Tìm kiếm tin tức
BÁO CÁO THUYẾT MINH XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2019 XÃ QUẢNG THÁI, HUYỆN QUẢNG ĐIỀN, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 01/04/2020

UBND xã Quảng Thái xây dựng báo cáo thuyết minh xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019. Cụ thể như sau:

I. Căn cứ pháp lý, mục đích, yêu cầu của việc thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Đất đai năm 2013;

- Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;

- Chỉ thị số 15/CT-TTG ngày 17 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;

- Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;

- Quyết định số 1762/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 7 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành phương án thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;

- Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2019 của UBND huyện Quảng Điền về việc triển khai thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;

- Một số văn bản liên quan khác.

2. Mục đích

Việc thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 nhằm xác định rõ hiện trạng diện tích tự nhiên của xã, hiện trạng quỹ đất đang quản lý, sử dụng, đánh giá đúng thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất, tình hình biến động đất đai so với kỳ kiểm kê trước, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất.

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất được được lập năm (05) năm một lần.

3. Yêu cầu

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất phải đảm bảo phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm báo cáo và có đầy đủ cơ sở pháp lý.

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất được lập trên cơ sở bản đồ địa chính và phải phản ánh được sự phân bố của các loại đất kiểm kê, phù hợp số liệu diện tích.

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất được xây dựng theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và các văn bản kỹ thuật khác có liên quan do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

          II. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

  1. Vị trí địa lý

Xã Quảng Thái là một trong những xã nằm vùng Bãi ngang ven biển thuộc Huyện Quảng Điền, là xã đồng bằng chiêm trũng ven phá Tam Giang ở cuối hạ lưu sông Ô Lâu, nằm về phía Tây Bắc của huyện Quảng Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã: 1810.74 ha. Ranh giới hành chính được xác định như sau:

  • Phía Bắc giáp xã Điền Hoà và xã Điền Lộc, huyện Phong Điền
  • Phía Nam giáp xã Phong Chương và xã Phong Hiền của huyện Phong Điền
  • Phía Đông giáp xã Quảng Lợi huyện Quảng Điền và xã Điền Hoà huyện Phong Điền.
  • Phía Tây giáp xã Điền Lộc, xã Phong Chương huyện Phong Điền.
  1. Địa hình

Quảng Thái là một xã có địa hình thấp trũng, tương đối bằng phẳng, không có đồi núi, ít bị chia cắt và nghiên dần về phía Đông Bắc. Nhìn chung địa hình xã Quảng Thái mang đặc điểm chung của vùng canh tác lúa nước, hàng năm thường bị ngập úng vào mùa mưa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng.

  1. Khí hậu, thuỷ văn

3.1 Khí hậu

             Khí hậu gây ảnh hưởng trực tiếp đến lớp phủ thổ nhưỡng, thực vất và chế độ thuỷ văn trong lãnh thổ. Vì vậy khí hậu được xem là nhân tố sinh thái quan trọng và mang tính chất quyết định đến sự phân bố, phát triển cây trồng vật nuôi.

             Quảng Thái nằm trong vùng đồng bằng ven biển miền Trung nên khí hậu thời tiết gặp nhiều bất lợi, khí hậu trong năm phân theo 2 mùa rõ rệt. Mùa khô bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8, mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau.

             3.2 Thuỷ văn

             Nước là thành phần căn bản nhất tạo nên sự sống trên bề mặt Trái đất, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Đối với hệ thống cây trồng nước là yếu tố rất cần thiết vì nó ảnh hưởng đến tính mùa vụ, năng xuất và thậm chí ảnh hưởng đến việc phân bố cơ cấu cây trồng.

Xã Quảng Thái là xã có vùng đầm phá khá lớn nên các dòng sông đổ vào phá Tam Giang đều ảnh hưởng về thuỷ văn của xã, trong đó xã chịu chi phối nhiều bởi sông Ô Lâu.

             Ngoài ra, trên địa bàn xã có sông Nịu là nhánh sông chính thoát nước của lưu vực hồ Nam Giản ra phá Tam Giang, mạng lưới kênh mương được rẽ từ hạ lưu sông Ô Lâu có tác dụng cải tạo khí hậu và thoát nước ra phá Tam Giang trong mùa mưa, đồng thời cấp nước cho hệ thống thuỷ lợi vào mùa khô đảm bảo phục vụ tốt cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng xuất cây trồng và hệ số sử dụng đất nông nghiệp.

             3.3 Giao thông

             Trên địa bàn xã có tỉnh lộ 4 đi qua và tỉnh lộ 9 đi rừng sản xuất, trang trại. Nhìn chung hệ thống giao thông đảm bảo thông suốt không chỉ trong nội bộ xã mà còn các xã lân cận, thị trấn Sịa và các huyện lân cận.

  1. Đặc điểm dân cư và nguồn lao động

4.1 Dân số

             Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình được triển khai thường xuyên. Đã triển khai thực hiện tốt các đợt chiến dịch truyền thông dân số. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ sinh con thứ 3 hiện nay là 18,1 giảm 2,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 06 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 9,8%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được giữ ổn định 0,95%.

             Thực trạng lao động việc làm

             Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2019, trong đó chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, trong năm đã đào tạo 06 lớp sơ cấp nghề với gần 162 lao động, trong năm đã tích cực triển khai vận động XKLĐ (hiện có 13 lao động đã xuất cảnh, 04 lao động đã có thông báo của công ty vào thời gian cuối tháng 11/2019 và 15 lao động đang học nghề định hướng).

Đã thường xuyên quan tâm, chăm lo và thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là đối với các đối tượng chính sách. Đã tích cực hướng dẫn cho các đối tượng hoàn thiện hồ sơ để được hưởng, truy tặng các danh hiệu và chế độ cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.

             Nhìn chung lực lượng lao động của xã khá đông. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề còn thấp, phần lớn lao động chưa qua đào tạo nhất là lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

  1. Tình hình phát triển kinh tế-xã hội

             Tốc độ tăng trưởng  kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu giá trị sản xuất có sự chuyển biến tích cực, ước tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp 45,3%; tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ 54,7%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 32,5 triệu đồng/người/năm.

           5.1 Tình hình sản xuất nông nghiệp:

             - Trồng trọt:

             Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 900,4 ha, trong đó: lúa 739,4 ha, năng suất  56,1 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha; các loại cây trồng khác 161 ha( ). Tổng sản lượng cây lương thực có hạt (lúa) 4.112,8 tấn, giảm 98,2 tấn so với năm 2018( do một số diện tích trước khi gieo sạ gặp khô hạn, chua phèn và đến thời điểm lúa trổ đồng bị ảnh hưởng gió Tây Nam, vì vậy đã làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng trong vụ Hè Thu).

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm. Công tác chỉ đạo khâu giống và thời vụ được đảm bảo. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn trên vùng ruộng ô 773 với 34,2 ha, năng xuất đạt 70 tạ/ha; vùng ruộng ô Bắc Biên  với 40 ha, năng suất 60 tạ/ha. Một số loại cây trồng có hiệu quả kinh tế khá được duy trì và nhân rộng như: thuốc lá, mướp đắng trái vụ, khoai lang mỡ, ném, ớt, đậu. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển đạt 100%, gắn với phát triển dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ cày và thu hoạch.

             Tổng giá trị thu được từ lĩnh vực trồng trọt  ước đạt 34,1 tỷ đồng.

  • Chăn nuôi:

             Chăn nuôi tiếp tục được duy trì ổn định trong những tháng đầu năm( ), tập trung chỉ đạo tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc tiến độ tiêm phòng vắc xin, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc và gia cầm, Tuy nhiên từ tháng 5/2019 trên địa bàn xã đả xảy ra Dịch tả lợn Châu phi gây nhiều tổn thất cho các hộ chăn nuôi đã tác động lớn cho việc duy trì và phát triển đàn lợn. Đến 30/9/2019, toàn xã đã tiêu hủy 2.629 con với 149.275 kg của 333 hộ(tỷ lệ 42,7%) kinh phí dự kiến hỗ trợ 4,307,495 tỷ đồng. Đến nay, đã phối hợp với các ngành chuyên môn cấp huyện chi trả tiền hỗ trợ những hộ bị dịch tả lợn Châu Phi đợt 1, 2 và đợt 3 là 1.972.787.000 đồng.

             Chăn nuôi gà tiếp tục phát triển, nhất là nuôi gà kiến thả vườn, phát huy được lợi thế của địa phương. Nuôi vịt chạy đồng tiếp tục đem lại hiệu quả cao.

Giá trị của ngành chăn nuôi ước đạt 28,5 tỷ đồng.    

  • Lâm nghiệp:

             Tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng và cây phân tán. Hằng năm trồng rừng đạt 20.000 đến 25.000 cây, đã triển khai giao đất cho 22 hộ trang trại trồng rừng theo dự án 661. Đặc biệt, công tác chăm sóc và bảo vệ rừng được triển khai thường xuyên trên địa bàn xã.

             -Thuỷ sản:

             Lĩnh vực đánh bắt thủy sản: Hiện nay, nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi, nhiều loại thủy sản xuất hiện trở lại, người dân tích cực chuyển đổi nghề khai thác từ tầng đáy sang tầng nổi phát huy hiệu quả. Tổng sản lượng đánh bắt ước đạt 162,3 tấn. Theo thống kê hiện nay có 175 hộ, đánh bắt cá bằng lừ với 15.850 lừ, 13 trộ nò sáo và các dụng cụ đánh bắt truyền thống.

             Tổng giá trị đánh bắt ước khoảng 10,54 tỷ đồng        

             Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì phát triển, toàn xã đã thả nuôi tổng số lồng hiện có 25 lồng,  tổng sản lượng 10 tấn, giá trị gần 0,5 tỷ đồng. Tiếp tục tập trung chỉ đạo vận động người dân khôi phục lại vùng nuôi cá lồng từ mô hình giảm nghèo bền vững để góp phần cải thiện sinh kế cho người dân. Cá ao hồ nước ngọt 13 ha, nuôi cá xen lúa 4,5 ha. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quan tâm, gắn với từng bước phát huy vai trò của 02 Chi hội nghề cá.

             Tổng giá trị thu được từ lĩnh vực thủy sản trên địa bàn 14,6 tỷ đồng.

             - Kinh tế trang trại:

             Phát triển ổn định, hiện có 29 hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế trang trạị; có 23 hộ được giao đất, cho thuê đất, diện tích 158,1 ha, có 17 hộ làm nhà cố định, diện tích đất sản xuất 52,5 ha;  Các hộ chủ yếu phát triển mô hình tổng hợp nông-lâm-ngư kết hợp. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, hiệu quả sản xuất ngày càng tăng. Chăn nuôi ở khu vực trang trại phát triển khá. Các hộ chủ yếu tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, làm nấm và trồng rừng sản xuất. Nhiều hộ đã triển khai mô hình trồng nghệ, trồng cỏ nuôi bò, nhân rộng diện tích trồng ném và các loại cây trồng khác(có 07 hộ làm nấm; có 01 hộ nuôi lợn rừng tổng cộng 40 con; 10 hộ nuôi lợn với 80 con; 02 hộ nuôi bò 11 con; dê có 01 hộ nuôi 30 con); hiện nay đã tiếp nhận hệ thống điện 3 pha, hỗ trợ máy chế biến tinh bột nghệ... để tạo điều kiện cho các hộ tăng thêm năng lực sản xuất tạo thu nhập ở vùng kinh tế trang trại ( ).

Đã triển khai công tác chăm sóc và trồng rừng mới, trồng cây phân tán với khoảng 60 ha và 18,5 ha rừng ngập ngọt. Tổ chức tổng kết công tác PCCCR và xây dựng phương án PCCCR năm 2019. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã kiểm tra và hướng dẫn công tác PCCCR của xã; phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm làm thủ tục cho nhân dân ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

             Giá trị thu nhập từ lĩnh vực kinh tế trang trại ước đạt 7,85 tỷ đồng.

             5.2 Tình hình phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp

             Tiểu thủ công nghiệp- Làng nghề:

             Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được duy trì, như cơ khí, mộc, cưa xẻ gỗ, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng,..góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

             Dịch vụ:

             Lĩnh vực dịch vụ có chuyển biến đáng kể. Một số loại hình dịch vụ ở khu vực chợ Nịu, trung tâm xã và các thôn, khu vực dân cư có bước phát triển, như buôn bán vật liệu xây dựng, ăn uống giải khát, vận tải, kinh doanh vật liệu xây dựng,...Đã vận động và tạo điều kiện cho người dân trong việc vay vốn đầu tư mua xe ô tô tải, ô tô taxi, máy cày, máy gặt,... để phát triển sản xuất( ). Qua đó, đã tạo điều kiện trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

             5.3 Hiện trạng phát triển văn hoá- xã hội:

             Giáo dục:

             Chất lượng giáo dục đạt được nhiều kết quả tích cực; Công tác xã hội hóa giáo dục có bước chuyển biến mới, phong trào khuyến học, khuyến tài được quan tâm. Vai trò của trung tâm học tập cộng đồng, Hội khuyến học xã ngày càng được phát huy; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học được nâng lên; các cấp học đã hoàn thành tốt chương trình và tổng kết năm học 2018 - 2019. Tiếp tục duy trì đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục- xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập GD Mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 2. Tiếp tục giữ vững Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Đã làm tốt công tác huy động và duy trì số lượng học sinh các cấp. Tỷ lệ học sinh cấp 2 bỏ học giảm, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà được nâng lên. Nhiều học sinh đã tham gia thi và đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp .

             Y tế dân số KHHGĐ:

             Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, công tác phòng bệnh xã hội, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đã phát huy tốt vai trò của Trạm y tế xã trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hiện nay công tác khám BHYT đã được Trạm Y tế khám và điều trị tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân .  Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình được triển khai thường xuyên. Đã triển khai thực hiện tốt các đợt chiến dịch truyền thông dân số. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ sinh con thứ 3 hiện nay là 18,1 giảm 2,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 06 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 9,8%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được giữ ổn định 0,95%. 

             Văn hoá thể dục thể thao:

             Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao có những chuyển biến đáng kể, được duy trì và phát triển khá. Công tác nâng cao đời sống văn hóa tiếp tục được duy trì và phát triển với trọng tâm là xây dựng làng, cơ quan, trường học văn hóa; xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu gắn đời sống tinh thần của nhân dân. Phong trào luyện tập thể dục, thể thao tiếp tục có những chuyển biến rõ nét, tỷ lệ người dân luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên ngày càng tăng. Chỉ đạo ban điều hành các thôn triển khai sửa đổi quy ước làng văn hóa theo quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thực hiện hương ước, quy ước.

             Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác rà soát, đánh giá chất lượng thôn văn hóa ngày càng thực chất, hạn chế được bệnh hình thức trong khâu đánh giá. Chuẩn bị hồ sơ để phối hợp với Ban chỉ đạo huyện kiểm tra phúc tra công nhận lại các đơn vị, làng, thôn công nhận lại danh hiệu văn hóa năm 2019

Việc thực hiện nếp sống văn minh ở nông thôn được quan tâm. Đã tổ chức tổng kết 01 năm thực hiện Kế hoạch nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc tang tại 02 thôn Tây Hoàng và Nam Giảng. Đến nay, đã có 5/7 thôn đã thực hiện, tiếp tục triển khai nhân rộng tại các thôn còn lại. Phối hợp với Phòng VHTT khảo sát và xây dựng mô hình Nếp sống văn minh trong việc cưới tại thôn Nam Giảng. Các tệ nạn xã hội, các hủ tục, tập quán lạc hậu từng bước được đẩy lùi; ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên

             III. Thời điểm xây dựng và hoàn thành việc thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

- Thời điểm xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất xã Quảng Thái được tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.

- Thời điểm hoàn thành bản đồ hiện trạng sử dụng đất xã Quảng Thái trước ngày 01 tháng 6 năm 2020.

IV. Các nguồn tài liệu sử dụng và phương pháp, công nghệ thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

1. Các nguồn tài liệu sử dụng thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

- Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;

- Chỉ thị số 15/CT-TTG ngày 17 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;

- Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;

- Quyết định số 1762/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 7 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành phương án thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019;

- Bản đồ địa chính chính quy tỷ lệ 1/2000 và hồ sơ kèm theo;

- Bản đồ, hồ sơ địa giới hành chính cấp xã: Sử dụng hồ sơ địa giới hành chính theo kết quả thực hiện dự án 513/QĐ-TTg và Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế để kiểm kê và tổng hợp số liệu đơn vị hành chính cấp xã.

- Bản đồ quy hoạch sử dụng đất hoặc bản đồ quy hoạch nông thôn mới, tỷ lệ 1/5000.

- Bản đồ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất của các tổ chức đang sử dụng đất tại địa phương.

2. Phương pháp, công nghệ thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

  Thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất tỷ lệ 1/5000 xã Quảng Thái được xây dựng trên công nghệ số. Quy trình thực hiện theo đúng văn bản quy phạm, số liệu điều tra thực địa được trực tiếp vẽ trên bản đồ tài liệu sau đó số hoá trên máy tính theo quy phạm hiện hành và biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được sử dụng phần mềm MICRSTASION, G.CASDAS, ... được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép sử dụng.

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã được thành lập trên cơ sở biên tập, tổng hợp, khái quát hóa từ bản đồ kết quả điều tra kiểm kê đất.

2.1. Lập bản đồ kết quả điều tra kiểm kê

          Trong kỳ kiểm kê đất đai năm 2019 số liệu về diện tích đất đai được tính toán trực tiếp và tổng hợp từ bản bản đồ kết quả điều tra kiểm kê, trên bản đồ kết quả điều tra kiểm kê không thực hiện tổng quát hóa các yếu tố nội dung bản đồ. Bản đồ kết quả điều tra kiểm kê được lập theo các bước công việc như sau:

a. Công tác chuẩn bị

- Thu thập tài liệu: Bản đồ, hồ sơ địa chính; hồ sơ địa giới hành chính; bản đồ, trích lục kèm theo các quyết định giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng của các cơ quan có thẩm quyền; hồ sơ qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hồ sơ thống kê đất năm 2016, 2017, 2018 và kiểm kê đất đai năm 2014 và các hồ sơ khác có liên quan.

- Rà soát, đối chiếu, đánh giá, thống nhất lựa chọn bản đồ, tài liệu, số liệu sử dụng cho kiểm kê; xác định đường địa giới hành chính xã; lập sơ đồ bảng chắp, tích hợp, ghép biên các mảnh bản đồ sử dụng điều tra kiểm kê.

- Khoanh vẽ nội nghiệp các khoanh đất: dựa vào hồ sơ đo đạc địa chính, hồ sơ quy hoạch sử dụng đất, hồ sơ địa chính để khoanh vẽ khoanh đất theo cùng mục đích sử dụng, và cùng đối tượng quản lý, sử dụng. Cập nhật yếu tố nền địa lý và đường địa giới hành chính dựa trên các nguồn tài liệu đã có.

- Lập kế hoạch điều tra, khoanh vẽ thực địa (xác định khu vực có biến động; vạch tuyến đối soát, điều tra thực địa, xác định khu vực phải khoanh vẽ tại thực địa và lập kế hoạch để thực hiện).

- In bản đồ, biểu mẫu để điều tra kiểm kê.

b. Điều tra, khoanh vẽ tại thực địa

- Đối soát ranh giới, loại đất, loại đối tượng sử dụng, đối tượng quản lý của các khoanh đất và các đối tượng chiếm đất khác có liên quan bằng phương pháp so sánh tương quan giữa bản đồ và thực địa để xác định các trường hợp cần khoanh vẽ bổ sung, chỉnh lý bản đồ cho phù hợp với hiện trạng.

Trường hợp phải khoanh vẽ, chỉnh lý ranh giới hoặc chia tách khoanh đất thì áp dụng phương pháp giao hội cạnh hoặc tọa độ vuông góc từ các điểm chi tiết rõ nét trên thực địa đã được biểu thị trên bản đồ; việc xác định chiều dài cạnh giao hội hoặc cạnh vuông góc có thể được đo bằng thước dây hoặc các dụng cụ đo khác có độ chính xác tương đương trở lên;

- Ranh giới chiếm đất của các đối tượng về thủy hệ, giao thông được khoanh vẽ, chỉnh lý theo yêu cầu sau:

+ Ranh giới công trình thủy lợi, giao thông thể hiện theo đường chân Taluy (đối với công trình đắp cao) hoặc theo đường đỉnh Taluy (đối với công trình đào sâu);

+ Ranh giới các đối tượng thủy văn hình thành tự nhiên (hồ, sông, ngòi, rạch, suối) thì thể hiện theo mép đỉnh mái trượt của đối tượng thủy văn; trường hợp đối tượng thủy văn có đường bờ bao thì ranh giới đối tượng thủy văn thể hiện theo chân phía ngoài của đường bờ bao;

- Đường bờ biển thể hiện theo đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; trường hợp tại thời điểm thống kê, kiểm kê chưa xác định được đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm thì xác định theo đường mép nước biển thấp nhất tại thời điểm kiểm kê.

c. Lập bản đồ kết quả điều tra kiểm kê

- Bản đồ kết quả điều tra kiểm kê xã Quảng Thái lập dưới dạng số, hệ tọa độ VN-2000, múi chiếu 30, ko = 0,9999, kinh tuyến trục 1070 .

- Nội dung bản đồ kết quả điều tra kiểm kê gồm:

+ Ranh giới và ký hiệu các khoanh đất theo chỉ tiêu kiểm kê.

+ Đường địa giới hành chính các cấp.

+ Thủy hệ và các đối tượng có liên quan gồm: biển, hồ, ao, đầm, phá, thùng đào, sông, ngòi, kênh, rạch, suối và các đối tượng thủy văn khác.

+ Giao thông và các đối tượng có liên quan gồm: các công trình đường sắt, các loại đường bộ các cấp (kể cả đường nội đồng, đường đi lại trong khu dân cư, đường mòn tại các xã miền núi, trung du) và các công trình giao thông trên hệ thống đường đó.

+ Cơ sở toán học gồm khung bản đồ, lưới tọa độ vuông góc, yếu tố địa hình (dáng đất, điểm độ cao và ghi chú độ cao) và các nội dung khác (trừ ranh giới thửa đất) của bản đồ đã sử dụng để điều tra kiểm kê (nếu có).

+ Các yếu tố kinh tế, xã hội thể hiện tên các địa danh, trụ sở cơ quan chính quyền các cấp; tên công trình hạ tầng và các đối tượng khác.

+ Các ghi chú, thuyết minh.

- Thể hiện khoanh đất, thể hiện nội dung bản đồ kết quả điều tra kiểm kê:

+ Ranh giới khoanh đất phản ánh đúng theo trạng thái đã được xác định trong quá trình khoanh vẽ, không tổng hợp, không khái quát hóa; đảm bảo thể hiện vị trí, diện tích các khoanh đất với độ chính xác cao nhất theo kết quả điều tra thực địa.

+ Thể hiện nhãn khoanh đất gồm số thứ tự khoanh đất; diện tích khoanh đất; mã loại đất; mã loại đối tượng sử dụng đất hoặc đối tượng quản lý đất theo hình thức như sau:

Mã loại đất            Số thứ tự khoanh đất

Mã đối tượng        Diện tích khoanh đất

+ Trường hợp khoanh đất sử dụng kết hợp vào nhiều mục đích đối với toàn bộ diện tích khoanh đất thì mã loại đất thể hiện loại đất chính trước, loại đất phụ thể hiện sau trong ngoặc đơn: Mã loại đất chính (Mã loại đất phụ 1; mã loại đất phụ 2;...); trường hợp loại đất phụ chỉ chiếm một phần diện tích của khoanh đất thì sau mã loại đất phụ thể hiện thêm diện tích của loại đất phụ như: Mã loại đất chính (Mã loại đất phụ 1: diện tích loại đất phụ 1; Mã loại đất phụ 2: diện tích loại đất phụ 2;...):

Mã loại đất chính (Mã loại đất phụ)   Số thứ tự khoanh đất

Mã đối tượng                                     Diện tích khoanh đất

+ Trường hợp khoanh đất có nhiều mục đích sử dụng mà xác định được diện tích sử dụng riêng vào từng mục đích (như trường hợp khu dân cư có cả đất ở và đất nông nghiệp) thì thể hiện mã từng loại đất và diện tích kèm theo trong ngoặc đơn như: Mã loại đất 1 (diện tích loại đất 1); Mã loại đất 2 (diện tích loại đất 2);...;

+ Trường hợp khoanh đất có nhiều loại đối tượng sử dụng, đối tượng quản lý đất đối với toàn bộ diện tích khoanh đất thì quy ước thể hiện mã loại đối tượng có số lượng nhiều nhất;

+ Trường hợp khoanh đất có nhiều loại đối tượng sử dụng, đối tượng quản lý đất mà xác định được diện tích của từng loại đối tượng (như trường hợp khoanh đất nông nghiệp có cả đất của hộ gia đình và đất công ích của xã) thì thể hiện lần lượt mã của từng loại đối tượng và diện tích kèm theo: Mã đối tượng 1 (diện tích của đối tượng 1); Mã đối tượng 2 (diện tích của đối tượng 2);...;

+ Khoanh đất thuộc khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang các loại đất khác thì thể hiện thêm mã của loại đất sau khi chuyển đổi theo quy định tại Biểu 02a/TKĐĐ vào vị trí thích hợp trong khoanh đất. Trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên một phần diện tích của khoanh đất thì thể hiện thêm diện tích chuyển đổi: Mã loại đất sau khi chuyển đổi: diện tích chuyển đổi. Trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang nhiều loại đất khác nhau thì thể hiện thêm diện tích chuyển đổi: Mã loại đất sau khi chuyển đổi 1: diện tích chuyển đổi 1; Mã loại đất sau khi chuyển đổi 2: diện tích chuyển đổi 2;...;

+ Khoanh đất thuộc các khu vực tổng hợp cần thống kê theo quy định tại Biểu 08/TKĐĐ, 09/TKĐĐ và 10/TKĐĐ thì thể hiện thêm mã của các khu vực tổng hợp vào vị trí thích hợp trong khoanh đất. Trường hợp chỉ có một phần diện tích của khoanh đất nằm vào khu vực tổng hợp trên thì thể hiện như sau: Mã khu vực tổng hợp: diện tích trong khu vực tổng hợp. Trường hợp khoanh đất thuộc nhiều khu vực tổng hợp thì thể hiện riêng biệt mã của từng khu vực tổng hợp;

+ Nhãn khoanh đất được tạo dưới dạng cell hoặc text. Mã ký hiệu loại đất, loại đối tượng sử dụng, đối tượng quản lý đất theo quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Số thứ tự khoanh đất được thể hiện bằng số Ả Rập, từ 01 đến hết trong phạm vi toàn xã, thứ tự đánh số từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, theo đường zích zắc (ziczac). Đối với các yếu tố chiếm đất không tạo thành khoanh đất được khép vùng theo đường địa giới hành chính và được đánh số thứ tự như khoanh đất;

- Tích hợp, tiếp biên, biên tập bản đồ kết quả điều tra kiểm kê.

- Đóng vùng các khoanh đất, tính diện tích: kết quả tính diện tích các khoanh đất được lập thành Bảng liệt kê các khoanh đất thể hiện các thông tin: mã số khoanh đất, diện tích khoanh đất, thuộc tính khoanh đất tương ứng với chỉ tiêu kiểm kê cụ thể.

- Trình bày, hoàn thiện bản đồ kết quả điều tra kiểm kê.

2.2. Lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

  1. Cơ sở toán học

- Hệ tọa độ VN-2000, múi chiếu 30, ko = 0,9999, kinh tuyến trục 1070.

- Tỷ lệ bản đồ: 1/5000

- Đơn vị làm việc (Working Units): đơn vị làm việc chính (Master Units) là m; đơn vị làm việc phụ (Sub Units) là mm; độ phân giải (Resolution) là 1000.

  1. Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất gồm:

- Cơ sở toán học gồm khung bản đồ, lưới kilômét, lưới kinh vĩ tuyến, chú dẫn, trình bày ngoài khung và các nội dung có liên quan.

- Đường địa giới hành chính các cấp.

- Ranh giới các khoanh đất: thể hiện khoanh đất theo chỉ tiêu kiểm kê đất đai.

- Địa hình: biểu thị bằng đường bình độ, điểm độ cao và ghi chú độ cao.

- Thủy hệ và các đối tượng có liên quan: thể hiện biển, hồ, ao, đầm, phá,  sông, ngòi, kênh, rạch, suối. Các yếu tố thủy hệ khác có bờ bao thì thể hiện theo chân phía ngoài đường bờ bao (phía đối diện với thủy hệ); trường hợp thủy hệ tiếp giáp với có đê hoặc đường giao thông thì thể hiện theo chân mái đắp của đê, đường phía tiếp giáp với thủy hệ; trường hợp thủy hệ không có bờ bao và không tiếp giáp đê hoặc đường giao thì thể hiện theo mép đỉnh của mái trượt của thủy hệ.

- Giao thông và các đối tượng có liên quan: thể hiện phạm vi chiếm đất của đường sắt, đường bộ và các công trình giao thông kể cả đường trục chính trong khu dân cư, đường nội đồng.

- Các yếu tố kinh tế, xã hội;

- Các ghi chú, thuyết minh.

- Hoàn thiện, in ấn bản đồ:

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất xã Quảng Thái, tỷ lệ 1/5000 với tổng diện tích 1.810,74 ha, trong đó:

- Đất nông nghiệp 965,85 ha, chiếm 53,34 % tổng diện tích tự nhiên.

- Đất phi nông nghiệp 816,50 ha, chiếm 45,09 % tổng diện tích tự nhiên.

- Đất chưa sử dụng 28,39 ha, chiếm 1,57 % tổng diện tích tự nhiên.

V. Đánh giá chất lượng bản đồ hiện trạng sử dụng đất về mức độ đầy đủ, chi tiết và độ chính xác của các yếu tố nội dung

- Mức độ đầy đủ của tài liệu, số liệu và tính pháp lý của hồ sơ kiểm kê đất đai.

- Việc xác định loại đất, loại đối tượng sử dụng, quản lý đất và việc khoanh vẽ trên bản đồ kết quả điều tra kiểm kê chính xác.

- Số liệu giữa biểu số liệu với bản đồ kết quả điều tra kiểm kê, giữa biểu số liệu với bản đồ hiện trạng sử dụng đất, giữa biểu số liệu với báo cáo kết quả kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đảm bảo thống nhất.

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất đầy đủ nội dung, sự thống nhất giữa màu và ký hiệu loại đất, mức độ chính xác các khoanh đất trên bản đồ.

- Việc biên tập, trình bày bản đồ hiện trạng sử dụng đất tuân thủ quy định kỹ thuật tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT.

VI. Kết luận

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền được xây dựng đúng theo quy trình quy phạm quy định, biểu thị các yếu tố nội dung bản đồ theo đúng ký hiệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Trong quá trình thi công, Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ Thông tin tài nguyên và môi trường đã bám sát theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, các văn bản, quy phạm hiện hành, sửa chữa triệt để các sai sót. Thành quả bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 xã Quảng Thái Đạt yêu cầu về chất lượng, đảm bảo đưa vào sử dụng./.   

 

Tập tin đính kèm:
Đỗ Thị Trang
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.121.264
Truy cập hiện tại 6.980