Tìm kiếm tin tức
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP trên địa bàn
Ngày cập nhật 27/04/2023
Lãnh đạo tỉnh dự khai trương cửa hàng Cố đô giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
(CTTĐT) - Thời gian qua, chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn đã giúp tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản xuất theo quy trình có kiểm soát chất lượng, minh bạch. Sản phẩm OCOP đã góp phần khai thác được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, có tính cộng đồng cao như sản phẩm truyền thống, làng nghề, đồng thời tạo ra được nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Việc thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh phân phối rộng rãi trên thị trường đã tạo động lực giúp các chủ thể tích cực đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

 

 

Lãnh đạo tỉnh dự khai trương cửa hàng Cố đô giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Lãnh đạo tỉnh dự khai trương cửa hàng Cố đô giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
 

Đa dạng thị trường cho sản phẩm

Cửa hàng Cố đố là điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở TP Huế vừa được khai trương vào đầu tháng 4/2023, tại địa chỉ số 19 Nguyễn Trường Tộ. Đây là mô hình nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản và xây dựng, hình thành chuỗi cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại cửa hàng, ngoài việc bày bán 11 sản phẩm OCOP như Hương sạch Tân Nguyên, Vang Bạch Mã, Đông trùng hạ thảo Narasa, Sâm Bố Chính Hoàng Gia, Yến sào Anna, Hữu cơ Huế Việt, Yes Huế, Tinh dầu thư giãn NEO, Cỏ bàng Maries… thì còn bày bán sản phẩm nông sản, đặc sản và hàng thủ công mỹ nghệ của các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Mai Quốc Bảo - chủ cửa hàng cho biết, điểm giới thiệu này vừa là nhịp cầu kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, vừa tạo tính liên kết giữa các địa phương, giúp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đây cũng là điểm để tham quan, mua sắm các sản phẩm OCOP, đặc sản, thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao, giá đúng với nhà sản xuất.

"Sau điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại cửa hàng, thời gian tới, chúng tôi mong muốn có nhiều hơn nữa các sản phẩm OCOP và đặc sản, nông sản, thủ công mỹ nghệ đến trưng bày tại cửa hàng để lan tỏa mô hình này góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đến du khách và người dân trong cả nước", ông Mai Quốc Bảo cho biết thêm.

 


Trung tâm trưng bày và bán sản phẩm OCOP huyện Phú Vang vừa mới ra mắt

 

Hiện trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh) đã thiết lập không gian trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, trong đó chú trọng đến các sản phẩm OCOP đã được công nhận 3 sao trở lên. Siêu thị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cũng đã mở cửa hàng thứ hai trên địa bàn tỉnh, tập trung bán các sản phẩm OCOP của tỉnh và các sản phẩm hữu cơ của Quế Lâm. Một số doanh nghiệp tại huyện Phong Điền như Công ty TNHH Công Thành sản xuất và chế biến tinh dầu tại xã Phong Sơn, Công ty TNHH 1 Thành viên sản xuất thương mại dịch vụ HichaGol sản xuất Trà, Mứt, nước cốt hoa Hibiscus (Atiso đỏ) đã bố trí phòng trưng bày giới thiệu các sản phẩm của Công ty và đặc sản của địa phương thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm.

Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

Thời gian qua, Sở Công Thương đã vận động, khuyến khích các siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố Huế đẩy mạnh thu mua và bán sản phẩm OCOP, nông sản của địa phương. Công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh được Sở Công Thương triển khai tích cực và có hiệu quả.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 56 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP, trong đó 17 sản phẩm đạt 4 sao (30,3%), 35 sản phẩm đạt 3 sao (62,6%), 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Các sản phẩm OCOP được chứng nhận là các sản phẩm đặc sản, lợi thế từ cộng đồng làng xã địa phương; có chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Do đó, cơ bản có sự khác biệt so với các sản phẩm công nghiệp, hàng hóa thông thường, đáp ứng một phần thị trường hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại.

Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và quảng bá các sản phẩm OCOP; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thông qua các sự kiện như hội chợ, hội nghị, chương trình kết nối giao thương trong và ngoài nước, từ đó thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng được mở rộng và đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Để phát triển và nâng tầm các sản phẩm OCOP của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ của địa phương; các quy định, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Trong thời gian tới sẽ chỉ đạo hoàn thành hai trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm khởi nghiệp do Sở Công Thương và Viện nghiên cứu phát triển tỉnh chủ trì. Bên cạnh đó sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục chủ động mở rộng, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của địa phương, xúc tiến, quảng bá và bán các nông sản của tỉnh.

 
 
 
 
 
 

 

thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.378.624
Truy cập hiện tại 2.486