Tìm kiếm tin tức
CHẠP MỘ- MỘT NÉT ĐẸP VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG ĐANG ĐƯỢC NGƯỜI DÂN QUẢNG THÁI GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY
Ngày cập nhật 28/03/2019

“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh. “

            Cũng như bao miền quê trên dãi đất hình chữ S thân yêu; năm nào cũng vậy, lễ chạp mộ rất được người dân xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh TT Huế chú trọng. Bởi đây là mĩ tục vừa thể hiện đạo lí” Uống nước nhớ nguồn”, vừa có ý nghĩa tâm linh lại vừa gắn kết thêm tình thân tộc, làng xóm đã được bao thế hệ tiền nhân hàng trăm năm nay gìn giữ. Chỉ có điều, lễ tảo mộ của người dân Quảng Thái không phải chỉ có tổ chức vào đầu xuân; mà đã bắt đầu từ lập đông, tức là trước đó hai đến ba tháng. Ngay từ cuối tháng chín, các “ anh tam riêng”( thường từ năm đến bảy nhà) đã tổ chức chạp mộ cho gia tộc của mình. Rồi tiếp đến là các “ anh tam chung”, kế theo là phái và cuối cùng là họ. Sau khi tất cả chi, phái, họ chạp xong xuôi, những phần mộ vô danh, không ai hương khói sẽ được các xóm( thôn) tổ chức một buổi chạp cuối cùng nên hầu như không còn ngôi mộ nào bị bỏ sót. Trong những ngày này, khu vực rú cát(nghĩa địa)nơi đây luôn đầy ắp nói cười xoá đi những gì hoang vu, vắng lặng trước đó. 

 

                                                 

                                                                                     Chạp mộ họ Văn- xã Quảng Thái
            Mâm cỗ trong giỗ chạp cũng tuỳ vào điều kiện từng gia đình, dòng họ, xóm thôn để hào soạn. Trước đây, thường hay bày”thịt côi xôi dưới” trong những chiếc mâm có lót lá chuối cùng thêm dĩa muối đậu, tô nước xáo, chén nước mắm và nắm dưa hành; sang lắm là có thêm chai rượu trắng. Cúng xong, các bậc lớn tuổi được ngồi trên sập, ngựa, bàn, giường. Con cháu soạn thức ăn ra trên những chiếc chiếu đặt dưới đất và ngồi “xếp bàn”vây quanh “ thọ lộc”thật ngon lành. Tuy nhiên giờ đây, nhờ điều kiện kinh tế phát triển, nhiều “ anh tam” làm mâm cỗ sang trọng không thua gì đám cưới. Chỉ có họ, làng, xóm, thôn là vẫn duy trì như xưa. Tuy đơn giản nhưng rất được đông đảo người dân ủng hộ vì họ đã quá thường xuyên và quen thuộc với những bàn tiệc sang trọng trong các cưới, hỏi, kị giỗ ...ở đây rồi. 

                                                  


               Ai đã từng tham dự và tận mắt chứng kiến quang cảnh một lễ cúng giỗ chạp của họ tộc nơi đây thì ắt sẽ nhớ mãi và thích thú vô cùng. Bởi có lẽ Quảng Thái là một trong những miền quê hiếm hoi còn lưu được toàn bộ nghi thức cúng tế như xưa mà chắc chắn nhiều vùng quê khác không còn giữ được. Đó là, trong cúng tế ở nhà thờ họ, miếu xóm, đình làng luôn có đầy đủ kiểng, chiêng, trống( có khi thêm cả ban nhạc tài tử). Bắt đầu lễ cúng, bộ phận chủ bái, hương, đèn, rượu khăn áo chỉnh tề vào đúng vị trí đã phân công và thực hiện công việc theo lời xướng của chủ lễ. Tiếng kiểng, tiếng chiêng, tiếng trồng liên hồi; khói hương nghi ngút; trầm hương ngào ngạt; mùi xôi thịt thơm lừng; các bộ phận vái lạy, hầu rượu nhịp nhàng. Tất cả tạo nên một không khí tôn nghiêm, thiêng liêng và thật ấm cúng. 

                                              
               Một điều đặc biệt là nhiều họ tộc đã lồng ghép công tác khuyến học gia đình, dòng họ vào trong ngày giỗ chạp để tuyên dương, khen thưởng con cháu có thành tích, đỗ đạt. Tuy hình thức chưa thật phong phú nhưng cũng phần nào thể hiện rõ nét sự quan tâm của dòng họ đến việc học của con em - Một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hiện nay. Rất đáng ghi nhận!

                                                           
             Chạp mộ, một nét đẹp văn hoá truyền thống, đang được các họ tộc vận dụng để đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài đã và đang góp phần rất lớn vào quá trình bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam; chắc chắn sẽ được người dân Quảng Thái giữ gìn và phát huy trong cả hôm nay và mai sau!

 

                                                            

Trong hình ảnh có thể có: trong nhà
 

 

Văn Minh Tý- Giáo viên trường THCS Lê Xuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.930.045
Truy cập hiện tại 2.040