Tìm kiếm tin tức
Kế hoạch Đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng cho người lao động xã Quảng Thái năm 2024
Ngày cập nhật 11/04/2024

Thực hiện Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 18/03/2024 của UBND huyện về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới ba tháng cho người lao động huyện Quảng Điền năm 2024, UBND xã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng cho người lao động xã Quảng Thái năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Triển khai thực hiện chính sách đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo quy định của Nhà nước, nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại địa phương.

- Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề kịp thời cho người lao động, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số; tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

- Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề trong phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự đồng thuận, vào cuộc của doanh nghiệp, người lao động trong thực hiện chính sách đào tạo nghề góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời kỳ hội nhập và ứng dụng khoa học công nghệ 4.0.

2. Yêu cầu

- Đào tạo phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

- Huy động sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ban ngành đoàn thể cấp xã, các tổ chức chính trị xã hội; các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn xã trong việc thực hiện chính sách đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo quy định.

- Tổ chức đào tạo đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo, gắn đào tạo với giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn xã.

II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, NGHỀ ĐÀO TẠO

1. Mục tiêu

 a) Đào tạo nghề cho khoảng 50 lao động nông thôn, trong đó có 20 lao động học nghề phi nông nghiệp, chiếm tỷ lệ đạt 40% và có 30 lao động học nghề nông nghiệp, chiếm tỷ lệ đạt 60%. 

 b) Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề: Sau khi tốt nghiệp, có từ 80% số người học có việc làm.

 2. Đối tượng và nguyên tắc hỗ trợ đào tạo

 a) Đối tượng là người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện; trong độ tuổi lao động (nam, nữ từ đủ 15 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định hiện hành) có nhu cầu học nghề để tìm việc làm, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với ngành nghề cần học, bao gồm:

 - Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

- Lao động nông thôn theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

- Lao động thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng gồm: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân.

Sử dụng kinh phí đúng đối tượng quy định đối với từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số nội dung về GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Thông tư số 03/2023/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH.

b) Nguyên tắc hỗ trợ đào tạo nghề

Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 Quyết định số  46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng và các quy định hiện hành.

3. Nghề đào tạo

a)  Nghề nông nghiệp

- Ngành nghề về kỹ thuật, công nghệ ứng dụng và quản lý sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề nuôi trồng đánh bắt, khai thác thủy sản, chế biến nông lâm, thủy sản; các nghề đào tạo để thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển.

- Đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiến tới nông nghiệp thông minh hiện đại, trên cơ sở bám vào các sản phẩm là: sản phẩm nông sản quốc gia, đặc sản địa phương.

- Đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ nền tảng số vào sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp.

b) Nghề phi nông nghiệp

Tập trung đào tạo các nghề trong lĩnh vực ngành kỹ thuật công nghệ, công nghệ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ để phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp, làng nghề; đào tạo nghề cho người lao động vào làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gắn đào tạo nghề với chiến lược, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

4. Danh mục ngành nghề

(Có Phụ lục đính kèm)

III. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn

a) Phổ biến, triển khai, cung cấp đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

b) Làm tốt công tác định hướng, tư vấn, tuyển sinh nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm. Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường tổ chức các hoạt động để trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học.

2. Điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề, việc làm cho lao động nông thôn

Điều tra khảo sát, rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu học nghề của người lao động; dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm, giai đoạn gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương.

3. Hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động và gắn kết với doanh nghiệp  

a) Phối hợp  đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng và tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo có địa chỉ; đào tạo theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã; gắn với thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm - Chương trình OCOP”, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo.

b) Phối hợp thực hiện các mô hình hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng các ngành nghề gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng các công trình, hoạt động phúc lợi xã hội, xây dựng nông thôn mới.

4. Kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện

Phối hợp giám sát việc triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho người lao động tại các địa phương và các cơ sở GDNN trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch; phát hiện xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác giáo dục nghề nghiệp kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

IV. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI HỌC, PHƯƠNG THỨC ĐÀO TẠO VÀ NỘI DUNG CHI

1. Hỗ trợ chi phí đào tạo

Định mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trên địa bàn huyện thực hiện theo quy định hiện hành tại Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng; Thông tư số 40/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016.

2. Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại

a) Đối tượng được hỗ trợ

Người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng.

b) Mức hỗ trợ

 - Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học.

 - Mức hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

 Riêng đối với người khuyết tật: Mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

3. Tổ chức đào tạo

a) Thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ ban hành Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

b) Việc tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn chủ yếu dạy thực hành, thời gian đào tạo phù hợp từng nghề, phù hợp nhận thức của người lao động. Trong đó, tập trung tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm tại các doanh nghiệp tuyển dụng theo hợp đồng lao động hoặc tổ chức việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm; đào tạo cho các đối tượng nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; lao động làm việc trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân, đủ điều kiện áp dụng kiến thức nghề sau khi học.

4.  Nội dung chi

a) Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng; Thông tư số 40/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016; Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025; thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ; các quy định của pháp luật có liên quan khác.

b) Thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng nội dung đảm bảo hiệu quả và đúng quy định tài chính.

 V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Theo kinh phí đào tạo được thực hiện lồng ghép từ các nguồn đã được phân bổ năm 2024:

1. Ngân sách Trung ương: Từ Chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Ngân sách địa phương: UBND xã, căn cứ khả năng nguồn ngân sách địa phương quyết định bố trí kinh phí thực hiện chính sách đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn theo đúng quy định.

3. Nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đề nghị các cơ quan ban ngành đoàn thể cấp xã ,thôn trưởng lồng ghép các chương trình đào tạo đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới ba tháng cho người lao động, đào tạo nghề về khuyến công, khuyến nông, giảm nghèo đảm bảo nâng cao thu nhập cho người lao động, thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.

b) Phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đảm bảo việc học nghề, đào tạo nghề cho người lao động đúng đối tượng, mục tiêu của Kế hoạch; không chạy theo chỉ tiêu số lượng đào tạo mà không giải quyết được việc làm và không nâng cao thu nhập cho người lao động; chủ động nắm tình hình đề xuất điều chỉnh ngành nghề phù hợp theo nhu cầu thực tế học nghề của người lao động tại địa phương.

c) Thống kê các đối tượng được hưởng chính sách người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đang trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu về việc làm và đào tạo nghề để được tư vấn định hướng đào tạo nghề theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới ba tháng cho người lao động Quảng Thái năm 2024. Đề nghị các cơ quan ban nghành đòn thểcấp xã , thôn trưởng triễn khai rộng rải đến  bà con nhân dân./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.102.366
Truy cập hiện tại 8.125