng trông chờ, ỉ lại. Hệ thống thủy lợi tiêu thoát lũ, đê bao vẫn còn yếu và còn quá nhiều bất cập. Nên đã làm cho nhiều diện tích bị ngập sâu trong nước và kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến năng suất các loại cây trồng.

- Việc tái đàn, tăng đàn lợn, gia cầm gặp nhiều khó khăn do giá giống và thức ăn quá cao, trong khi thị trường đầu ra thiếu ổn định; đề án phát triển đàn lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh phức tạp.

 

Phần thứ II

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2023

 

A. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

I. Phương hướng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh việc đổi mới tổ chức sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học; đầu tư thâm canh; phát triển mạnh kinh tế vườn và kinh tế trang trại.

II. Các chỉ tiêu chủ yếu

1. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp 05%.

2. Sản lượng lương thực cây có hạt (lúa) trên 4.000 tấn.

3. Diện tích cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm đạt 180 ha.

4. Diện tích gieo cấy lúa xác nhận 100%; diện tích gieo trồng lạc mới trên 90%.

5. Giá trị sản lượng canh tác 70 triệu đồng/ha/năm.

6. Đàn lợn bình quân trong năm: 3.000 con, trong đó lợn giống 500 con; đàn bò: 200 con; đàn trâu 300 con; đàn gia cầm 75.000 con.

7. Sản lượng khai thác thủy sản 150 tấn.

8. Vận động người dân đầu tư nhân rộng mô hình nuôi cá Leo bằng lồng: 150 lồng, sản lượng 4,5 tấn; nuôi cá ao hồ, diện tích 15 ha, sản lượng 10 tấn.Triển khai mô hình nuôi cá Diếc bằng hồ nuôi ở vùng quy hoạch hồ nuôi HTX Tam giang

9. Sản xuất trang trại đạt giá trị sản lượng hàng hóa trên 10 tỷ đồng/năm.

B. NHIỆM VỤ VÀ CÁC BIỆN PHÁP CHỦ YẾU

I. Lĩnh vực trồng trọt

Tiếp tục ổn định diện tích gieo trồng 711,9 ha. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 4.000 tấn.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, tập trung thâm canh, đưa vào gieo trồng 100% giống lúa xác nhận, đưa vào gieo trồng một số giống có chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của địa phương. Tiếp tục triển khai mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng với quy mô 75 ha ở vùng ô 773 và vùng ruộng Bắc Biên. Duy trì, mở rộng diện tích sản xuất lúa HN6 chất lượng cao gắn với bao tiêu sản phẩm quản bá ra thị trường đối vói HTX Tam giang.

Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế vườn, cải tạo vườn tạp. Khai thác có hiệu quả những mô hình sản xuất mới, phát triển mạnh mô hình trồng và chế Mướp đắng theo định hướng VietGAP; tập trung, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dầu sả, mướp đắng Quảng Thái gắn với liên kết chuổi giá trị sản xuất có lợi thế của địa phương thành sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nhân rộng các mô hình trồng riềng, nấm, ném., trồng sen kết hợp với trồng lúa, nuôi cá ở các ô sâu; mở rộng diện tích trồng ném ....

Sử dụng có hiệu quả hệ thống kênh mương, thủy lợi và hệ thống trạm bơm nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của nhân dân.

1. Cây lúa

Ổn định diện tích lúa khoảng 711,9 ha, chiếm khoảng 81,6% tổng diện tích gieo trồng, năng suất bình quân 60 tạ/ha/vụ, sản lượng trên 4.000 tấn/năm.

a. Thời vụ

          Thực hiện nghiêm túc theo đúng khung lịch của huyện. Vụ Đông xuân bố trí gieo sạ trước Tết Nguyên Đán, thời vụ để lúa trổ từ ngày 10/4 đến 25/4, thu hoạch trước 25/5. Vụ Hè thu gieo cấy càng sớm càng tốt, thu hoạch cơ bản xong trước ngày 30/8.

Mỗi HTX theo điều kiện thực tế của mình để có các biện pháp cụ thể phù hợp về giống, cơ cấu diện tích giữa cấy và gieo thẳng, các biện pháp điều hành về khâu cày, cấy, thủy lợi để thực hiện nghiêm túc khung lịch thời vụ.

Những vùng thường bị ngập úng đầu vụ Đông xuân, không chủ động tiêu úng thì nên gieo mạ để cấy hoặc chuyển sang giống ngắn ngày nhằm hạn chế thiệt hại và giảm chi phí tiêu úng, đảm bảo thời vụ gieo cấy.

b. Giống và cơ cấu giống

- Về chất lượng: Hai HTX rà soát, cân đối lượng giống lúa xác nhận, có năng suất và chất lượng cao hợp đồng sớm với đơn vị cung ứng lượng giống. Phấn đấu cơ bản sử dụng giống lúa xác nhận để gieo cấy 100% diện tích.

- Về cơ cấu giống: Bố trí chủ yếu là các loại giống ngắn ngày gồm TH5,  Khang dân, HT1, HN6, KH1(ĐT100).

c. Làm đất, thủy lợi

- Làm đất: Hai HTX đôn đốc, vận động nhân dân tổ chức cày lật đất để diệt lúa chét, cỏ dại, mầm mống sâu bệnh. Những diện tích không có điều kiện cày lật cần phải phay lức trước khi gieo cấy 7-10 ngày. Chỉ đạo, điều hành tốt khâu làm đất đúng thời gian để đảm bảo thời vụ gieo cấy.

- Thủy lợi: Có biện pháp bảo vệ tốt các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ. Hai HTX chủ động tổ chức tu sửa hệ thống kênh mương, đê đập, các công trình thủy lợi đã hư hỏng, bảo đảm phục vụ sản xuất kịp thời. Có phương án, kế hoạch và tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện khi có úng, hạn, mặn xẩy ra. Tổ chức nạo vét kênh mương, hồ chứa nước đảm bảo đủ nước phục vụ cho sản xuất. Áp dụng phương pháp tưới tiêu hợp lý, khoa học, có biện pháp tiết kiệm nước ở hồ chứa Nam Giảng đảm bảo phục vụ cho vụ Hè thu. Tiếp tục tiếp nhận và chi trả chính sách miến thủy lợi phí kịp thời cho nông dân.

d. Công tác chăm bón và phòng trừ sâu bệnh

* Về chăm bón

Hướng dẫn, chỉ đạo chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, bón cân đối giữa các loại phân. Tăng cường bón vôi để cải tạo đất, sử dụng phân bón vi sinh chuyên dùng. Phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn quy trình và khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ mới về kỹ thuật canh tác, các quy trình thâm canh đã được thực hiện có hiệu quả.

* Về bảo vệ thực vật

- Làm tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh và hướng dẫn nông dân phòng trừ có hiệu quả trên cả lúa và màu. Phải có dự tính, dự báo từ đầu để phòng trừ tốt bằng cả biện pháp canh tác và hóa học, trong đó cần chú ý đến các đối tượng sâu bệnh gây ảnh hưởng lớn đến năng suất để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Tiếp tục phối hợp với các ban ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân phương pháp phát hiện để có biện pháp và tổ chức thực hiện tốt phòng trừ sâu bệnh.

- Tăng cường tuyên truyền nông dân diệt chuột liên tục, thường xuyên, nhất là đầu vụ và trong các đợt lũ.

- Tuyên truyền, vận động nông dân tiêu diệt cây mắt mèo, là đối tượng phát triển mạnh gây hại trước mắt và lâu dài trong sản xuất nông nghiệp.

- Thực hiện nghiêm Pháp lệnh bảo vệ thực vật, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật sử dụng các loại thuốc hóa học, nhất là các loại thuốc diệt cỏ. Tuyên truyền bà con bỏ các chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật vào các bể chứa rác đã được xây dựng.

2. Rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày

- Tiếp tục phối kết hợp với trên tăng cường đầu tư thâm canh và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Tiếp tục phát huy mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, như mô hình trồng ném, trồng thuốc lá, ớt, trồng nghệ. Phát triển mô hình mướp đắng, riềng ở vùng Nam Giảng, trang trại; nhân rộng mô hình trồng nghệ ở vùng trang trại, ở đất vườn.

- Tích cực động viên bà con chuyển đổi diện tích lúa hiệu quả thấp sang trồng lạc. Sử dụng giống lạc mới trên 90% diện tích, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt quy trình sản xuất để nâng cao năng suất lạc trên 20tạ/ha.

3. Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển. cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch lúa và 100 % khâu vận chuyển. Tích cực tìm hiểu, nghiên cứu tiếp thu để cơ giới hóa một số khâu sản xuất các cây trồng khác.

II. Lĩnh vực chăn nuôi, thú y

- Khuyến khích, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại. Việc phát triển chăn nuôi phải gắn với công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

- Phấn đấu đàn vật nuôi đạt số lượng như sau: đàn lợn 3.000 con, trong đó đàn lợn giống khoảng 500 con, đàn trâu 300 con, bò 200 con, gia cầm 75.000 con.

- Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng các loại bệnh đạt 100% kế hoạch. Tăng cường công tác tuyên truyền bà con nhân dân nâng cao ý thức phòng trừ dịch bệnh. Phấn đấu không để dịch bệnh phức tạp phát sinh trên địa bàn.

III. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

Tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo quy hoạch. Duy trì và mở rộng nuôi cá Leo bằng lồng trên phá Tam Giang, với quy mô khoảng 150 lồng. Mở rộng diện tích nuôi ao hồ, mô hình cá xen lúa; chú ý đến việc xử lý môi trường để không ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu chuyển đổi một số diện tích ruộng vùng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và trồng sen.

Đẩy mạnh việc khai thác thủy sản trên vùng đầm phá gắn với tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quản lý tốt việc khai thác nò sáo trên phá Tam Giang theo quy hoạch; phát huy tốt vai trò tự quản của 2 chi hội nghề cá trong việc quản lý, khai thác thủy sản. Phấn đấu khai thác, đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng thủy sản đạt trên 200 tấn.

IV. Kinh tế trang trại

Tập trung phát triển kinh tế trang trại vùng rú cát theo hướng đa dạng hóa sản xuất, trang trại tổng hợp kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng rừng kinh tế. Tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và đưa vào sản xuất các mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Thí điểm mô hình trồng Cây Mắt ca; Sâm Bố Chính gắn với cam kết bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển mô hình trồng cỏ để tăng số lượng đàn bò, trâu khoảng trên 500 con.

Tranh thủ, kêu gọi nguồn lực để từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và lưu thông, nhất là hệ thống đường, điện và nước sạch. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả sản xuất của các hộ. Tạo điều kiện và đề nghị với cấp trên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sản xuất có hiệu quả. Phấn đấu có 10 trang trại có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm.

V. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp

1. Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên tất cả diện tích có điều kiện, trước hết là mở rộng diện tích các loại cây trồng, các mô hình canh tác có hiệu quả. Tổ chức tốt việc sản xuất, triển khai thực hiện mô hình trồng và chế Mướp đắng theo định hướng VietGAP hình thành sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; tập trung, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dầu sả, mướp đắng Quảng Thái gắn với liên kết chuổi giá trị sản xuất, chế biến và đầu ra cho các sản phẩm trên thị trường, nhân rộng các mô hình trồng riềng, nấm, ném… Hình thành vùng trang trại tập trung trên vùng đất thục, sản xuất theo hướng tổng hợp vừa trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp nuôi trồng thủy sản.

2. Về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất

- Triển khai mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng 75 ha. Tập trung chỉ đạo làm tốt khâu giống, thủy lợi và tăng cường thâm canh, phấn đấu tăng năng suất lúa bình quân đạt trên 60 tạ/ha/vụ. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là sử dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để phục vụ lại cho sản xuất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Phối hợp với các ban ngành tổ chức các đợt tham quan học tập những mô hình hay, các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sơ đó, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt chương trình 3 giảm, 3 tăng. Hướng dẫn nông dân sử dụng nấm Tichodesma để xử lý gốc rạ sau thu hoạch, ủ rơm rạ hoai mục cung cấp phân hữu cơ trong sản xuất. Hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào chăn nuôi như: nuôi lợn hướng hữu cơ, an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị, nuôi gà an toàn sinh học sử dụng chế phẩm EM, .v.v…

V. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp

1. Củng cố, nâng cao năng lực điều hành sản xuất, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ của HTX,  nâng cao năng lực bộ máy quản lý HTX. Làm tốt công tác quản lý kinh tế trong nội bộ từng HTX. Quan tâm công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ. Chỉ đạo tổ chức tốt Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của HTX.

2. Triển khai thực hiện Đề án phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; chương trình trọng điểm về đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; tổ chức thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

3. Tham gia thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là các nội dung xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, thực hiện có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp đã đề ra.

C. CÁC NHIỆM VỤ TRƯỚC MẮT

Nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp năm 2023 là rất lớn, yêu cầu phải có bước đột phá, tạo ra nhiều mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao. UBND xã yêu cầu các ban ngành và 2 HTX  nông nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch thật cụ thể, có giải pháp tích cực và khả thi để triển khai thực hiện tốt. Phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Để triển khai sản xuất và chuẩn bị tốt cho vụ Đông xuân sắp tới, trước mắt cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức sản xuất, chăm bón các loại rau màu vụ Đông phục vụ cho Tết Nguyên đán Quý Mão-2023.

2. Phấn đấu cơ bản sử dụng giống lúa xác nhận để gieo cấy chiếm 100% diện tích, sử dụng lạc mới đạt trên 90%.

3. Vận động nhân dân tổ chức triển khai cày lật đất để diệt lúa chét, cỏ dại, mầm móng sâu bệnh. Trường hợp không cày lật được thì phải phay lức từ 7-10 ngày trước lúc gieo cấy.

4. Chủ động triển khai tu sửa hệ thống kênh mương nội đồng, các công trình thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu phục vụ tốt cho sản xuất.

5. Tăng cường công tác diệt chuột, ốc bươu vàng, cây mắt mèo. Hai HTX phải có kế hoạch phát động và trích một phần quỹ khuyến nông để hỗ trợ, khuyến khích nông dân trong công tác diệt các loại gây hại trong sản xuất.

6. Yêu cầu hai hợp tác xã bám sát vào Hướng dẫn cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo trồng vụ Đông Xuân 2022 - 2023 của UBND huyện để chỉ đạo, triển khai thực hiện.

7. Nhân viên Thý y triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Động viên bà con nhân dân tiến hành thả nuôi mới, khôi phục lại tổng đàn lợn phục vụ nhu cầu trong dịp Tết.

Trên đây là tình hình và kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 và một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt; UBND xã yêu cầu các ban ngành liên quan, các HTX nông nghiệp, ban điều hành thôn, đội sản xuất tổ chức thực hiện./.

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.267.930
Truy cập hiện tại 5.413