Tìm kiếm tin tức
KẾ HOẠCH Hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông, giáo dục về dân số năm 2023
Ngày cập nhật 27/03/2023

Căn cứ Kế hoạch số 214/KH-TTYT ngày 13/3/2023 của Trung tâm y tế huyện Quảng Điền về việc hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông, giáo dục về dân số năm 2023; Ủy ban nhân dân xã xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông, giáo dục về dân số năm 2023 như sau:

I. CĂN CỨ THỰC HIỆN

Căn cứ kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 06/01/2021 của UBND xã về Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 của xã Quảng Thái;

Căn cứ kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 06/01/2021 của UBND xã về Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của xã Quảng Thái thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 15/03/2021 của UBND xã về triển khai Đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021- 2025; 

Căn cứ kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 05/4/2021 của UBND xã về triển khai Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản đến năm 2030;

Căn cứ kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 05/4/2021 của UBND xã về việc thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của xã Quảng Thái đến năm 2030;

Căn cứ kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 05/4/2021 của UBND xã về triển khai thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số của xã Quảng Thái đến năm 2030;

Căn cứ kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 10/6/2021của UBND xã về thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 của xã Quảng Thái;

Căn cứ kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 10/6/2021 của UBND xã về kế hoạch hành động thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ của xã Quảng Thái đến năm 2030;

Căn cứ kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 10/6/2021 của UBND xã về tổ chức các;

Căn cứ kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 12/11/2021 của UBND xã về thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số trên địa bàn xã Quảng Thái đến năm 2030;

Căn cứ kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 17/01/2022 của UBND xã về Triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu, xây dựng Mô hình tổ chức bộ máy , mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và phát triển trên địa bàn xã Quảng Thái;

II. MỤC TIÊU

Tuyên truyền tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược dân số đến năm 2030: Tiếp tục giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số trong mối quan hệ với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh góp phần phát triển quê hương, đất nước nhanh và bền vững.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, huy động cộng đồng và truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển trong tình hình mới nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.

III. ĐỐI TƯỢNG

1. Đối tượng tuyên truyền vận động gồm: Lãnh đạo Đảng, chính quyền, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý các cấp, đặc biệt ban chỉ đạo công tác dân số các cấp.

2. Đối tượng truyền thông chuyển đổi hành vi gồm: Phụ nữ, nam giới và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; phụ nữ mang thai, bà mẹ mới sinh; vị  thành niên và thanh niên; những nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn; người cao tuổi; người cung cấp dịch vụ y tế; phụ nữ và nam giới thuộc nhóm dân di cư, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp, dân tộc thiểu số, người khuyết tật...

3. Đối tượng huy động cộng đồng gồm: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ, gia đình (trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo).

IV. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG

Các hoạt động truyền thông năm 2023 tập trung vào tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên-thanh niên và giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

1. Kết quả thực hiện triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, nhiều chương trình, kế hoạch, đề án đã được xã ban hành. Những chương trình, kế hoạch, đề án được xây dựng chính là những nội dung quan trọng của công tác dân số trong thời kỳ mới, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào kết quả thực hiện triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án nêu trên để đưa Nghị quyết 21-NQ/TW vào cuộc sống và các cách thức mỗi địa phương cụ thể hóa các mục tiêu và chỉ tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW.

2. Quy mô dân số

Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, thông điệp tuyên truyền về giảm sinh và giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên nhằm đạt mức sinh thay thế trên toàn tỉnh trong thời gian đến; Truyền thông về lợi ích của KHHGĐ, các biện pháp tránh thai, quy mô gia đình nhỏ và lợi ích của việc sinh ít con. Tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con, không sinh con lần đầu muộn sau 30 tuổi. Khẩu hiệu “Dừng ở hai để nuôi dạy cho tốt”.

Tuyên truyền về sự cần thiết cung ứng đầy đủ các phương tiện tránh thai, đảm bảo an ninh hàng hóa các phương tiện tránh thai; không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, ảnh hưởng đến công tác KHHGĐ. Tiếp tục tuyên truyền về sự thuận tiện của việc mua và sử dụng các phương tiện tránh thai thông qua tiếp thị xã hội, xã hội hoá cung cấp PTTT, hàng hoá và dịch vụ KHHGĐ/SKSS,...  

Tập trung công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền, vận động có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng. Thực hiện tốt việc triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Chú trọng những vùng có mức sinh cao so với mặt bằng chung của toàn xã. Tập trung rà soát danh sách các đối tượng 02 con trở lên và đối tượng có con một bề gái.

3. Cơ cấu dân số

3.1. Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Truyền thông về thực trạng tỷ số giới tính khi sinh tại địa phương, nguyên nhân, hệ lụy và giải pháp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình, nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội hiện nay.

Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; đề cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Chú trọng truyền thông tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và ủng hộ người phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tuyên truyền nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ y tế, chấm dứt tình trạng lạm dụng khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Tuyên truyền để cán bộ y tế, các cơ sở cung cấp dịch vụ cả trong và ngoài công lập, tích cực tham gia trong việc thực hiện “3 không”: Không tuyên truyền - Không cổ xúy - Không cung cấp các dịch vụ tư vấn, lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi.

3.2. Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, lồng ghép biến dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Cần tập trung tuyên truyền về các giải pháp phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng: Tiếp tục giảm sinh phấn đấu duy trì và đạt mức sinh hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu dân số vàng, làm chậm quá trình già hóa dân số; tăng cơ hội việc làm, nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động...

Tuyên truyền và cung cấp thông tin, số liệu, nội dung, phương pháp, quy trình lồng ghép các biến số về dân số trong phát triển tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội để nâng cao nhận thức, hiểu biết về lợi ích và hiệu quả của lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3.3. Thích ứng với già hóa dân số và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục để mọi người dân nhận thức được già hóa dân số vừa là kết quả của phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua vừa là thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tuyên truyền về các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi (NCT); khuyến khích NCT tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với NCT nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT. Tuyền truyền về các vấn đề như NCT cần được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Tuyên truyền vận động, tạo phong trào cho người dân nói chung và NCT nói riêng về việc thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao kỹ năng tự chăm sóc và dự phòng rủi ro bệnh tật của người cao tuổi.

4. Phân bố dân số hợp lý

Tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu được quyền và nghĩa vụ của người di cư, phát huy các yếu tố tích cực của quá trình di cư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nơi đi và nơi đến, góp phần chăm sóc và nâng cao chất lượng dân số vùng nhập cư.

5. Nâng cao chất lượng dân số

Tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.

Tuyên truyền, vận động thanh niên về lợi ích của việc tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn, khuyến khích thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn nên tham gia tư vấn và khám sức khoẻ trước khi kết hôn, trước hết là các đối tượng có nguy cơ cao. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về hậu quả, cũng như những tác hại, hệ lụy, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả và tầm quan trọng của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, qua đó vận động người dân tự nguyện tham gia.

Cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn; tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc thai tốt để sinh con khỏe mạnh và đẩy mạnh tuyên truyền để đảm bảo vị thành niên, thanh niên (VTV/TN), công nhân các khu công nghiệp tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả và tầm quan trọng của tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh..., qua đó vận động người dân tự nguyện tham gia thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

6. Đổi mới công tác truyền thông, vận động về dân số

Đổi mới nội dung, phương thức truyền thông, vận động về dân số và phát triển. Duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả và xây dựng các mô hình truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với tình hình mới.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, NCT và các nhóm dân số đặc thù. Ưu tiên truyền thông tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng mức sinh thấp, vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Lựa chọn nội dung và hình thức truyền thông về dân số và phát triển phù.

Nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác truyền thông về các nội dung dân số và phát triển. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các cộng tác viên dân số.

Mở rộng toàn diện nội dung truyền thông, giáo dục cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Đa dạng các loại hình giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới, bình đẳng giới cho học sinh, nhất là giáo dục phổ thông, bảo đảm hình thành kiến thức và kỹ năng đúng đắn có hệ thống cho thế hệ trẻ.

Vận động và phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền; lồng ghép nội dung dân số và phát triển vào các sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước của cộng đồng, tiêu chuẩn thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa.

Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương; phát huy thế mạnh của các kênh truyền thông truyền thống thông qya mạng lưới cộng tác viên dân số.

Huy động các nguồn lực, xã hội hóa công tác truyền thông, vận động và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng về dân số và phát triển; chủ động cung cấp thông tin cho các cấp lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; lồng ghép nội dung dân số và phát triển vào hương ước, quy ước, các sinh hoạt thường xuyên ở cộng đồng.

V. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành

Xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông, giáo dục về dân số năm 2023của xã.

Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ký kết chương trình hoạt động. Xây dựng và ban hành hướng dẫn chi tiết cho các sự kiện của ngành Dân số năm 2023 và cung cấp tài liệu sản phẩm truyền thông cho các địa phương phục vụ hoạt động truyền thông nhân các sự kiện.

2. Công tác truyền thông giáo dục

2.1 Hoạt động truyền thông thường xuyên, tiếp tục tuyên truyền về Nghị quyết số 21/NQ-TW

Tăng cường các hoạt động truyền thông thường xuyên ở cấp xã, thôn với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng của chương trình. Ưu tiên các hoạt động truyền thông tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đông dân có mức sinh cao, vùng ven biển, đầm phá, vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao,… nhằm tạo môi trường pháp lý-xã hội và điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về DS-KHHGĐ. Chú trọng tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW và các Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình, Đề án và Kế hoạch đến năm 2030 của Tỉnh, Huyện, xã.

2.2 Truyền thông nhân các sự kiện về dân số

a) Các hoạt động kỷ niệm sự kiện quy mô dân số Việt Nam đạt 100 triệu người

Chủ đề: (Ngày chính thức Việt Nam đạt 100 triệu dân, chủ đề của sự kiện và các thông điệp tuyên truyền sẽ được Trung tâm Y tế hướng dẫn chi tiết sau khi có văn bản của Chi cục Dân số-KHHGĐ).

Theo dự báo, quy mô dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào khoảng cuối tháng 4 năm 2023. Đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đất nước, đối với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam và đánh dấu mốc quan trọng trong bản đồ nhân khẩu học thế giới. Việt Nam sẽ trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới và một trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô dân số trên 100 triệu  người.

b) Truyền thông Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5:

Chủ đề:Chung tay đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khoẻ cộng đồng, vì tương lai giống nòi”.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong đó chú trọng đến Quyết định số 1807/QĐ-BYT ngày 21/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh”

Đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân của gia đình, cộng đồng về việc tham gia tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin về tình hình bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể, bệnh bẩm sinh, về nguyên nhân gây bệnh và các giải pháp chủ yếu trong điều trị và phòng chống thông qua: các hoạt động cung cấp tài liệu, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; truyền thông tại các trường từ THCS đến THPT; tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

c) Truyền thông kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7 và các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm 2023

Chủ đề:(Trung tâm Y tế huyện sẽ có hướng dẫn chi tiết khi nhận được công văn hướng dẫn của Chi cục Dân số-KHHGĐ).

Năm 2023 tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp các ban ngành, đoàn thể và địa phương... đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được nêu trong Chiến lược, Chương trình, Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch đến năm 2030 đã được Tỉnh và Huyện và xã phê duyệt.

d)Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới 26/9

Chủ đề:Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn”.

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới như mít tinh, các buổi hội nghị, hội thảo, tập huấn, giao lưu, tọa đàm; lồng ghép các nội dung về CSSKSS/KHHGĐ; tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao sự nhận thức, quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong việc chủ động phòng tránh mang thai ngoài ý muốn.

e) Truyền thông hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam (Tháng 10) và Ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10

Chủ đề: “Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khoẻ, sống có ích”.

Tuyên truyền phổ biến Luật Người cao tuổi và các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi.

Truyền thông về Ngày quốc tế Người cao tuổi; thực trạng và những hệ lụy từ già hóa dân số trên thế giới và già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh tại Việt Nam, những dự báo về già hóa dân số trong thời gian tới tại Việt Nam và những giải pháp để chủ động thích ứng với già hóa dân số.

Truyền thông nhân rộng các mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Những giải pháp, chính sách thích ứng với già hóa dân số.

g)Truyền thông về giảm thiểu về tình trạng Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10)

Chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Tuyên truyền phổ biến những văn bản quy định pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc kiểm soát MCBGTKS, về thực hiện bình đẳng giới góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.

Truyền thông về ý nghĩa của Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10); thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của vấn đề MCBGTKS trên thế giới và tại Việt Nam. Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Kết quả thực hiện bình đẳng giới trên thế giới và tại Việt Nam gắn với nội dung quyền trẻ em, bình đẳng giới. Các hoạt động tiêu biểu về thực hiện bình đẳng giới.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án Kiểm soát MCBGTKS từ trung ương đến địa phương.

f) Truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số (Tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam (26/12)

Chủ đề: “Tham gia tư vấn và khám sức khoẻ trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”.

Nội dung trọng tâm của Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm 2023 về Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, trong đó chú trọng về nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn  cho các đối tượng là VTV/TN; các cặp vợ chồng trẻ, các gia đình trẻ.

2.3.Các hoạt động truyền thông khác

*  Truyền thông phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể:

Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên cung cấp thông tin cho lãnh đạo các cấp về tình hình dân số và phát triển; phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh để có những giải pháp phù hợp. Phối hợp lồng ghép triển khai các hoạt động, mô hình sinh hoạt ngoại khóa về chăm sóc SKSS, giới, bình đẳng giới cho VTN/TN  trong và ngoài trường học; chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ, nam giới; giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi,…

*Tiếp tục triển khai mô hình “Xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên”:

Tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 07/4/2021 của UBND huyện và kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 06/3/2023 của UBND xã về việc tiếp tục triển khai xây dựng mô hình “Xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên”  năm 2023.

* Truyền thông tại địa bàn có mức sinh cao:

Thực hiện theo Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 21/02/2023 của UBND huyện Quảng Điền và kế hoach số 63/KH-UBND ngày 03/3/2023 của UBND xã về việc triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản -kế hoạch hóa gia đình năm 2023.

Khẩu hiệu tuyên truyền đối với địa phương có mức sinh cao: “Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”.

Nội dung truyền thông, vận động: Tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con. Đối tượng tuyên truyền, vận động chủ yếu là các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con.

* Duy trì các hoạt động truyền thông thường xuyên khác:

- Tăng cường các hoạt động, sự kiện truyền thông tại cơ sở như diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, tư vấn cho các nhóm đối tượng, hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền trong các đợt cao điểm tại các địa bàn có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và các đối tượng khó tiếp cận...

- Đẩy mạnh tuyên truyền và sử dụng các trang mạng của Tổng cục DS-KHHGĐ để phục vụ công tác truyền thông như: www.gopfp.gov.vn; www.giadinh.net.vn; www.cpcs.vn; fanpage của Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số-KHHGĐ: www.facebook.com/vutruyenthonggiaoduc và fanpage “Hạnh phúc gia đình”. Tích cực đăng bài trên các trang web của Chi cục, Facebook Truyền thông Dân số của tỉnh; chú trọng triển khai tuyên truyền thông quaFacebook Truyền thông Dân số của huyện, xã...

- Tổ chức các hoạt động tại cộng đồng như sinh hoạt Câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, thực hiện tư vấn cho các nhóm đối tượng: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, thanh niên, vị thành niên, nam giới chủ hộ gia đình, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng…

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch

- Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ cấp xã xây dựng kế hoạch chi tiết và gửi về Trung tâm Y tế (Phòng Dân số-KHHGĐ) huyện trước ngày 20/3/2023.

- Tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn trực tiếp dành cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, nam giới, VTN/TN, NCT tại các địa bàn đang triển khai thực hiện các mô hình, đề án: Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng; giảm tỷ lệ phá thai VTN/TN... 

- Tổ chức truyền thông trên địa bàn cấp xã nhân kỷ niệm sự kiện quy mô dân số Việt Nam đạt 100 triệu người; Ngày Thalassemia thế giới (8/5); Ngày Dân số Thế giới (11/7); Ngày Tránh thai Thế giới (26/9); Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10); Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10); Tháng hành động quốc gia về Dân số ( Tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam (26/12).

- Tổ chức nói chuyện chuyên đề cho các nhóm đối tượng: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai, VTN/TN, nam giới chủ hộ gia đình, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng.

- Thường xuyên lồng ghép nội dung dân số và phát triển vào các cuộc họp, sinh hoạt văn nghệ, thể thao, giải trí của nhân dân tại cộng đồng; đưa chính sách dân số và phát triển vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn thôn bản, tổ dân phố văn hóa,...

-Duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp của đội ngũ cộng tác viên dân số khi đến thăm hộ gia đình. Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng truyền thông, cập nhật thông tin về dân số và phát triển cho những người làm công tác truyền thông, đặc biệt là đối với đội ngũ cộng tác viên dân số trong các cuộc họp giao ban hàng tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện truyền thông, giáo dục và tư vấn có hiệu quả tại hộ gia đình.

- Tích cực quảng bá, tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, KHHGĐ.

- Định kỳ đưa thông tin về dân số và phát triển trên hệ thống truyền thanh cấp xã.

- Hướng dẫn, hỗ trợ cộng tác viên trong việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ và xây dựng mô hình “Xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên”.

2. Kiểm tra, giám sát và chế độ báo cáo

- Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ cấp xã trực tiếp là Trạm Y tế thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động truyền thông vận động của đội ngũ cộng tác viên. Báo cáo kết quả về Trung tâm Y tế (Phòng Dân số) theo quy định.

VII. KINH PHÍ

- Kinh phí cho hoạt động truyền thông được phân bổ từ nguồn ngân sách tỉnh sau khi được Sở Y tế phê duyệt. Ngoài ra, đề nghị Trạm Y tế chủ động đề xuất với UBND cùng cấp xem xét hỗ trợ kinh phí nhằm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại địa phương.

- Kinh phí truyền thông cần được sử dụng đúng mục đích, việc triển khai các hoạt động phải đảm bảo có hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm.

Trên đây là kế hoạch triển Hướng dẫn thực hiện công tác truyền thông, giáo dục về dân số năm 2023 của ủy ban nhân dân xã Quảng Thái. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện có hiệu quả chương trình./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.050.110
Truy cập hiện tại 723