Tìm kiếm tin tức
KẾ HOẠCH Phát triển giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023
Ngày cập nhật 15/02/2023

Thực hiện Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 31/01/2023 của UBND huyện Quảng Điền về việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm  2023, UBND xã  ban hành Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023 trên địa bàn xã, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG

          1. Mục đích, yêu cầu

- Năm 2023, tiếp tục hoàn thiện các điều kiện đảm bảo hoạt động Trung tâm học tập cộng đồng xã.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động trên đia bàn xã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

          - Phát triển đào tạo nghề đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng; mở rộng quy mô đào tạo phù hợp cơ cấu ngành nghề, nâng cao hiệu quả sau đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, đặc biệt là đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Đối tượng

- Người trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó, quan tâm đào tạo lao động theo nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng: người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, người lao động nữ, ngư dân, lao động trong các hợp tác xã; người thi hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy và lao động nông thôn trên địa bàn xã.

      II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

          1. Nhóm giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề

          - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp, tư vấn học nghề, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên và lao động nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức: bản tin, phóng sự, băng rôn, tờ rơi,... đến tận học sinh, sinh viên và người lao động. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

          - Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tuyển sinh người lao động trong độ tuổi tham gia học nghề ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng; tập trung đào tạo các ngành, nghề phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

        - Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để định hướng học nghề và thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, kết hợp định hướng nghề nghiệp đối với người lao động; khẳng định đào tạo, bồi dưỡng để có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động là cơ hội để có việc làm, nâng cao thu nhập.

        - Huy động sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động.

          2. Nhóm giải pháp tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp và giải quyết việc làm sau đào tạo

- Tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo đúng quy mô tuyển sinh của các ngành, nghề đào tạo được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề và trình độ ngoại ngữ thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

- Tiếp tục chỉ đạo thống kê số lao động chưa có nghề nghiệp, việc làm ổn định, nhàn rỗi, vận động tham gia học nghề và lập kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn tại địa phương, kết hợp với công tác phối hợp tuyên truyền, thông tin về các thị trường tiếp nhận lao động. Khuyến khích đầu tư và phát triển các ngành nghề truyền thống, nâng cao vai trò của các nghệ nhân tham gia đào tạo những nghề truyền thống ở địa phương có khả năng tạo việc làm cho người lao động.

          - Đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, tập trung chuyển dịch cơ cấu từ nông, lâm, ngư nghiệp sang nhóm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

          - Căn cứ nhu cầu đào tạo nghề cho lao động để tổ chức xây dựng, bổ sung các chương trình đào tạo đảm bảo phù hợp với yêu cầu của người lao động nông thôn; thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường lao động để có cơ sở bố trí cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp, tăng cường hoạt động liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ, nhu cầu sử dụng lao động, đảm bảo việc làm cho người lao động sau học nghề.

          3. Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề

- Tổ chức đánh giá công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng; đánh giá chất lượng nhà giáo giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

- Đa dạng hóa nguồn lực đào tạo, ngành nghề đào tạo, đối tượng đào tạo, chú trọng công tác liên kết đào tạo; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động gắn kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau đào tạo có việc làm; gắn công tác đào tạo với giải quyết việc làm phù hợp với định hướng phát triển các lĩnh vực, ngành kinh tế của xã.

- Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết việc đào tạo với sử dụng lao động, đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các ứng dụng trực tuyến; đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng bài giảng, tài liệu điện tử để đào tạo trực tuyến nhằm thích ứng với tình hình thay đổi do dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

          4. Nhóm giải pháp về chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực, tăng cường liên kết, hợp tác trong công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề

          - Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề để đáp ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề có trọng tâm, trọng điểm kết hợp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp, nhà trường để đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong bối cảnh mới.

          - Xây dựng kế hoạch, đề xuất nguồn vốn sự nghiệp hàng năm; kế hoạch giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 để phát triển giáo dục nghề nghiệp và phát triển các nội dung về đào tạo nghề, tổ chức đào tạo nghề cho các ngành, lĩnh vực; đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

          - Phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tranh thủ tiếp cận, cập nhật phương pháp đào tạo, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo. Chỉ đạo Trung tâm HTCĐ xã tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển và nhu cầu thị trường; gắn giáo dục nghề nghiệp với đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, thu nhập cho người lao động.

5. Giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cấp xã; nâng cao năng lực cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

- Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ định kỳ, hàng năm cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cấp cấp xã. Qua đó, nâng cao năng lực quản lý, thực hiện đào tạo đáp ứng yêu cầu của công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề nhằm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.Công chức Văn hóa -Xã hội (phụ trách lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội xã)

          - Căn cứ vào Kế hoạch này để tham mưu kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với địa phương, đơn vị mình.

          - Chịu trách nhiệm theo dõi, tham mưu cho UBND các xã trong việc quản lý và thực hiện công tác phát triền giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề. Định kỳ 03 tháng/lần tổng hợp báo cáo với ngành cấp trên.

          - Thống kê số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề trên địa bàn; tuyên truyền, tư vấn cho lao động nông thôn lựa chọn nghề học phù hợp; đề xuất danh mục nghề đào tạo, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình UBND huyện phê duyệt.

          - Lập danh sách theo dõi, thống kê số người đã học nghề, số người có việc làm theo từng hình thức, số hộ thoát nghèo, số hộ trở thành hộ khá, số người chuyển sang làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ sau khi học nghề trên địa bàn.

          - Tổ chức tuyên truyền, vận động người lao động chưa có nghề nghiệp ổn định tham gia học nghề góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

          - Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể,các đơn vị dạy nghề, tuyển sinh tổ chức mở các lớp đào tạo nghề phù hợp yêu cầu thực tế của địa phương nhằm tạo việc làm mới cũng như chú trọng đào tạo những ngành nghề phù hợp với thị trường lao động trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho người lao động nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần vào Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của địa phương.

  2. Kế toán Ngân sách xã

  - Thanh toán các khoản hỗ trợ theo quy định của Nhà nước; hướng dẫn, giám sát việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.

3. Công chức ĐC–XD-NN-MT xã phụ trách, theo dõi công tác nông nghiệp

- Xác định danh mục nghề đào tạo, nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động nông thôn trên địa bàn góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.

- Chủ trì xác định danh mục, số lượng nghề cần đào tạo, phối hợp với các cơ quan liên quan, lập danh sách nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động nông thôn trên địa bàn xã; kết quả gửi về UBND xã (qua  bộ phận LĐTB&XH xã để tổng hợp).

4.Công chức Văn hóa- Xã hội, Đài truyền thanh xã

-Tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề; cung cấp thông tin về nghề đào tạo, các mô hình dạy nghề gắn với việc làm có hiệu quả để lao động nông thôn biết và lựa chọn đăng ký tham gia học nghề nhằm nâng cao trình độ tay nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

5. Trường THCS Lê Xuân

- Nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp để học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề và chủ động lựa chọn các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.

6. Trung tâm HTCĐ xã

- Chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức triển khai các lớp đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn xã.

          7. Đề nghị UBMTTQ Việt Nam xã  và các đoàn thể

          - Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để triển khai kế hoạch cho đoàn viên, hội viên của mình; chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên trong độ tuổi lao động tích cực tham gia học nghề phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân; đồng thời, phối hợp tư vấn, giám sát tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề trên địa bàn.

        IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Từ nguồn ngân sách huyện được bố trí trong dự toán chi năm 2023 ngân sách của các đơn vị theo quy định hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.

2. Từ nguồn ngân sách phân bổ của trung ương, của tỉnh và địa phương thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và Chương trình giảm nghèo bền vững.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Công chức Văn hóa- Xã hội xã (phụ trách lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội xã) chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện của các đơn vị về các nội dung của Kế hoạch; báo cáo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội  kết quả thực hiện Kế hoạch.

 

          Trên đây là Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023, Ủy ban nhân dân xã yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nghiêm túc./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.264.839
Truy cập hiện tại 4.346