Tìm kiếm tin tức
KẾ HOẠCH Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2022
Ngày cập nhật 03/06/2022

Thực hiện Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 26/5/2022 của UBND huyện Quảng Điền về việc Tổ chức tháng hành động vì trẻ em năm 2022 trên địa bàn huyện, UBND xã ban hành Kế hoạch Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 trên địa bàn xã như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục chung tay giúp đỡ về vật chất và tinh thần, cải thiện môi trường sống cho trẻ em, tạo điều kiện và cơ hội để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục và tử vong do tai nạn thương tích.

2. Yêu cầu

a)Các hoạt động được triển khai cần bám sát chủ đề, nội dung hoạt động của Kế hoạch tháng hành động vì trẻ em năm 2022 trên địa bàn huyện.

b)Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình.

c) Lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động vì trẻ em phù hợp, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức.

3. Chủ đề và thời gian thực hiện

- Thời gian triển khai:Từ ngày 01/6/2022 đến ngày 30/6/2022.

- Chủ đề: Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.

- Thông điệp và khẩu hiệu truyền thông:

+ Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình.

+ Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

+ Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.

+ Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình.

+ Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.

+ Hãy gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em.

+ Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em.

+ Trẻ em hãy học cách tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại.

+ Nói “không” với xâm hại trẻ em.

 II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

          1. Các hoạt động tuyên truyền

a) Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em.

- Địa điểm:Tại Trung tâm Chính trị huyện.

- Thời gian: Vào lúc 15 giờ, ngày 01/6/2022.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, các thông điệp, mục đích, ý nghĩa Tháng hành động vì trẻ em năm 2022; nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng, gia đình chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có điều kiện được chăm sóc y tế, giáo dục và phát triển bình đẳng như những trẻ em khác. Hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống lao động trẻ em với chủ đề “Lao động trẻ em và an sinh xã hội” (ngày 12 tháng 6 năm 2022).

c)Tăng cường truyền thông và tiếp cận, sử dụng dịch vụ bảo vệ trẻ em thông qua Đường dây nóng Tư vấn và hỗ trợ trẻ em, dịch vụ miễn cước cuộc gọi, phím số 111 - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để mọi người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tư vấn, tham vấn, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2.  Tổ chức các hoạt động vui chơi có sự tham gia của trẻ em

a)Căn cứ tình hình thực tế để tổ chức một số diễn đàn, chương trình tọa đàm … để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng; lấy ý kiến tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản liên quan đến trẻ em, phát huy quyền tham gia và giúp trẻ em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình. Hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ.

b) Triển khai các hoạt động tặng quà, traohọc bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoản cảnh đặc biệt khó khăn học giỏi; giáo dục cho trẻ em các kỹ năng tự phòng tránh như: tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại tình dục, bạo hành, buôn bán, bắt cóc trẻ em...

3. Hoạt động kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh

a) Tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương để trẻ em học các kỹ năng đảm bảo an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện khi tham gia vào thế giới công nghệ số.

b) Tổ chức lớp kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, kỹ năng tham gia trong thế giới công nghệ số, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; học kỳ quân đội; các lớp năng khiếu, võ thuật, âm nhạc, thể  dục nhịp điệu... nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em trong thời gian nghỉ hè. Tổ chức việc bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh.

4. Chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi có nguy cơ làm trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông.

5. Vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực, thăm, tặng quà, học bổng và hỗ trợ khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

6. Công tác kiểm tra, giám sát

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, chủ động nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em và có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn; chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Kiểm tra, rà soát những nơi không an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích cho trẻ em; việc sử dụng lao động trẻ em; có biện pháp xử lý, khắc phục, loại bỏ kịp thời các yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn, tổn hại cho trẻ em, đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1.Nguồn kinh phí ngân sách huyện phân bổ trong năm 2022 và các nguồn hỗ trợ khác.

2. Vận động các tổ chức xã hội, cá nhân, các nhà hảo tâm...

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.Bộ phận  Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Tham mưu xây dựng Kế hoạch Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2022.

b)Phối hợp các ban ngành kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông để có biện pháp chủ động phòng, ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè.

c)Tăng cường công tác rà soát, nắm bắt tình hình và giải quyết kịp thời những vụ việc xâm hại, bạo hành, bóc lột sức lao động, bắt cóc, buôn bán trẻ em ở địa phương.

d)Tiếp tục vận động các nguồn lực để tặng quà cho trẻ em, nhất là trẻ em cần sự trợ giúp.

2. Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục, phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước; tổ chức thăm, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6.

b) Đảm bảo các điều kiện cho giảng dạy và học tập. Có phương án hỗ trợ để đảm bảo điều kiện thực hiện quyền học tập cho trẻ em, đặc biệt là trong trường học và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

c) Nhà trường thực hiện bàn giao, quản lý trẻ em khi kết thúc năm học 2021-2022 để trẻ em có thời gian nghỉ hè an toàn, tránh tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước...

3.  Bộ phận Văn hóa - Thông tin, Đài truyền thanh xã

a) Phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông về Tháng hành động vì trẻ em, điểm tổ chức Tháng hành động để tạo sự quan tâm, chú ý của người dân.

b) Tăng cường kiểm tra trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và các ấn phẩm, tài liệu, trò chơi độc hại có tác động xấu đến sự phát triển của trẻ em; lưu ý các pano, áp phích không sử dụng các vật liệu không thân thiện môi trường.

c) Phối hợp với các ban ngành liên quan ở  địa phương để tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao nhằm nâng cao thể chất cho trẻ em. Tổ chức các lớp dạy bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em và cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em.

d)Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng thời lượng phát sóng trên Đài truyền thanh các xã, thị trấn về nội dung Tháng hành động vì trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tình hình mới; xây dựng các phóng sự, bài viết nêu gương người tốt, việc tốt trong việc giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

4. Trạm y tế xã

a) Triển khai các chương trình khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, tổ chức các đợt khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; phẫu thuật tim cho trẻ em bị tim bẩm sinh; tích cực tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn cho trẻ em. Đặc biệt triển khai có hiệu quả chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em nghèo.

b) Triển khai, hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ngăn chặn các dịch bệnh lây nhiễm cho trẻ em; điều kiện và chất lượng phòng bệnh, khám bệnh, phát hiện bệnh, chữa bệnh, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu.

c) Triển khai công tác khám, chữa bệnh; ưu tiên tiếp nhận, điều trị, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và tư vấn chăm sóc sức khỏe đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

5. Công an xã

a) Tăng cường tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại trẻ em; can thiệp khẩn cấp nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực, ngược đãi trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em, mua bán trẻ em qua biên giới, nhất là tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.

b) Rà soát các vụ việc xâm hại trẻ em và có các giải pháp tích cực trong việc điều tra, xử lý .

6. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã

Căn cứ tình hình thực tế và kế hoạch học tập của học sinh năm học 2021 - 2022 để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức hoạt động hè phù hợp; tham gia giám sát, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em và các nguy cơ mất an toàn cho trẻ em, phản ánh kịp thời với các cơ quan chức năng để giải quyết.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Công đoàn xã, Hội Nông dân xã

a) Phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, xây dựng kế hoạch vận động đoàn viên, hội viên, người dân tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em thông qua lồng ghép các hoạt động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; mô hình “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” nhằm ngăn ngừa bạo lực gia đình, mô hình “Xã, thị trấn không có tệ nạn xã hội”, phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu”; vận động và sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho trẻ em.

b) Các tổ chức hội,đoàn thể…tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ, giúp đỡ và hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã; tổ chức các hoạt động thiết thực trợ giúp cho trẻ em.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể,  được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch, căn cứ chức năng nhiệm vụ, tình hình thực tế chủ động triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch trước ngày 02/7/2022 thông qua công chức Văn hoá – Xã hội phụ trách lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

2. Công chức Văn hoá – Xã hội phụ trách lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp báo cáo UBND xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội kết quả thực hiện trước ngày 03/7/2022.

3. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc các cơ quan, ban ngành, đoàn thể kịp thời báo cáo về UBND xã để chỉ đạo giải quyết./.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, UBND xã yêu cầu các cơ quan, ban  ngành, đoàn thể cấp xã triển khai thực hiện nghiêm túc./.

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.021.338
Truy cập hiện tại 3.463